6 tháng đầu năm: FDI giảm 35% so với cùng kỳ

12:00 | 30/06/2014 Print
- Những dự án tỷ USD vẫn chưa xuất hiện khiến tình hình thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 6 tháng đầu năm khá thấp, tuy nhiên vốn giải ngân vẫn diễn biến tốt.

Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tính đến ngày 20/6, cả nước mới thu hút được 6,85 tỷ USD vốn FDI, bằng 64,7% so với cùng kỳ 2013. Trong đó, có 656 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 4,85 tỷ USD, bằng 93,2% so với cùng kỳ; 219 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn là 1,99 tỷ USD, bằng 37% so với cùng kỳ.

Trong thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư quốc tế lớn đến tìm hiểm cơ hội đầu tư cũng như xúc tiến việc mở rộng thêm các dự án đầu tư đã có, tuy nhiên, do vẫn chỉ ở giai đoạn tìm hiểu nên vốn FDI trong 6 tháng đầu năm nay duy trì ở mức thấp. Nửa chặng đường của năm 2014 đã qua, nhưng FDI giảm tới hơn 35% so với cùng kỳ một phần do chưa có dự án tỷ USD nào trong 6 tháng qua. Trong khi cùng thời gian này của năm ngoái, có đến 4 dự án tỷ USD được cấp phép hoặc tăng quy mô vốn đầu tư.

Vốn FDI thu hút mới không được như kỳ vọng, nhưng vốn thực hiện lại khá sáng sủa. Trong 6 tháng đầu năm, các dự án FDI đã giải ngân được tỷ 5,75 tỷ USD, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2013. Nếu 6 tháng còn lại trong năm tiếp tục duy trì được việc giải ngân này, thì mục tiêu giải ngân khoảng 11 tỷ USD vốn FDI đặt ra từ đầu năm sẽ trở thành hiện thực.

Về lĩnh vực đầu tư, công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút được nhiều sự quan tâm nhất của nhà đầu tư nước ngoài với 326 dự án đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 4,8 tỷ USD, chiếm 70,2% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 6 tháng năm 2014. Lĩnh vực xây dựng đứng thứ 2 với 58 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 465,4 triệu USD, chiếm 6,8%. Đứng thứ 3 là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 16 dự án đăng ký mới, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đạt 692,3 triệu USD, chiếm 10,1%.

Tính từ đầu năm 2014 đến nay, đã có 41 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm 1,55 tỷ USD, chiếm 22,6% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Hồng Kông đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1 tỷ USD, chiếm 14,7 % tổng vốn đầu tư; Nhật Bản đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 806 triệu USD, chiếm 11,7% tổng vốn đầu tư.

Cũng trong 6 tháng đầu năm, TP. Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI với 886,3 triệu USD vốn đăng ký mới và tăng thêm, chiếm 12,9% tổng vốn đầu tư. Bình Dương đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 876,05 triệu USD, chiếm 12,8%. Đồng Nai đứng thứ 3 với 688,37 triệu USD, chiếm 10%. Tiếp theo là Quảng Ninh, Hải Dương, Tây Ninh…

Tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của khu vực FDI được đánh giá tăng trưởng khá, thể hiện ở kim ngạch xuất - nhập khẩu vẫn tăng cao. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI trong 6 tháng đầu năm nay nếu tính cả dầu thô đạt 47,82 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 67,5% kim ngạch xuất khẩu. Nếu không kể dầu thô thì xuất khẩu của khu vực này đạt 43,75 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2013.

Trong khi đó, nhập khẩu của khu vực FDI đạt 39,29 tỷ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 56,5% kim ngạch nhập khẩu. Tính chung 6 tháng, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu 8,52 tỷ USD./.

Anh Đức

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư