Để tận dụng tối đa các cơ hội từ EVFTA

17:22 | 24/05/2020 Print
- Với những nội dung cam kết toàn diện và ở mức cao nhất trong số các hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia, EVFTA được kỳ vọng sẽ có những tác động sâu rộng đến nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Do đó, Chính phủ cần có những sự chuẩn bị tốt để tận dụng những cơ hội từ Hiệp định này.

Những cam kết của hai bên

Hiệp định EVFTA đã được Nghị viện châu Âu bỏ phiếu thông qua vào giữa tháng 2/2020 và được Hội đồng châu Âu phê duyệt vào cuối tháng 3/2020. Ngày 24/4 vừa qua, Hội đồng châu Âu cũng đã gửi công hàm thông báo chính thức với Việt Nam về việc EU đã hoàn tất thủ tục pháp lý cuối cùng theo quy trình phê chuẩn nội bộ của mình. Như vậy, hiện EVFTA chỉ cần được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn và hai bên hoàn tất thủ tục thông báo theo quy định của Hiệp định là sẽ chính thức có hiệu lực đối với cả EU và Việt Nam.

Ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, EU cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm

EU là khu vực chiếm tỷ trọng lớn trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và châu Âu. Kim ngạch thương mại Việt Nam – EU liên tục phát triển trong những năm qua, từ mức 4,1 tỷ USD năm 2000 lên 56,45 tỷ USD năm 2019. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng 14,8 lần (từ 2,8 tỷ USD lên 41,54 tỷ USD) và nhập khẩu vào Việt Nam từ EU tăng hơn 11,4 lần (1,3 tỷ USD lên 14,90 tỷ USD).

kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Đối với một số ít mặt hàng còn lại (tương đương khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu), EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan (TRQ) với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Như vậy, có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn.

Với các nhóm hàng quan trọng như dệt may, giày dép, gạo, đường, mật ong, các sản phẩm rau quả tươi và chế biến..., EU có cam kết riêng.

Cụ thể, đối với hàng dệt may, trong vòng 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế quan với 77,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, 22,7% kim ngạch còn lại sẽ được xóa bỏ sau 7 năm. Cam kết này của EU được đưa ra phù hợp với khả năng đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ “2 công đoạn” (từ vải trở đi) của ngành dệt may Việt Nam (tức là để được hưởng thuế quan ưu đãi theo EVFTA thì hàng dệt may của Việt Nam phải được làm từ vải có xuất xứ Việt Nam). Ngoài ra, EU cũng chấp nhận linh hoạt với quy tắc này như cộng gộp xuất xứ từ Hàn Quốc.

Với nhóm hàng giày dép, EU cam kết giảm thuế xuống 0% đối với 42,1% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Sau 3 năm và 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực thì tỉ lệ này sẽ lần lượt là 73,2% và 100%.

Sản phẩm thủy sản (trừ cá ngừ đóng hộp và cá viên) sẽ được EU sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 86,5% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong vòng 3 năm, 90,3% trong vòng 5 năm và 100% trong vòng 7 năm. Đối với cá ngừ đóng hộp, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan là 11.500 tấn. Đối với cá viên, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan là 500 tấn.

Với gạo, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm). Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm (giúp Việt Nam có thể xuất khẩu khoảng 100.000 tấn vào EU hàng năm). Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3 đến 5 năm.

EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 10.000 tấn đường trắng và 10.000 tấn sản phẩm chứa đường trên 80%.

Sản phẩm mật ong sẽ được EU sẽ xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực và không áp dụng hạn ngạch thuế quan.

Gần như toàn bộ các sản phẩm rau quả tươi, rau củ quả chế biến, cà phê, hạt tiêu, túi xách, vali, sản phẩm nhựa, sản phẩm gốm sứ thủy tinh về cơ bản sẽ được xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

Hiện EVFTA đang chờ Quốc hội Việt Nam phê chuẩn

Về phía Việt Nam, Chính phủ cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu từ EU). Tiếp đó, sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu. Sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu). Đối với khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, Việt Nam áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp dụng TRQ theo cam kết WTO hoặc không cam kết.

Đối với một số mặt hàng EU quan tâm, Việt Nam cũng đưa ra những cam kết cụ thể. Theo đó, mặt hàng ô tô, phụ tùng ô tô, xe máy, Việt Nam cam kết đưa thuế nhập khẩu về 0% sau 9 năm với ô tô phân khối lớn (trên 2.500 cm3 với xe chạy dầu diesel, trên 3.000 cm3 với xe chạy xăng), 10 năm với các loại ô tô khác, 7 năm với phụ tùng ô tô, 10 năm với xe máy thường và 7 năm với xe máy trên 150 cm3.

Mặt hàng rượu vang, rượu mạnh, bia, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu sau 7 năm với rượu vang, rượu mạnh, sau 10 năm với bia.

Mặt hàng thịt lợn, thịt gà, thịt bò, Việt Nam cam kết đưa thuế nhập khẩu về 0% sau 7 năm với 3 dòng thuế thịt lợn đông lạnh và 9 năm đối với các loại thịt lợn khác. Đối với thịt gà, lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu là 10 năm. Lộ trình đối với thịt bò là 3 năm.

Đối với thuế xuất khẩu, Việt Nam và EU cam kết không đánh thuế xuất khẩu đối với hàng hóa khi xuất khẩu từ lãnh thổ một bên sang bên kia. Lý do của cam kết cắt giảm thuế xuất khẩu là nhiều nước trên thế giới coi việc đánh thuế xuất khẩu là một hình thức trợ cấp gián tiếp gây ra cạnh tranh không lành mạnh giữa hàng hóa của các nước.

Tuy nhiên, Việt Nam đã bảo lưu quyền áp dụng thuế xuất khẩu đối với 57 dòng thuế, trong đó có các sản phẩm quan trọng như dầu thô, than đá (trừ than để luyện cốc và than cốc là loại than ta hầu như không sản xuất). Đối với các dòng thuế có thuế xuất khẩu hiện hành đang cao, Việt Nam cam kết đưa mức trần thuế xuất khẩu về 20% trong thời gian tối đa là 5 năm (riêng quặng măng-gan có mức trần 10%). Với các mặt hàng khác, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế xuất khẩu theo lộ trình tối đa là 16 năm.

Cơ hội lớn mở ra

Theo tính toán của Bộ Công Thương, EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có hiệp định. Đồng thời, kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng nhưng với tốc độ thấp hơn xuất khẩu.

Về mặt vĩ mô, EVFTA góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18%-3,25% vào năm 2023 và 7,07%-7,72% vào năm 2033. Tác động này lớn hơn nhiều so với tất cả các hiệp định thương mại tự do trước đây mà Việt Nam đã tham gia, kể cả so với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Ngoài ra, EVFTA cũng giúp người tiêu dùng Việt Nam được tiếp cận nguồn cung các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao từ EU trong các lĩnh vực như dược phẩm, chăm sóc sức khỏe, xây dựng hạ tầng và giao thông công cộng…

Đặc biệt, theo kết quả nghiên cứu của Báo cáo “Việt Nam: Tăng cường hội nhập quốc tế và thực thi EVFTA” do Ngân hàng Thế giới thực hiện vào cuối tháng 4 vừa qua, EVFTA sẽ giúp Việt Nam giảm nghèo nhanh hơn.

Cụ thể, Hiệp định sẽ giúp làm tăng thêm 0,8 triệu người thoát nghèo vào năm 2030, tương đương với mức giảm tỷ lệ nghèo 0,7%. Hiệp định này cũng có khả năng giúp thu hẹp khoảng cách tiền lương giữa các giới thêm 0,15%, đặc biệt cho các hộ gia đình thuộc nhóm 40% có thu nhập thấp nhất.

Cùng những thách thức phía trước

Mở ra nhiều cơ hội nhưng EVFTA cũng đặt ra không ít thách thức, đặc biệt khi Việt Nam là nền kinh tế có trình độ phát triển thấp nhất so với các nước trong khu vực đã ký FTA với EU. Trong khi đó, EU là một trong những thị trường có đòi hỏi cao nhất trên thế giới.

Mặt khác, kết cấu hạ tầng đầu tư của Việt Nam chưa được đảm bảo đáp ứng được yêu cầu; năng lực cạnh tranh còn hạn chế. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được.

Bên cạnh đó, bản thân các doanh nghiệp khả năng cạnh tranh còn hạn chế, với quy mô, vốn đầu tư nhỏ; khả năng công nghệ, năng suất lao động và chất lượng nguồn nhân lực chưa tương xứng với yêu cầu...

Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIV vào sáng ngày 20/5/2020, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về việc phê chuẩn và thực thi EVFTA, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, việc bước qua được các rào cản thuế quan không có nghĩa là hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam sẽ được thị trường EU chấp nhận, mà phải vượt qua được hàng rào phi thuế quan nghiêm ngặt.

EU có nhiều quy định không chỉ liên quan đến tiêu chuẩn sản phẩm mà cả đối với quy trình sản xuất ra sản phẩm đó. Chẳng hạn, không được dùng hải sản được đánh bắt bất hợp pháp hay không được dùng gỗ khai thác từ rừng tự nhiên mà chưa được phép, vấn đề an toàn thực phẩm, dịch bệnh phải đảm bảo...

Ngoài ra, còn rất nhiều rào cản về kiểm dịch động thực vật, chống bán phá giá, sở hữu trí tuệ…; những tiêu chuẩn về lao động, môi trường của EU cũng thuộc hàng cao nhất thế giới.

Để tận dụng tối đa cơ hội từ Hiệp định

Tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA có nghĩa là Việt Nam bước vào sân chơi lớn, chấp nhận đương đầu với các khó khăn, thách thức mới để cạnh tranh với các nước lớn.

Để thích ứng được với bối cảnh này, Chính phủ sẽ ban hành Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA ngay sau khi Quốc hội xem xét phê chuẩn Hiệp định này để kịp thời đưa ra các định hướng, kế hoạch và lộ trình cho các bộ, ngành và các địa phương nhằm triển khai thực thi đúng, đầy đủ và kịp thời các cam kết của Hiệp định này, giúp hiện thực hóa các lợi ích của Hiệp định này cho người dân và doanh nghiệp.

Kế hoạch thực hiện này tập trung vào 5 nhóm giải pháp chủ yếu, bao gồm:

- Về công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về EVFTA và thị trường của các nước EU: Tăng cường phổ biến về EVFTA cho các đối tượng có liên quan dưới các hình thức đổi mới sáng tạo hơn thông qua các phương tiện truyền thông, trang thông tin điện tử, in ấn các ấn phẩm, tài liệu, các chương trình phát thanh và truyền hình, các lớp tập huấn, hội thảo nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về nội dung cam kết cũng như các công việc cần triển khai để thực thi hiệu quả EVFTA; thiết lập và tăng cường liên kết đầu mối thực thi EVFTA tại các bộ, ngành và địa phương…

- Về công tác xây dựng pháp luật, thể chế: Thực hiện rà soát pháp luật trong quá trình thực thi Hiệp định và báo cáo Chính phủ sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật và trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt ban hành theo đúng với lộ trình đã quy định của EVFTA; xây dựng, hoàn thiện các thiết chế cần thiết để thực thi Hiệp định như cơ chế thành lập nhóm hoặc các nhóm tư vấn trong nước, bao gồm các tổ chức đại diện độc lập, bảo đảm sự đại diện cân bằng giữa các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường, bao gồm tổ chức người lao động và người sử dụng lao động, doanh nghiệp và các tổ chức môi trường…

- Về nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực: Xây dựng các chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cho các ngành hàng, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, nông dân, phù hợp với cam kết quốc tế; đồng thời, chuẩn bị những giải pháp ứng phó, hỗ trợ đối với những ngành hàng, mặt hàng chịu tác động lớn, trực tiếp từ việc thực thi Hiệp định; hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu…

- Về chủ trương và chính sách đối với tổ chức công đoàn và các tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ lao động, tiêu chuẩn lao động phù hợp với các tiêu chuẩn, cam kết, công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia; tham gia các Công ước cơ bản còn lại của ILO…

- Về chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững: Xây dựng và ban hành đồng bộ các chính sách xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Ngoài ra, Chính phủ cũng sẽ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, căn cứ vào các nhóm công việc lớn này, khẩn trương xây dựng Kế hoạch thực hiện của đơn vị, địa phương mình cũng như tăng cường việc giám sát thực hiện để bảo đảm việc thực thi của Việt Nam được đầy đủ, hiệu quả và đồng bộ./.

Tổng hợp từ các nguồn:

https://moit.gov.vn/web/guest/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/bo-truong-bo-cong-thuong-tran-tuan-anh-trinh-bay-bao-cao-ve-viec-phe-chuan-va-thuc-thi-hiep-%C4%91inh-thuong-mai-tu-do-viet-nam-va-lien-minh-chau-au-evfta--19413-16.html

http://baochinhphu.vn/Thi-truong/Cam-ket-cua-EU-doi-voi-hang-hoa-xuat-khau-cua-Viet-Nam/396188.vgp

https://thanhtra.com.vn/kinh-te/thi-truong/hiep-dinh-thuong-mai-tu-do-viet-nam-eu-va-nhung-ky-vong-165646.html

https://www.moit.gov.vn/web/guest/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/nhung-%C4%91ieu-can-biet-ve-hiep-%C4%91inh-evfta-19434-22.html

Trang Trần

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư