44% người tiêu dùng “nín nhịn” bỏ qua khi mua phải hàng dởm

15:52 | 15/08/2016 Print
- Kết quả khảo sát nhận thức của người tiêu dùng về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam do Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) công bố mới đây cho thấy, người tiêu dùng còn chưa quan tâm đến quyền lợi của chính mình.

Nhằm có cái nhìn tổng quát đối với kết quả triển khai các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giai đoạn 2011-2015, đồng thời, tạo cơ sở cho việc nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thời gian tới, với sự hỗ trợ của Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ), Cục Quản lý cạnh tranh đã phối hợp với Viện Nghiên cứu thương mại tiến hành khảo sát nhận thức người tiêu dùng về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam.

Đối tượng được khảo sát tập trung chủ yếu vào người tiêu dùng nói chung và được chia thành các nhóm, như: công chức, viên chức, chủ công ty, doanh nghiệp, nhân viên, học sinh, sinh viên, nội trợ, cá nhân tự do và đối tượng khác.

Theo kết quả điều tra khảo sát mới được công bố mới đây cho biết, trong số 3.000 người được hỏi, có 75% số người tiêu dùng được hỏi, cho rằng mình đã từng nghe, hoặc biết đến Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; 71% số người tham gia khảo sát trả lời biết đến các quyền cơ bản của người tiêu dùng. Theo Cục Quản lý cạnh tranh, điều này thể hiện công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng thời gian qua đã đạt được kết quả đáng ghi nhận.

Một điều đang lưu ý là, mặc dù có 58,8% số người tham gia khảo sát biết đến cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhưng con số này chưa thực sự phản ánh chính xác tỷ lệ người chọn đúng bởi bảng câu hỏi đưa ra 4 lựa chọn.

Cục Quản lý cạnh tranh cũng cho biết, nhiều người dù đã biết đến cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhưng khi lựa chọn tên cơ quan chuyên trách thì lại sai. Chính vì vậy, dữ liệu để lựa chọn chính xác tên cơ quan chuyên trách về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần được xem xét lại.

Có hơn một nửa người tiêu dùng đã từng bị xâm phạm quyền lợi

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, có hơn một nửa số người tiêu dùng tham gia khảo sát trả lời đã từng bị xâm phạm đến quyền lợi với tư cách là người tiêu dùng trong khoảng thời gian từ năm 2011-2015. Nhóm hàng hóa, dịch vụ được nhiều người tiêu dùng phản ánh đã từng bị xâm phạm chủ yếu là thực phẩm, nước giải khát, đồ điện tử gia dụng, hàng hóa tiêu dùng, điện thoại, viễn thông, thời trang, trang sức, du lịch, nhà hàng, máy tính, kết nối internet, y tế.

Cũng theo kết quả khảo sát, có hơn một nửa người tiêu dùng trả lời đã từng bị xâm phạm quyền lợi (chiếm 56%).

Những nhóm hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng bị xâm phạm nhiều là thực phẩm, nước giải khát (19,69%), đồ điện tử gia dụng (13,05%)…

Mặc dù có hơn một nửa số lượng người cho biết bị xâm phạm nhưng có tới 44% chọn phương án im lặng, bỏ qua vụ việc; 20% chọn phương án yêu cầu hỗ trợ từ cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; 36% thực hiện khiếu nại đến tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ.

Lý do người dùng im lặng, bỏ qua vì cho rằng giá trị tranh chấp nhỏ, thủ tục khiếu nại phức tạp, vì cho rằng đơn vị kinh doanh sẽ không giải quyết, không biết đến cơ quan, tổ chức hỗ trợ giải quyết khiếu nại….

Cũng theo kết quả khảo sát, có đến 53,6% người được hỏi cho biết chưa từng liên hệ với bất kỳ cơ quan, tổ chức nào để giải quyết tranh chấp./.

Lê Vân

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư