Chứng khoán Việt Nam rộng dư địa tăng trưởng

09:45 | 25/01/2021 Print
- Năm 2021, 50% khả năng VN-Index sẽ trong khoảng 1.180-1.230 điểm, tương đương với P/E forward 2020 (chỉ số giá trên thu nhập mỗi cổ phần) đạt 16,0-16,5 lần. Trong kịch bản tiêu cực, VN-Index cũng sẽ dao động trên 1.100 điểm trong năm 2021.

Cơ hội đầu tư chứng khoán rộng mở khi nhiều yếu tố hỗ trợ đà tăng của thị trường. Đó là một trong các nhận định được Công ty Chứng khoán VNDirect chia sẻ khi bắt đầu tuần giao dịch mới.

Các yếu tố dẫn dắt đà tăng của TTCK

Chỉ số VN-Index chốt năm 2020 đạt mức 1.103,9 điểm, ghi nhận mức tăng 14,9% so với cuối năm 2019, là mức tăng trưởng hàng năm cao nhất trong 3 năm trở lại đây và vượt kỳ vọng của các thành viên trên thị trường. Bước sang năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có bước chạy đà tương đối ấn tượng, VN-Index tăng 8,2% chỉ trong 2 tuần đầu năm, đóng cửa phiên 15/01/2021 ở mức 1.194,2 điểm (mức cao nhất trong vòng 33 tháng). Đà tăng ấn tượng của thị trường trong một tháng qua là tương đối bất ngờ đối với hầu hết các thành viên thị trường.

Đà tăng được lý giải bởi nhiều nguyên nhân chính. Thứ nhất, mặt bằng lãi suất thấp kỷ lục kích thích dòng tiền nội đổ vào thị trường chứng khoán. Năm 2020 chứng kiến làn sóng nới lỏng chính sách tiền tệ trên toàn cầu để hỗ trợ các nền kinh tế vượt qua suy thoái do đại dịch COVID-19 gây ra, Việt Nam cũng không nằm ngoài làn sóng đó. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có ba đợt cắt giảm lãi suất điều hành trong năm 2020 với mức cắt giảm 1,5-2,0%, nằm trong số những quốc gia cắt giảm lãi suất điều hành mạnh nhất trong khu vực.

Mặt bằng lãi suất trên thị trường cũng giảm sâu, lãi suất cho vay bình quân năm 2020 giảm khoảng 80-100 điểm cơ bản, trong khi lãi suất huy động giảm khoảng 150-170 điểm cơ bản. Đặc biệt hơn, lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh về mức quanh 0,1%, thấp nhất trong lịch sử và lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm cũng về mức quanh 2,2% (giảm 200 điểm cơ bản so với cuối năm 2019). Việc mặt bằng lãi suất về mức rất thấp trong nhiều năm đã khiến một bộ phận dòng tiền trong dân cư cũng như tổ chức chuyển hướng sang các kênh đầu tư tài sản, mà nổi bật nhất là chứng khoán. Đây là yếu tố quan trọng thúc đẩy dòng tiền và thanh khoản trên thị trường chứng khoán tăng mạnh thời gian qua.

Năm 2021, VNDirect dự báo, lãi suất huy động và cho vay có thể giảm tiếp 20-50 điểm phần trăm trong bối cảnh chính sách tiền tệ được nới lỏng và áp lực lạm phát hạ nhiệt, qua đó sẽ kích thích dòng vốn giá rẻ tiếp tục chảy vào kênh đầu tư chứng khoán.

Thứ hai, dòng tiền nội tiếp tục đổ mạnh vào thị trường chứng khoán. Tháng 12/2020 ghi nhận số lượng tài khoản chứng khoán mở mới đạt 64.183 tài khoản, trong đó riêng nhà đầu tư cá nhân mở mới 63.629 tài khoản, tăng khoảng 54% so với tháng trước và cũng là tháng có con số tài khoản mở mới cao kỷ lục từ trước đến nay. Trong 2 tháng trước đó, số lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư cá nhân trong nước cũng ở mức cao, đạt lần lượt 36.346 tài khoản và 41.080 tài khoản trong tháng 10 và tháng 11. Đây được coi là làn sóng nhà đầu tư F0 lần hai, sau giai đoạn đầu hồi tháng 3 đến tháng 6 năm 2020. Tính trong cả năm 2020, tổng số tài khoản mở mới của nhà đầu tư cá nhân trong nước lên tới 392.527 tài khoản, tăng 108% so với năm 2019.

Thứ ba, niềm tin vào hiệu quả chống dịch của Chính phủ và kỳ vọng vào tăng trưởng kinh tế phục hồi mạnh mẽ hơn trong năm 2021. GDP năm 2020 tăng trưởng 2,91% so với cùng kỳ, thuộc nhóm các quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới. Đa số các tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng trên 6% trong năm 2021, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp niêm yết phục hồi hoàn toàn hoạt động sản xuất kinh doanh và ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận cao trong năm 2021. Đây chính là một yếu tố quan trọng hấp dẫn dòng tiền của nhà đầu tư tiếp tục chảy vào thị trường chứng khoán.

TTCK Việt Nam còn dư địa tăng trưởng

VNDirect cho rằng, TTCK Việt Nam vẫn còn dư địa tăng trưởng. Tại ngày 21/01/2021, P/E của chỉ số VN-Index đạt mức 19,4 lần (theo Bloomberg). Mức định giá thị trường hiện tại đã nhỉnh hơn mức P/E bình quân 5 năm của VN-Index là 16,2 lần, tuy nhiên vẫn tương đối hấp dẫn nếu so sánh với mức bình quân của thị trường chứng khoán trong khu vực Đông Nam Á (khoảng 26,3 lần). Với mặt bằng lãi suất thấp như hiện tại, việc thị trường được trả premium so với mức bình quân 5 năm là hợp lý. Hiện mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn 1 năm của các ngân hàng thương mại bình quân ở mức khoảng 5,6%/năm, do đó mức P/E của thị trường trong khoảng 16,5-17,5 lần là khả thi.

Mặc dù mức P/E hiện tại của thị trường nhỉnh hơn mức này, nhưng với dự báo lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết cải thiện từ quý IV/2020, mức P/E của thị trường sẽ được kéo giảm về mức hấp dẫn hơn.

Hiện tại, P/E forward 2021 của chỉ số VN-Index ở mức 15,7 lần, vẫn thấp hơn so với mức P/E bình quân 5 năm là 16,2 lần và vẫn nằm dưới vùng định giá hợp lý (khoảng 16,5-17,5 lần). Đây là lý do VNDirect cập nhật lại kịch bản cho TTCK, nhằm phản ánh chuẩn xác hơn những diễn biến gần đây về dòng tiền nội và xu hướng lãi suất tiếp tục giảm trên thị trường.

Trong nhận định TTCK rộng triển vọng tăng trưởng năm 2021, nhiều tổ chức tài chính trung gian như CTCK Phú Hưng, CTCK Rồng Việt, CTCK Bảo Việt, CTCK MB công bố báo cáo cho rằng, cổ phiếu ngành ngân hàng, bất động sản, công nghiệp, dầu khí… có nhiều cơ hội đầu tư đáng quan tâm năm 2021.

Bên cạnh những đánh giá tích cực từ tổ chức tài chính trung gian, lãnh đạo ngành chứng khoán cũng đặt niềm tin, TTCK năm 2021 có nhiều yếu tố cho kỳ vọng phát triển bền vững. Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, thành công của Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 13 tới đây sẽ là yếu tố đặt nền tảng cho sự phát triển của nền kinh tế trong thời gian tới. TTCK nhờ đó sẽ được hưởng lợi từ chính sách của Đảng và Chính phủ được ban hành ngay sau đó.

Cùng với đó, hệ thống công nghệ thông tin sẽ được đưa vào vận hành từ cuối năm 2021, và việc nghiên cứu triển khai số hóa các tài sản tài chính trên TTCK, áp dụng các công nghệ tài chính mới (Fintech); chuẩn hóa hoạt động mở tài khoản trực tuyến (e-contract); xác thực khách hàng trực tuyến (eKYC). Về yếu tố nền tảng, Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư sửa đổi và các văn bản hướng dẫn cùng có hiệu lực từ năm 2021, đang và sẽ tạo nền tảng pháp lý mới, thúc đẩy tính bền vững và hiệu quả của TTCK, của nền kinh tế.

Bên cạnh những yếu tố tích cực, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng cho rằng, TTCK luôn hàm chứa những rủi ro không thể lường hết, nhưng sự ổn định kinh tế vĩ mô chính là môi trường thuận lợi nhất cho cộng đồng doanh nghiệp vươn lên phát triển và đó cũng là động lực giúp TTCK tăng sức hấp dẫn từ nội lực./.

Hồng Lĩnh

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư