CPI bình quân quý I/2021 tăng 0,29%

13:59 | 29/03/2021 Print
- Theo Tổng cục Thống kê, đây là mức tăng CPI thấp nhất của quý I trong 20 năm qua. Khu vực nông thôn có tốc độ giảm CPI nhiều hơn khu vực thành thị, chủ yếu do mức giảm của chỉ số giá nhóm thực phẩm.

CPI tháng 3 giảm 0,27%

Cơ quan thống kê quốc gia nhận định, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng sau Tết Nguyên đán giảm theo quy luật hàng năm, giá các loại thực phẩm giảm do nguồn cung dồi dào là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2021 giảm 0,27% so với tháng trước.

Trong mức giảm 0,27% của CPI tháng 3/2021 so với tháng trước, khu vực thành thị giảm 0,2%; khu vực nông thôn giảm 0,34%. Khu vực nông thôn có tốc độ giảm CPI nhiều hơn khu vực thành thị chủ yếu do mức giảm của chỉ số giá nhóm thực phẩm.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính tháng 3/2021, có 7 nhóm giảm giá so với tháng trước, 4 nhóm tăng giá.

Trong 7 nhóm hàng giảm giá, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có mức giảm nhiều nhất, giảm 1,46% so với tháng trước (làm CPI chung giảm 0,49 điểm phần trăm) do giá thịt lợn, thịt gia súc, gia cầm, thủy sản, rau tươi giảm mạnh nhờ nguồn cung dồi dào. Đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu du lịch, lễ hội giảm nên nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,03%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,28%.

Còn trong 4 nhóm hàng tăng giá, nhóm giao thông có mức tăng so với tháng trước cao nhất với 2,29% (làm CPI chung tăng 0,22 điểm phần trăm) do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh giá xăng, dầu vào thời điểm 25/02/2021, 12/3/2021 và 27/3/2021, trong đó giá xăng E5 tăng 1.550 đồng/lít so với tháng trước, giá xăng A95 tăng 1.770 đồng/lít, giá dầu diezen tăng 1.200 đồng/lít. Ngoài ra là các nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,24%; Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%; Nhóm giáo dục tăng 0,01%.

Tổng cục Thống kê cũng cho biết, so với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 3/2021 tăng 1,16%. Trong khi đó, so với tháng 12/2020, CPI tháng 3/2021 tăng 1,31%.

Bình quân quý I/2021, lạm phát cơ bản tăng 0,67% so với cùng kỳ

Theo Tổng cục Thống kê, CPI bình quân quý I/2021 tăng 0,29% so với cùng kỳ năm 2020, mức tăng thấp nhất của quý I trong 20 năm qua.

Lạm phát cơ bản tháng 3/2021 giảm 0,12% so với tháng trước

Theo đó, nguyên nhân làm tăng CPI trong quý I năm 2021 là do: Giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng gạo nếp và gạo tẻ ngon trong dịp Tết Nguyên đán; Giá các mặt hàng thực phẩm tăng; Giá gas trong nước biến động theo giá gas thế giới, giá gas quý I/2021 tăng 7,58% so với cùng kỳ năm trước; Giá dịch vụ giáo dục…

Bên cạnh các nguyên nhân làm tăng CPI, có một số nguyên nhân làm giảm CPI quý I/2021 so với cùng kỳ năm trước như: Chính phủ triển khai các gói hỗ trợ cho người dân và người sản xuất gặp khó khăn do dịch Covid-19, trong đó có gói hỗ trợ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam triển khai giảm giá điện, tiền điện cho khách hàng trong quý II và quý IV năm 2020.

Ngoài ra, giá xăng dầu trong nước bình quân quý I/2021 giảm 9,54% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung giảm 0,34 điểm phần trăm; giá dầu hỏa giảm 14,5% so với cùng kỳ năm 2020. Cùng với đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu đi lại, du lịch của người dân giảm so với cùng kỳ năm trước làm cho giá vé máy bay quý I/2021 giảm 24,28%; giá vé tàu hỏa giảm 10,03%; giá du lịch trọn gói giảm 4%.

Cơ quan thống kê quốc gia cũng thông tin, lạm phát cơ bản tháng 3/2021 giảm 0,12% so với tháng trước, tăng 0,73% so với cùng kỳ năm trước.

Bình quân quý I/2021 lạm phát cơ bản tăng 0,67% so với cùng kỳ năm 2020, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 0,29%) chủ yếu do giá mặt hàng xăng, dầu và điện sinh hoạt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước đã được loại trừ trong danh mục hàng hóa, dịch vụ tính lạm phát cơ bản. Mức lạm phát cơ bản tháng 3 và quý I/2021 so với cùng kỳ năm trước đều là mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.

Như vậy, với con số nói trên trong quý I, tốc độ tăng CPI của năm 2021 vẫn đang trong tầm kiểm soát. Năm 2021, Nghị quyết Quốc hội đề ra tốc độ tăng CPI bình quân khoảng 4%. Mặc dù nhiều dự báo cho rằng, lạm phát trong năm 2021 vẫn sẽ trong tầm kiểm soát ở mức dưới 4%, tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế khuyến nghị, vẫn không thể lơ là, chủ quan trong kiểm soát lạm phát. Theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), trong năm nay, bên cạnh tác động từ diễn biến trên thị trường thế giới, áp lực tăng giá trong nước còn đến từ việc tiếp tục điều chỉnh giá một số dịch vụ công theo lộ trình thị trường. Một số mặt hàng có yếu tố chi phí đầu vào tăng nhiều nhưng không xem xét tăng giá trong năm 2020.

Bên cạnh đó, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, năm 2021 có một số yếu tố có thể đẩy áp lực lạm phát lên đáng kể. Trước tiên là khả năng phục hồi mạnh của kinh tế toàn cầu nói chung, của Việt Nam nói riêng trên nền tăng trưởng thấp của năm nay. Khi kinh tế phục hồi thì nhu cầu về hàng hóa, dịch vụ tăng, từ đó sẽ đẩy mặt bằng giá cả lên.

Bên cạnh đó, lượng tiền mà các nước, các ngân hàng trung ương bơm ra để phòng chống dịch, hỗ trợ phục hồi kinh tế lớn, hay các động thái tiếp tục nới lỏng tiền tệ, giảm lãi suất… trong thời gian qua sẽ có tác động mạnh hơn trong năm tới, khiến lạm phát trên toàn cầu dự báo có thể tăng tương đối. Ngoài ra, các dự báo đều cho thấy giá các hàng hóa cơ bản, trong đó có giá dầu vẫn tiếp tục xu hướng tăng trở lại, dù mức tăng không lớn nhưng cũng tạo thêm sức ép./.

Lê Vân

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư