Đề xuất đưa nội dung Bộ Chỉ số VN-CRI vào hệ thống chỉ tiêu về quản lý phát triển đô thị

17:37 | 27/09/2017 Print
- Ngày 27/9/2017, tại Hà Nội, Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) phối hợp với Quỹ Châu Á và Viện Nghiên cứu chuyển đổi môi trường và xã hội (ISET) tổ chức Hội thảo cuối kỳ Dự án “Xây dựng Bộ chỉ số đô thị chống chịu với biến đổi khí hậu tại Việt Nam (VN-CRI)”.

Phát biểu tại hội thảo, TS. Michael Digregorio – Trưởng Đại diện Quỹ châu Á tại Việt Nam cho biết, trước khi đưa Bộ chỉ số CRI áp dụng ở Việt Nam, đã dành nhiều thời gian, công sức để nghiên cứu, xác định những dữ liệu, biến số cần lựa chọn, phân tích dữ liệu nào phù hợp, dữ liệu nào không. Sau khi đã xây dựng xong, Bộ chỉ số CRI dành riêng cho Việt Nam này đã tiếp tục được hoàn chỉnh nhờ các góp ý từ các địa phương, các đơn vị liên quan.

TS. Michael Digregorio – Trưởng đại diện Quỹ châu Á tại Việt Nam trình bày tham luận tại Hội thảo

Theo báo cáo của Cục Phát triển đô thị, sau khi triển khai Bộ Chỉ số VN-CRI tại 5 đô thị thí điểm, bao gồm: Ca Mau, Cẩm Phả, Hội An, Lào Cai và Gia Nghĩa cho thấy, hầu hết các thành phố này đều cho rằng, các chỉ số VN-CRI có ý nghĩa và hữu ích, giúp họ có nhận thức tốt hơn và đưa ra những quyết định/chính sách phù hợp để khắc phục các điểm yếu, qua đó nâng cao khả năng chống chịu đối với biến đổi khí hậu và các cú sốc.

Tuy nhiên, có một thực tế đang diên ra tại hầu hết các thành phố được lựa chọn thí điểm đó là công tác ứng phó với biến đổi khí hậu còn chưa thực sự gắn kết với các chính sách và chiến lược, kế hoạch, quy hoạch. Bên cạnh đó, năng lực dự báo còn yếu kém, chưa có công cụ quản lý hiệu quả, không có kho dữ liệu, chưa có các kịch bản, phương án ứng phó khi xảy ra sự cố. Nhiều dự báo đưa ra tính chính xác không cao dẫn đến việc ứng phó không đảm bảo.

Trong khi đó, đối với 28 đô thị thực hiện nhân rộng Bộ Chỉ số VN – CRI cũng cho thấy, phần lớn các đô thị này chưa thực sự quan tâm đến việc áp dụng chỉ số này, bởi đây là vấn đề họ chưa cần ưu tiên trong thời gian này.

Nhằm triển khai Quyết định số 2623/QĐ-TTg phê duyệt đề án phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2013-2020 của Thủ tướng Chính phủ, Cục Phát triển đô thị Bộ Xây dựng đã triển khai xây dựng Bộ Chỉ số đô thị chống chịu với biến đổi khí hậu tại Việt Nam (VN-CRI) tại 05 đô thị thí điểm và 28 đô thị nhân rộng. Bộ Chỉ số VN-CRI được xây dựng để đánh giá và thúc đẩy khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu của địa phương. Bộ chỉ số này được xây dựng dựa trên khung khả năng chống chịu đô thị của URUP bao gồm 4 lĩnh vực là: Sức khỏe và phúc lợi; Kinh tế và xã hội, Hạ tầng và môi trường, Lãnh đạo và chính sách.

“Việc triển khai VN-CRI dường như chỉ là việc đột xuất, giống như nhiều công việc khác, không phải là nhiệm vụ chính và thường xuyên của các sở, ngành địa phương. Bên cạnh đó, việc triển khai chỉ số này không ràng buộc về mặt pháp lý/mang tính tự nguyện/không nhất thiết phải thực hiện”, GS, TS Đỗ Hậu, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam (VUPDA), thành viên tham gia xây dựng bộ chỉ số VN-CRI cho biết.

Thực tế cho thấy, trong số 28 đô thị này, có đến 9 đô thị không tham gia hoạt động nhân rộng (không nộp phiếu khảo sát). Trong số 19 đô thị còn lại thì có tới gần 50% không nộp đủ số lượng phiếu khảo sát. Bên cạnh đó, kết quả đánh giá bộ chỉ số VN-CRI tại các đô thị nhân rộng cũng cho thấy, các đô thị đảm bảo khả năng chống chịu biến đổi khí hậu tốt chỉ đạt thang điểm xấp xỉ 8/10, như: Hải Phòng (7,96); Vị Thanh (7,9); Sóc Trăng (7,88). Đáng chú ý, đó là Hà Nội lại có kết quả thấp nhất trong số các đô thị nhân rộng, với 5,66 điểm.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Anh Tuấn, đại diện Cục Phát triển đô thị cho rẳng, để triển khai áp dụng bộ chỉ số VN-CRI vào thực tế, thời gian tới nhiều nội dung của Bộ Chỉ số sẽ được đưa vào các văn bản pháp quy phạm pháp luật, như: nghị định, thông tư... sau khi Dự thảo Luật Quy hoạch phát triển đô thị được ban hành.

“Trong Dự thảo Luật Phát triển đô thị, Cục Phát triển đô thị đã dành 01 mục trong Chương II, Quản lý hệ thống đô thị để nói về: Phát triển đô thị xanh, thông minh, đô thị có khả năng thích ứng, ứng phó với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, kết quả dự án VN-CRI, cụ thể là các biến số liên quan đến các lĩnh vực khác, ngoài ngành xây dựng sẽ được nghiên cứu, áp dụng trong quá trình soạn thảo các nghị định, thông tu hướng dẫn sau khi Luật Quy hoạch phát triển đô thị được ban hành”, ông Tuấn cho biết

Cùng với đó, ông Tuấn cũng cho rằng, hiện nay, hệ thống số liệu để đánh giá ảnh hưởng mức độ thích ứng của đô thị với biến đổi khí hậu ở các địa phương thuần túy là các số liệu liên quan đến kỹ thuật, giao thông, nhà ở. Tuy nhiên, qua việc triển khai dự án, tiếp cận bộ chỉ số VN-CRI, nhận thấy cần bổ sung các chỉ số liên quan tới ác khía cạnh, như: sức khỏe và Phúc lợi; Kinh tế và Xã hội; Lãnh đạo và Chính sách; Hạ tầng kỹ thuật và môi trường./.

Anh Quyền

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư