Nâng tầm quản trị công đại chúng

18:17 | 01/02/2021 Print
- Thông tư số 116/2020/TT-BTC do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành đã cụ thể nhiều nội dung doanh nghiệp cần làm để cải thiện chất lượng quản trị. Thông tư bổ sung quy chế hoạt động của Hội đồng quản trị; quy chế hoạt động của Ban Kiểm soát; quy chế hoạt động của Ủy ban kiểm toán và nhiều mẫu biểu, giúp doanh nghiệp minh bạch các báo cáo.

Quy định mới về quản trị công ty

Theo phân tích từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, liên quan đến Điều lệ hoạt động của doanh nghiệp, Thông tư 116 bổ sung 3 điều về Trưởng ban kiểm soát (Điều 38); Cuộc họp của Ban kiểm soát (Điều 40); Tiền lương, thù lao, thưởng và lợi ích khác của thành viên Ban kiểm soát (Điều 41). Về việc giải thích thuật ngữ (Điều 1), Điều lệ mẫu bổ sung một số khái niệm về “Vốn có quyền biểu quyết” (theo khoản 33 Điều 4 Luật Doanh nghiệp); cổ đông; cổ đông sáng lập; cổ đông lớn (theo khoản 3, khoản 4 Điều 4 Luật Doanh nghiệp, khoản 18 Điều 4 Luật Chứng khoán). Điều lệ mẫu bổ sung bổ sung quy định về quyền của cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên để phù hợp với Luật Doanh nghiệp.

Về nghĩa vụ của cổ đông (Điều 13), Điều lệ mẫu bổ sung thêm nghĩa vụ của cổ đông về bảo mật các thông tin được công ty cung cấp theo quy định tại Điều lệ công ty và pháp luật (theo Khoản 5 Điều 119 Luật Doanh nghiệp 2020).

Về việc ủy quyền tham dự họp Đại hội đồng cổ đông (Điều 16), Điều lệ mẫu bổ sung nội dung về việc cổ đông được coi là tham dự và biểu quyết tại cuộc họp Đại hội (khoản 1 Điều 16) theo theo các hình thức được quy định tại Luật Doanh nghiệp; đồng thời bổ sung nội dung về văn bản ủy quyền dự họp được lập theo quy định của pháp luật dân sự. Việc triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông được sửa đổi thành: “Danh sách cổ đông có quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông được lập không quá 10 ngày trước ngày gửi giấy mời họp Đại hội đồng cổ đông nếu Điều lệ công ty không quy định thời hạn ngắn hơn”. Điểm này hướng dẫn theo quy định tại Khoản 1 Điều 141 Luật Doanh nghiệp.

Về việc đề cử, ứng cử thành viên HĐQT, Điều lệ mẫu sửa đổi quy định về việc đề cử, ứng cử của cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty (theo quy định tại Khoản 5 Điều 115 Luật Doanh nghiệp).

Về quyền hạn và nghĩa vụ của HĐQT (Khoản 2 Điều 27), Điều lệ mẫu bổ sung quy định Hội đồng quản trị Quyết định ban hành Quy chế hoạt động Hội đồng quản trị, Quy chế nội bộ về quản trị công ty sau khi được Đại hội đồng cổ đông thông qua; quyết định ban hành Quy chế hoạt động của Ủy ban kiểm toán trực thuộc Hội đồng quản trị, Quy chế về công bố thông tin của công ty theo Nghị định 155/2020/NĐ-CP…

Rất nhiều điểm mới khác được nhà quản lý bổ sung vào văn bản pháp quy nhằm thúc đẩy doanh nghiệp cải thiện chất lượng quản trị. Năm 2020, Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết trên TTCK Việt Nam đã chỉ ra nhiều điểm yếu cụ thể của từng doanh nghiệp. Tấm gương sáng nhất của hoạt động quản trị doanh nghiệp năm qua thuộc về Công ty cổ phần Sữa Việt Nam Vinamilk, khi Công ty lần đầu tiên giúp Việt Nam có tên trong TOP 100 doanh nghiệp có điểm quản trị cao nhất ASEAN. Vinamilk cũng là doanh nghiệp đạt hiệu quả cao ngay cả trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây khó khăn cho hầu hết các hoạt động trong nền kinh tế.

Nhìn thẳng vào điểm yếu của doanh nghiệp

Danh sách được đánh giá năm 2020 bao gồm 403 doanh nghiệp niêm yết có cổ phiếu được tính trong chỉ số VNX Allshare. Phân nhóm theo qui mô vốn hoá, mẫu đánh giá có 3 nhóm, trong đó nhóm có quy mô lớn gồm 50 doanh nghiệp; nhóm có qui mô vừa gồm 150 doanh nghiệp và nhóm có qui mô nhỏ ggồm 203 doanh nghiệp.

Kết quả phân bố điểm quản trị công ty cho thấy một bức tranh tổng quát về tình hình đáp ứng chuẩn mực đánh giá quản trị năm 2020 của các doanh nghiệp minh bạch nhất nền kinh tế.

Phân bố số lượng doanh nghiệp ở các mức điểm QTCT từ thấp đến cao cho thấy với thang điểm đánh giá từ 0 - 110, phần lớn DN đạt điểm trong khoảng 40 -60 điểm. Có 280 DN đạt mức điểm từ 40 đến 60 điểm, chiếm 70% tổng số DN được đánh giá. Số DN đạt điểm trên 60 điểm là 59 DN chiếm gần 15% tổng số DN được đánh giá.

Kết quả chấm điểm quản trị công ty năm 2020 cũng chỉ ra rằng, quản trị tốt sẽ song hành cùng hiệu quả kinh doanh tốt. Cụ thể, nhóm doanh nghiệp có điểm quản trị công ty cao cũng là nhóm có hiệu quả kinh doanh tốt nhất trong 3 nhóm. Dữ liệu thống kê cho thấy có sự tương quan giữa quản trị tốt và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Bộ tiêu chí đánh giá chi tiết chất lượng quản trị công ty của doanh nghiệp niêm yết năm 2020 gồm 79 câu hỏi. Bên cạnh các câu hỏi đánh giá mức độ tuân thủ pháp lý của doanh nghiệp, còn có nhiều câu hỏi nâng cao, đánh giá các khía cạnh khác của doanh nghiệp trong mối quan hệ với cổ đông, môi trường xã hội, như việc chi trả cổ tức đúng hạn; tổ chức đại hội đồng cổ đông đúng hạn; tài liệu dự thảo cho đại hội được công bố đầy đủ. Biểu quyết và tham dự đại hội bằng công nghệ hiện đại, cho phép thực hiện từ xa, an toàn và bảo mật; chất lượng nội dung thông tin của các báo cáo trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; Bộ qui tắc ứng xử, đạo đức; các cam kết của lãnh đạo DN về thực thi quản trị tốt tại Việt Nam./.

Hồng Lĩnh

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư