Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán khích lệ doanh nghiệp đối thoại chính sách và cải thiện chất lượng quản trị

19:39 | 08/12/2020 Print
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng cho biết, nhà quản lý luôn muốn lắng nghe và tạo điều kiện cho doanh nghiệp gọi vốn để phát triển, nhưng các doanh nghiệp cần chủ động đối thoại và quan tâm nhiều hơn đến quản trị công ty để phát triển bền vững và góp sức nâng tầm thị trường.

Tìm hướng đi vượt thách thức phía trước

Chia sẻ với gần 300 lãnh đạo doanh nghiệp dự Hội nghị doanh nghiệp niêm yết lần đầu tiên được Sở GDCK TP. HCM tổ chức cuối tuần qua, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho rằng, đại dịch Covid-19 đã làm đứt gãy nhiều chuỗi sản xuất, kinh doanh trên toàn cầu và chưa có dấu hiệu kết thúc, đặt ra đòi hỏi mỗi doanh nghiệp, mỗi chủ thể cần trang bị cho mình khả năng chống chịu tốt hơn, để trụ vững trong những biến cố khó lường phía trước.

Lãnh đạo UBCK và HOSE đối thoại với các doanh nghiệp tại Hội nghị

Với Việt Nam, trong khó khăn chung, điều đáng mừng là nền kinh tế nước ta đứng thứ 10 trong 53 nền kinh tế do Bloomberg đánh giá về sức chống chọi trong khủng hoảng Covid. “Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trên toàn cầu có GDP tăng trưởng dương và quy mô của GDP của nước ta lần đầu tiên vượt qua các nước Singapore, Malaysia, trở thành nước có GDP lớn thứ 4 trong khối ASEAN. Các cán cân kinh tế vĩ mô lãi suất, tỷ giá, thu ngân sách có ổn định và cải thiện. Đặc biệt, TTCK Việt Nam năm 2020 phát triển rất mạnh cả về điểm số và thanh khoản. Đây là những kết quả rất đáng mừng”, Chủ tịch UBCK nói.

Đánh giá về khối doanh nghiệp niêm yết, ông Dũng cho rằng, trong thành tích chung của nền kinh tế Việt Nam có sự đóng góp hiệu quả của khối doanh nghiệp tiên phong minh bạch. Trong bức tranh chung toàn thị trường, 84% công ty đại chúng, trong đó chủ yếu là khối doanh nghiệp niêm yết, kinh doanh có lãi và lãi lớn trong 9 tháng đầu năm 2020. Tỷ lệ này gần như tương đương với tỷ lệ 86% doanh nghiệp trên TTCK kinh doanh có lãi của năm 2019, cho thấy, số lượng doanh nghiệp suy giảm hiệu quả của năm nay có tăng, nhưng chỉ rất nhỏ.

Cảm nhận về năm 2021, người đứng đầu UBCK cho rằng, khi đại dịch Covid chưa có dấu hiệu kết thúc thì rủi ro còn luôn rình rập tất cả các chủ thể trong chuỗi giá trị của nền kinh tế. Tuy nhiên, ở góc nhìn lạc quan, ông Dũng cho rằng, cơ hội luôn rộng mở cho Việt Nam nói chung, doanh nghiệp, doanh nhân nói riêng nếu tìm cho mình một con đường, một lối đi trong trạng thái bình thường mới. Ngành chứng khoán bước sang năm 2021 có nhiều điểm mới, đặc biệt là Luật Chứng khoán và các nghị định, thông tư hướng dẫn có hiệu lực thi hành từ 1/1/2021, đòi hỏi các doanh nghiệp cần thấu hiểu và vận dụng tốt nền tảng này để vươn lên.

Doanh nghiệp niêm yết cần tiên phong nâng chuẩn quản trị, báo cáo tài chính

Tháng cuối cùng năm 2020, TTCK Việt Nam chứng kiến chỉ số VN-Index vượt mốc 1.000 điểm trong niềm vui chung của các chủ thể tham gia, nhất là với hàng trăm nghìn nhà đầu tư mới. Tuy nhiên, thị trường của năm 2020 trải qua rất nhiều trạng thái, nếu nhà quản lý không vững lái thì có thể khó có kết quả tích cực như hiện nay.

Đại dịch đã khiến TTCK suy giảm rất mạnh trong giai đoạn đầu tràn đến Việt Nam. Để hỗ trợ nhà đầu tư và doanh nghiệp, ngành chứng khoán đã đề xuất thực hiện và trực tiếp thực hiện nhiều giải pháp để ổn định tâm lý và thúc đẩy tính hiệu quả của TTCK. Giải pháp giảm phí giao dịch đã hỗ trợ rất tốt cho thanh khoản, có phiên, thị trường cổ phiếu ghi nhận kỷ lục thanh khoản lên đến 15.000 tỷ đồng/phiên. Cùng với đó, việc UBCK giảm thời gian làm thủ tục hành chính mua cổ phiếu quỹ từ 7 ngày theo luật định, xuống còn 24h đã giúp nhiều doanh nghiệp kịp thời ra giải pháp trấn an tâm lý cổ đông, nhà đầu tư, trong lúc cả thị trường bị bao phủ bởi nỗi lo suy thoái.

Tuy nhiên, trong quan điểm của ông Dũng, sự hỗ trợ trên còn chưa đủ. “UCBK luôn đau đáu việc chúng tôi có thể làm được gì nữa cho thị trường, cho doanh nghiệp và nhà đầu tư”, ông Dũng nói và cho biết, những góp ý, sáng kiến từ các thành viên thị trường, nếu đúng tinh thần của Luật thì UBCK sẵn sàng đáp ứng. “Mong rằng, các doanh nghiệp sẽ mạnh dạn chia sẻ, đối thoại với nhà quản lý nhiều hơn”, Chủ tịch UBCK nói.

Nhiều doanh nghiệp niêm yết quy mô lớn được vinh danh minh bạch và quản trị hiệu quả tại Việt Nam, nhưng toàn thị trường Việt Nam mới có Vinamilk lọt vào TOP 100 doanh nghiệp có điểm quản trị công ty cao nhất trong ASEAN

Để chuẩn bị cho một năm 2021 tiếp tục vững bước, người đứng đầu UBCK chia sẻ, mong muốn đầu tiên là các doanh nghiệp niêm yết và các tổ chức liên quan tiếp tục góp ý cho cơ chế chính sách, nhất là các khoản, mục liên quan đến việc huy động và sử dụng vốn, công bố thông tin, cách thức hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó nếu đại dịch Covid còn kéo dài. Thực tế, Luật Chứng khoán mới có các điều kiện về phát hành cổ phần, trái phiếu chặt chẽ hơn, nhưng ông Dũng cho rằng, đó là để hướng tới mục tiêu tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn bền hơn, hiệu quả hơn chứ không phải cản trở huy động vốn của doanh nghiệp. Tinh thần của nghị định và các thông tư hướng dẫn Luật Chứng khoán cũng vậy, nhưng nếu trong quá trình xem xét dự thảo nghị định, thông tư hoặc thực thi thực tế có vướng mắc, các doanh nghiệp hãy nêu ý kiến, UBCK sẽ tiếp thu và có sự điều chỉnh cho phù hợp nhất với nhu cầu phát triển của thị trường.

Chủ tịch UBCK đốc thúc các doanh nghiệp nâng cao chất lượng công bố thông tin và quản trị doanh nghiệp và chuẩn bị sớm cho lộ trình áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế IFRS mà Bộ Tài chính đã đặt ra (năm 2022 với các doanh nghiệp quy mô lớn; năm 2025 áp dụng với các doanh nghiệp đại chúng). “Đặt mục tiêu tăng cường quản trị doanh nghiệp từ hơn 10 năm với nhiều sự nỗ lực, nhưng năm 2020, mới có Vinamilk là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên lọt vào TOP 100 doanh nghiệp ASEAN có điểm quản trị công ty tốt nhất”, ông Dũng nói và cho rằng, các doanh nghiệp cần cải thiện mạnh mẽ chất lượng quản trị công ty để trụ vững và góp sức ghi danh, nâng tầm thị trường.

Năm 2020 là năm đánh dấu chặng đường 20 năm hoạt động và phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung và của Sở GDCK TP.HCM nói riêng. TTCK đã trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp huy động vốn để đầu tư và mở rộng sản xuất, kinh doanh. Tính đến 30/11/2020, tổng giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu niêm yết trên HOSE và HNX đạt 3,86 triệu tỷ đồng, tương đương gần 64% GDP, trong đó có 29 doanh nghiệp niêm yết có giá trị vốn hóa trên 1 tỷ USD./.

Tường Vi

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư