Chứng khoán Bảo Việt nối dài chuỗi giải thưởng 2020

10:13 | 02/12/2020 Print
- Tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2020 do Báo Đầu tư và AVM Vietnam phối hợp tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tháng 11 vừa qua, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) tiếp tục được vinh danh là “Tổ chức tư vấn M&A tiêu biểu”. Trước đó, cuối tháng 10/2020, BVSC được vinh danh TOP 10 công ty chứng khoán tiêu biểu trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội năm 2020. Đặc biệt, BVSC thường xuyên nằm trong TOP 2 công ty chứng khoán có thị phần môi giới trái phiếu lớn nhất thị trường.

Nhiều năm liền được bình chọn là “Nhà tư vấn M&A tiêu biểu”, dấu ấn của BVSC trên thị trường M&A năm 2019-2020 ở thương vụ tư vấn xây dựng cấu trúc, kịch bản thực hiện thương vụ Tập đoàn Bảo Việt (BVH) chào bán riêng lẻ 41.436.330 cổ phần cho Sumitomo Life. Thương vụ giúp thu về cho BVH hơn 4.000 tỷ đồng. Giá phát hành thành công của thương vụ này cao hơn 30% so với thị giá trên sàn đã khẳng định niềm tin mạnh mẽ của Sumitomo Life vào tầm nhìn và tiềm năng phát triển của Tập đoàn Bảo Việt, đồng thời cho thấy nỗ lực của BVSC với vai trò là nhà tư vấn cho thương vụ. Trong khuôn khổ diễn đàn M&A 2020, Tập đoàn Bảo Việt - với thương vụ Sumitomo Life mua cổ phần Bảo Việt - cũng được bình chọn là “Doanh nghiệp có thương vụ đầu tư và M&A tiêu biểu Việt Nam 2019-2020”. Trước đó, thương vụ này cũng được bình chọn là 1 trong 5 dự án đầu tư tiêu biểu của TP. Hà Nội tại Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển” diễn ra vào tháng 6.2020.

Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội vinh danh TOP 10 công ty chứng khoán tiêu biểu 2020

Trong Báo cáo thường niên 2019-2020, BVSC truyền tải thông điệp, xây dựng môi trường của lòng tin, tính minh bạch, sự ổn định về tài chính và đạo đức kinh doanh là những giá trị cốt lõi Công ty đặt ra trong hoạt động quản trị, điều hành doanh nghiệp. Ông Nhữ Đình Hòa, Tổng giám đốc BVSC chia sẻ, đó là thông điệp có tính định hướng xuyên suốt, là phương châm hành động của BVSC. “Thị trường tài chính nói chung và TTCK nói riêng là thị trường của lòng tin, sự tín nhiệm, có tính nhạy cảm, biến động cao. Nếu không xác định những giá trị cốt lõi có tính nền tảng làm phương châm hành động, thì trước những biến động từ bên ngoài, như đại dịch Covid 19 vừa qua, các công ty nói chung sẽ rất dễ bị tổn thương và khó phát triển bền vững”, ông Hòa nói.

Dịch Covid-19 đã làm suy giảm mạnh việc mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) trên toàn cầu và Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật đó. Tuy nhiên, nhờ vào nỗ lực khống chế đại dịch của Chính phủ nên Việt Nam vẫn được đánh giá là một điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn. Nếu thế giới tìm ra vắc-xin chống lại Covid-19, tương lai của thị trường M&A tại Việt Nam được dự báo là rất sôi động, trong bối cảnh Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán sửa đổi chính thức có hiệu lực thi hành từ năm 2021. Cùng với đó, việc Việt Nam tham gia sâu và ký kết các hiệp định thương mại quốc tế cũng tạo điều kiện thuận lợi cho không chỉ giao thương thương mại, mà còn là hoạt động đầu tư, xây dựng chuỗi sản xuất, hệ sinh thái kinh doanh, chuỗi giá trị... mở rộng trong khu vực và quốc tế.

Đánh giá về tương lai năm 2021, Tổng giám đốc BVSC cho rằng, trong năm tới, vốn đầu tư toàn xã hội sẽ hồi phục khi đầu tư công được duy trì, bên cạnh đó vốn đầu tư tư nhân bật tăng và vốn FDI sẽ tăng trở lại. Cầu tiêu dùng trong nước cũng sẽ là điểm nhấn, khi cầu tiêu dùng phục hồi từ nền thấp trong năm 2020. Bên cạnh đó, xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng tốc khi EVFTA thực sự phát huy hiệu quả. Bức tranh kinh tế sáng dần, những thay đổi về hành lang pháp lý nhờ các luật mới có hiệu lực, dự án đổi mới về nền tảng giao dịch trên TTCK Việt Nam là những yếu tố thuận lợi để kỳ vọng, năm 2021, TTCK và hoạt động chu chuyển dòng tiền trên thị trường tài chính sẽ sôi động và hiệu quả cao hơn./.

Tường Vi

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư