Truyền thông giáo dục tài chính, lệch về ngân hàng

18:13 | 25/01/2021 Print
- Thị trường tài chính gồm 2 cấu phần là thị trường tiền tệ (thị trường vốn ngắn hạn) và thị trường chứng khoán (thị trường vốn trung và dài hạn). Nếu thị trường tiền tệ có các chương trình như “Tiền khéo, tiền khôn”, “Đồng tiền thông thái”, “Hiểu đúng về tiền”… nhằm trang bị hiểu biết cho người tham gia thì trên thị trường chứng khoán, đây đang là một khoảng trống.

Giúp giới trẻ hiểu đúng về tiền

Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia là đến năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành đầu năm 2020 đặt ra mục tiêu ít nhất 80% người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; tiến tới mục tiêu mỗi người trưởng thành có ít nhất một tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác vào năm 2030; ít nhất 20 chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng thương mại trên 100.000 người trưởng thành; ít nhất 25% - 30% người trưởng thành gửi tiết kiệm tại tổ chức tín dụng; số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt tốc độ tăng 20% -25% hàng năm.

Cùng với đó, Chiến lược cũng đặt mục tiêu ít nhất 250.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa có dư nợ tại các tổ chức tín dụng; ít nhất 70% người trưởng thành có thông tin về lịch sử tín dụng trong hệ thống thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xây dựng nhiều giải pháp để thực hiện chiến lược trên, trong đó có hoạt động truyền thông giáo dục tài chính. Chương trình mới nhất là cuộc thi “Hiểu đúng về tiền” dành cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng miền Bắc do NHNN và Học viện Ngân hàng vừa phát động (Fanpage: https://www.facebook.com/Hieudungvetien).

Theo bà Lê Thị Thúy Sen, cuộc thi “Hiểu đúng về tiền” hướng đến sinh viên, từ đó lan tỏa hiểu biết đến công chúng

Bà Lê Thị Thúy Sen, Vụ trưởng Vụ Truyền thông, NHNN cho biết, cuộc thi là một trong những hoạt động truyền thông giáo dục tài chính nhằm thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Truyền thông giáo dục tài chính là giải pháp cung cấp cho người dân, doanh nghiệp các thông tin, kiến thức cần thiết về sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. Nhờ được truyền thông giáo dục tài chính, nhận thức của công chúng về các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng sẽ thay đổi, từ đó sẽ tác động đến hành vi và cách ứng xử của họ. Họ sẽ tin tưởng vào các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, tự tin tiếp cận và hạn chế việc tham gia sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng phi chính thức (chẳng hạn tín dụng đen). Khi mỗi cá nhân biết quản lý ngân sách tốt hơn, gia tăng nguồn lực tiết kiệm trong dân và thúc đẩy các nguồn vốn đầu tư cho xã hội.

Tại NHNN, cơ quan này đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai nhiều hoạt động truyền thông giáo dục tài chính như chương trình “Tiền khéo, tiền khôn”, “Những đứa trẻ thông thái”, “Đồng tiền thông thái”… Cuộc thi vừa phát động “Hiểu đúng về tiền” hướng đến sinh viên, nâng cao hiểu biết và kỹ năng sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính, ngân hàng từ giới trẻ đến công chúng.

Theo bà Sen, thực thi truyền thông giáo dục tài chính gặp 4 cái khó. Đó là “khó nhớ - khó tiếp thu - khó áp dụng - khó lan tỏa”, xuất phát từ đặc thù của thông tin về sản phẩm, dịch vụ tài chính-ngân hàng thường mang tính học thuật, bên cạnh đó là sự hạn chế của những kênh truyền thông truyền thống thường một chiều, thiếu tương tác và lan tỏa. Để hóa giải những khó khăn trên, NHNN áp dụng giải pháp “4 dễ”, bao gồm: “dễ hiểu - dễ nhớ - dễ làm - dễ lan tỏa”, để công chúng dễ dàng nắm bắt, áp dụng vào thực tiễn và có tính lan tỏa trong cộng đồng.

Giúp người dân hiểu về chứng khoán, cần sớm một lộ trình

Trên thị trường tiền tệ, số người dân có tài khoản ngân hàng tại Việt Nam chiếm khoảng 63% dân số (tính đến tháng 11 năm 2019), còn trên TTCK, tỷ lệ người dân có tài khoản đầu tư chứng khoán hiện chưa tới 3% (toàn TTCK hiện có 2,74 triệu tài khoản). Tuy nhiên, lượng nhà đầu tư mới gia nhập sân chơi chứng khoán năm 2020 tăng đột biến, cũng đặt ra bài toán cần tổ chức hệ thống giáo dục nhà đầu tư hiểu đúng về chứng khoán bởi đây là thị trường nhạy cảm, cơ hội và rủi ro luôn đi kèm.

Trong chia sẻ với báo chí đầu năm 2021, lãnh đạo Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đặt mục tiêu nâng cao hiểu biết của người dân về chứng khoán và TTCK, nhưng các giải pháp chủ yếu của ngành mới tập trung vào đào tạo công tác quản trị doanh nghiệp, chưa trực tiếp tập trung đào tạo nhà đầu tư. Hoạt động đào tạo, hỗ trợ nhà đầu tư đại chúng phụ thuộc vào các tổ chức tài chính trung gian, thông qua các buổi chia sẻ nhận định thị trường, cơ hội đầu tư hoặc cung cấp các báo cáo phân tích, cập nhật diễn biến mới.

Trên góc độ quản lý, hoạt động đào tạo nhà đầu tư, nhất là giới trẻ đang là một khoảng trống của ngành chứng khoán, trong khi sân chơi chứng khoán phải đối mặt với nhiều rủi ro. Người chơi cần được trang bị thông tin, kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm mới có thể duy trì sức bền trên thị trường. Khi nhà đầu tư có kiến thức vững, TTCK sẽ tránh được những cú sốc vì tâm lý và hướng đến sự phát triển cân bằng hơn giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn.

Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chia sẻ, năm 2021 là năm xây dựng Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Hy vọng Chiến lược sẽ vạch một con đường chủ động cho hoạt động đào tạo nhà đầu tư đại chúng, nhất là giới trẻ, đang và sẽ tham gia TTCK Việt Nam./.

Tường Vi

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư