e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Tài chính - Ngân hàng

Tăng trưởng tín dụng không gây áp lực lên kinh tế vĩ mô, lạm phát

19:03 | 17/11/2017 Print
- Đó là lời khẳng đinh của Thống đốc Lê Minh Hưng trong phiên chất vấn trước Quốc hội. Tín dụng đang đi đúng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh như mục tiêu điều hành.

Ngành ngân hàng đang được đánh giá tích cực

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng đã trả lời chất vấn trước Quốc hội trong phiên chiều ngày 16/11 và phiên sáng ngày 17/11. Phát biểu trước khi các đại biểu quốc hội đặt câu hỏi chất vấn vào chiều qua (16/11), Thống đốc Lê Minh Hưng đã báo cáo ngắn gọn tình hình ngành ngân hàng thời gian qua.

Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, thời gian qua NHNN đã đạt được những kết quả tích cực như: Giữ ổn định mặt bằng lãi suất, giảm lãi suất cho vay với những lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tăng trưởng tín dụng hiệu quả và an toàn, tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định, dự trữ ngoại hối lên cao nhất từ trước tới nay.

Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết: “Từ khi khai mạc phiên họp đến nay thì dự trữ ngoại hối đã tăng thêm 1 tỷ USD". Như vậy, chúng ta đã mua được 7 tỷ USD từ đầu năm đến nay và đưa dự trữ ngoại hối Nhà nước tăng lên mức 46 tỷ USD. Đây là kết quả rất tích cực.

Bên cạnh đó, ngành ngân hàng cũng đã triển khai quyết liệt Đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, nhờ đó nợ xấu được kiểm soát ở mức dưới 3%, hoạt động ngân hàng an toàn hiệu quả hơn.

Ngành ngân hàng cũng đẩy mạnh công tác cải cách hành chính nhằm bãi bỏ và đơn giản hóa các thủ tục hành chính, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Nhờ đó, trong 2 năm liên tiếp NHNN đã dẫn đầu các chỉ số về cải cách hành chính.

Theo NHNN, trong hơn 10 tháng đã qua của năm 2017, với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, cùng sự quyết liệt của NHNN trong điều hành chính sách tiền tệ và sự nỗ lực của các tổ chức tín dụng trong vấn đề giảm lãi suất, hướng dòng vốn vào sản xuất kinh doanh và triển khai tích cực công tác tái cơ cấu hệ thống ngân hàng gắn với xử lý nợ xấu... đã góp phần vào tăng trưởng GDP quý III, cải thiện môi trường kinh doanh Việt Nam, đồng thời nâng triển vọng, uy tín hệ thống ngân hàng Việt Nam trên trường quốc tế.


Thống đốc Lê Minh Hưng trả lời chất vấn

Trong báo cáo công bố hôm 31/10, Moody's Investors Service đã nâng triển vọng đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam từ “ổn định” lên “tích cực” trong vòng 12-18 tháng tới, qua đó phản ánh kỳ vọng tăng trưởng kinh tế tươi sáng và bức tranh tích cực đối với các ngân hàng được xếp hạng tín nhiệm.

Theo NHNN, việc Moody’s tiếp tục nâng mức đánh giá triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam là một tín hiệu tích cực phản ánh hiệu quả của việc Chính phủ thực hiện đồng bộ các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cùng với công tác điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, chủ động của NHNN; đặc biệt là việc quyết liệt triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu đã đem lại hiệu quả rõ rệt, giữ vững an toàn hệ thống và được các tổ chức quốc tế ghi nhận.

Đảm bảo tăng tín dụng chất lượng, hiệu quả

Về vấn đề tăng trưởng tín dụng phục vụ tăng trưởng kinh tế, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, NHNN xây dựng kịch bản điều hành cho năm 2017 là tín dụng tăng trưởng ở mức 18% và có điều chỉnh linh hoạt tùy theo diễn biến kinh tế vĩ mô và nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 10/2017 tăng 13,66%, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2016. Tốc độ này không có gì đột biến.

Thống đốc Lê Minh Hưng nêu rõ: “Hiện nay, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ và của NHNN đối với tín dụng là tăng trưởng tín dụng phải đi kèm với bảo đảm chất lượng và hiệu quả tín dụng, quan trọng là tín dụng phải đưa vào những lĩnh vực sản xuất kinh doanh”,.

Thống đốc Lê Minh Hưng cũng cho biết, trong báo cáo chi tiết gửi đến đại biểu quốc hội đã báo cáo rõ cơ cấu tín dụng trong 10 tháng đầu năm 2017 và tập trung vào đúng lĩnh vực ưu tiên: Tăng trưởng tín dụng cho lĩnh vực chế biến chế tạo, lĩnh vực phát triển nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ... đã giữ được mức cao hơn so với năm trước và cao hơn mức bình quân các năm. Đây là những lĩnh vực động lực cho tăng trưởng.

Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định: “NHNN bảo đảm tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm tăng phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, không gây áp lực lên kinh tế vĩ mô, lạm phát. Chúng tôi sẽ giám sát chặt chẽ chất lượng vào hiệu quả tín dụng, bảo đảm đưa tín dụng vào những lĩnh vực để phục vụ cho tăng trưởng kinh tế”.

Tuy nhiên, đại hiểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) lo ngại và chưa yên tâm lắm về khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng, chất lượng tăng trưởng. Ông Thắng chất vấn: "Liệu có dòng vốn không nhỏ rót vào bất động sản, tạo bong bóng thị trường này. Thống đốc có khẳng định được chắc chắn năm nay đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng và đảm bảo an toàn các thị trường vốn?".

Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định, đây không phải là chỉ tiêu bắt buộc mà phụ thuộc vào từng sức khoẻ ngân hàng.

Với lĩnh vực cho vay rủi ro như chứng khoán, bất động sản, NHNN đã có giải pháp kiểm soát tín dụng vào bất động sản như nâng hệ số rủi ro, điều chỉnh tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn và chỉ cho vay phân khúc nhà ở xã hội, trung bình, thu nhập thấp...

Đối với lĩnh vực chứng khoán tỷ trọng hiện nay thấp, giảm mạnh so với 2016. Cụ thể tỷ trọng cho vay hiện khoảng 10.000 tỷ đồng, giảm 40% so với cuối 2016. Các ngân hàng phải có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% mới được cho vay; ngân hàng chỉ được cho vay đầu tư chứng khoán giới hạn 5% vốn điều lệ,... Thống đốc khẳng định: "Quan diểm NHNN rõ ràng, chặt chẽ. Với các quy định này chúng tôi tin tưởng đủ chặt để kiểm soát rủi ro".

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) thì đề nghị Thống đốc cho biết tín dụng vào bất động sản hiện nay ra sao và giải pháp thế nào?

Trước lo ngại của đại biểu Nguyễn Sỹ Cương về tín dụng sẽ "chảy" nhiều vào thị trường bất động sản, có khả năng gây bong bóng thị trường này, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, hiện tín dụng cho vay bất động sản đạt trên 400.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 6,5% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế. Thống đốc nhấn mạnh, tốc độ tăng tín dụng trong lĩnh vực này thấp hơn so với năm ngoái và các loại tín dụng toàn hệ thống. Đồng thời, Thống đốc Lê Minh Hưng cũng chấn an các đại biểu yên tâm khi nhắc lại loạt công cụ chính sách mà NHNN áp dụng để kiểm soát cho vay lĩnh vực bất động sản, như nâng hệ số rủi ro, điều chỉnh tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn và chỉ cho vay phân khúc nhà ở xã hội, trung bình, thu nhập thấp...

Tỷ giá hoàn toàn có thể giữ ổn định

Vấn đề điều hành tỷ giá cũng nhận được nhiều sự quan tâm và được đại biểu chất vấn.

Thống đốc Lê Minh Hưng chia sẻ những khó khăn trong điều hành tỷ giá bởi phải đánh giá mục tiêu điều hành và tác động nền kinh tế. Ông nói: "Điều hành tỷ giá vừa phải kiểm soát được lạm phát, tính toán nghĩa vụ trả nợ nước ngoài Chính phủ, tác động với giá hàng nhập khẩu. Việt Nam vừa xuất khẩu, nhập khẩu và có tâm lý kỳ vọng".

Theo Thống đốc, vừa qua NHNN đã áp dụng tỷ giá trung tâm, điều hành linh hoạt và trong diễn biến tỷ giá được dựa vào cung cầu thị trường, điều hành vĩ mô từng thời kỳ. Việc áp dụng tỷ giá trung tâm từ đầu 2016 diễn biến thị trường tích cực. Đồng thời, giải pháp này cũng giúp NHNN thành công trong neo giữ tâm lý kỳ vọng tỷ giá. Tuy vậy, Thống đốc cũng khẳng định NHNN không được chủ quan.

Nhờ tỷ giá ổn định, năm 2016 NHNN đã mua vào hơn 9 tỷ USD và từ đầu năm 2017 đến nay mua thêm được 7 tỷ USD, nâng dự trữ ngoại hối lên hơn 46 tỷ USD. Cũng nhờ tỷ giá ổn định nên xuất khẩu đã tăng mạnh, xuất siêu 2,8 tỷ USD.

Thống đốc Lê Minh Hưng bày tỏ: "Chúng tôi nhận thức trong điều hành phải chủ động, linh hoạt để ứng phó trước những diễn biến khó lường của thị trường quốc tế. Với quy mô dự trữ ngoại hối, chính sách điều hành hiện nay hoàn toàn có thể giữ ổn định tỷ giá".

Cơ cấu lại ngân hàng chưa như mong muốn

Về việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, Thống đốc Lê Minh Hưng nêu rõ, trong quá trình tổng kết việc thực hiện tái cơ cấu tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu cho thấy, bên cạnh những kết quả tích cực, thì còn một số hạn chế.

NHNN đã đánh giá nguyên nhân khách quan, chủ quan và giải pháp khắc phục của những hạn chế. Trên cơ sở này, NHNN đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cơ cấu lại tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu.

Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, trong thời gian qua, nền kinh tế tuy đã phục hồi nhưng còn khó khăn. Nền kinh tế có khó khăn thì hoạt động của tổ chức tín dụng cũng khó khăn. Tổ chức tín dụng vừa cung ứng vốn cho nền kinh tế, đầu tư phát triển, đồng thời tích cực thực hiện nỗ lực tái cơ cấu, xử lý hạn chế. Đây là những nguyên nhân cơ bản khiến quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu đạt kết quả chưa như mong muốn.

Cũng theo Thống đốc, một số cơ chế, chính sách hỗ trợ cho quá trình này còn bất cập. Do đó, NHNN đã báo cáo Chính phủ trình Quốc hội Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu tại Kỳ họp thứ 3 và tại Kỳ họp thứ 4 trình dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Đây là giải pháp quan trọng, cơ bản, có tính lâu dài để xử lý triệt để tồn tại, hạn chế, yếu kém trong hoạt động của tổ chức tín dụng.

Ngoài ra, thị trường vốn nước ta có đặc thù là phát triển chưa có bước tiến mạnh, dù đầu năm nay đã phát triển khá hơn. Do đặc thù này nên nguồn vốn của nền kinh tế phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng. Thị trường vốn chưa phát triển mạnh khiến quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng có một số khó khăn.

Thống đốc Lê Minh Hưng cũng cho rằng, một nguyên nhân nữa là năng lực điều hành, quản trị của một số tổ chức tín dụng còn hạn chế cũng khiến quá trình tái cơ cấu chưa đạt yêu cầu.

Trả lời chất vấn của đại biểu về việc xử lý các ngân hàng được mua với giá 0 đồng, Thống đốc nhấn mạnh: "Sau khi chúng ta mua lại điều quan trọng nhất là chúng ta đã ổn định được tâm lý của người gửi tiền, tránh việc rút tiền hàng loạt và giữ được ổn định của các ngân hàng để không gây nguy cơ đổ vỡ của ngân hàng này, từ đó lây lan sang mất an toàn hệ thống".

Về việc xây dựng phương án để xử lý triệt để các ngân hàng này, sau khi NHNN mua lại 0 đồng thì cũng đã có những bước để kiện toàn hoạt động, đưa cán bộ của các ngân hàng thương mại nhà nước như từ Vietcombank và Vietinbank sang để quản trị điều hành các ngân hàng này, kiện toàn lại bộ máy quản trị điều hành cán bộ, tăng cường các hoạt động để đảm bảo an toàn. Đồng thời, đẩy mạnh việc tiết giảm các chi phí hoạt động để giảm lỗ và tăng cường công tác thu hồi nợ xấu và xử lý các tài sản đảm bảo. Cơ bản bước đầu các hoạt động của ngân hàng này đã tạm ổn định và lỗ lũy kế cũng đã giảm dần.

Tuy nhiên, thực tế là các ngân hàng này còn khó khăn do thực trạng tài chính, tài sản không sinh lời cao,... Chính vì vậy NHNN chỉ đạo quyết liệt, xây dựng đề án để xử lý các ngân hàng này.

Thống đốc cho biết, thực tế rất khó khăn là chúng ta chưa có một khuôn khổ pháp lý đầy đủ để xử lý các ngân hàng yếu kém tương tự như các ngân hàng chúng ta đã mua vì trước đây chúng ta chưa có tiền lệ nào trong việc xử lý các ngân hàng này.

Chính vì vậy Chính phủ đã chỉ đạo và NHNN đã tập trung nỗ lực công sức để xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức tín dụng. Các quy định trong luật này có một nội dung rất quan trọng là để có các công cụ để xử lý và hỗ trợ chương trình tái cơ cấu. Mục tiêu ưu tiên của Chính phủ là tìm các nhà đầu tư mới có năng lực tài chính và năng lực quản trị kinh doanh, kể cả nhà đầu tư nước ngoài.

Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định, trong bất cứ trường hợp nào xử lý ngân hàng yếu kém cũng là "an toàn hệ thống, đảm bảo lợi ích người gửi tiền, không gây đổ vỡ ngân hàng". Ông cho rằng, tăng cường cơ cấu lại, chất lượng hoạt động ngân hàng sẽ đảm bảo mục tiêu an toàn, ổn định hơn. Thống đốc cũng cho biết: “NHNN có nhiều công cụ khác nhau để kiểm soát tình hình, đảm bảo không có hoạt động nào ngoài tầm kiểm soát". Đồng thời, Thống đốc Lê Minh Hưng cũng nhấn mạnh sẽ không dùng nguồn ngân sách để xử lý ngân hàng yếu kém.

Sở hữu chéo đã xử lý triệt để

Trả lời về sở hữu chéo, Thống đốc cho biết sau khi đẩy nhanh tiến độ xử lý vi phạm sở hữu chéo, yêu cầu các cổ đông vi phạm chuyển nhượng, thoái vốn, sáp nhập, hợp nhất mua lại cổ phần, cơ bản tình trạng này đã được giải quyết, các ngân hàng minh bạch và đại chúng hơn. Ông Hưng khẳng định tình trạng nhóm cổ đông lớn thao túng đã được nhận diện và xử lý.

Cụ thể, cho đến nay không còn các cá nhân sở hữu trên 5% vốn điều lệ tại các ngân hàng thương mại cổ phần. Số cặp tổ chức tín dụng sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau đã giảm từ 7 cặp năm 2012, đến nay còn 2 cặp. Sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng và doanh nghiệp từ 56 cặp năm 2012, hiện nay còn 2 cặp. Số tổ chức tín dụng có cổ đông sở hữu chiếm trên 15% từ năm 2012 là 19 tổ chức tín dụng, hiện nay còn 4 tổ chức.

Tuy nhiên, thực tiễn vừa qua cho thấy, sở hữu chéo là một vấn đề phức tạp, khó phát hiện và kiểm soát đối với trường hợp cố tình nhờ người đứng tên hộ. Thực tế này đòi hỏi phải thanh tra, kiểm tra, giám sát thì cơ quan chức năng mới phát hiện được vi phạm. Việc xử lý sở hữu chéo cũng đã được xử lý một bước nhưng vẫn còn tồn tại.

Nguyên nhân là do: Việc thoái vốn của các cổ đông thời gian qua còn khó khăn bởi chưa tìm được đối tác mua lại phần vốn đó. Việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành quy mô lớn có thể gây tổn thất cho các tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp nhà nước. Việc thoái vốn có liên quan đến điều kiện thị trường của hoạt động sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp và nhà đầu tư cũng có khó khăn nên cản trở tiến độ thoái vốn.

Về giải pháp, Thống đốc cho rằng nếu Dự thảo sửa đổi Luật Tổ chức tín dụng được Quốc hội thông qua sẽ giải quyết triệt để các tình trạng hiện nay. Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tập trung rà soát, sửa đổi tiêu chuẩn, điều kiện đối với chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị, chủ tịch Hội đồng thành viên… theo hướng chặt chẽ hơn; sửa đổi giới hạn sở hữu cổ phần, cổ đông tại các tổ chức tín dụng cổ phần; hạn chế sự thao túng của các tổ chức tín dụng có các cổ đông chi phối, bổ sung quy định về góp vốn và mua cổ phần các tổ chức tín dụng. Nếu dự thảo luật này được Quốc hội thông qua thì việc sở hữu chéo sẽ được xử lý một cách triệt để./.

Anh Đức

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư