e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Tài chính - Ngân hàng

8 tháng, Việt Nam thu hút gần 14,4 tỷ USD vốn FDI

10:22 | 24/08/2016 Print
- Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa cho biết, tính đến ngày 20/08, cả nước có 1.619 dự án mới được cấp phép với tổng vốn đăng ký là 9,795 tỷ USD, tăng 24,3% (so với cùng kỳ năm 2015).

Trong đó có 770 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 4,571 tỷ USD, bằng 83,7% (cùng kỳ năm 2015). Như vậy, tính chung trong 8 tháng đầu năm 2016, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 14,366 tỷ USD, tăng 7,7%.

Tính đến thời điểm này, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã giải ngân được 9,8 tỷ USD, tăng 8,9%.

Hàn Quốc tiếp tục là nhà đầu tư lớn nhất ở Việt Nam hiện nay

Trong 8 tháng qua, các doanh nghiệp FDI đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực. Trong đó: công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài, với 678 dự án đăng ký mới và 551 lượt dự án điều chỉnh vốn; tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 10,53 tỷ USD, chiếm 73,3% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 8 tháng.

Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ 2, với 34 dự án cấp mới; tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 836,2 triệu USD, chiếm 5,8% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ đứng thứ 3, với 622,3 triệu USD, chiếm 4,3% tổng vốn đầu tư..

Trong 8 tháng qua đã có 65 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 4,8 tỷ USD, chiếm 33,4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.

Singapore đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,679 tỷ USD, chiếm 11,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Nhật Bản đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,46 tỷ USD, chiếm 10,1% tổng vốn đầu tư.

Theo địa bàn, doanh nghiệp FDI đã đầu tư vào 53 tỉnh/thành phố. Trong đó: Hải Phòng là địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất, với 30 dự án cấp mới và 21 lượt dự án điều chỉnh vốn; tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,02 tỷ USD, chiếm 14% tổng vốn đầu tư.

Hà Nội đứng thứ 2, với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,782 tỷ USD, chiếm 12,4%. Tiếp theo là Đồng Nai, Bình Dương với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm lần lượt là 1,59 tỷ USD và 1,38 tỷ USD.

Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho biết, riêng đối với khu vực ASEAN, trong 8 tháng đầu năm 2016, đã có 208 dự án cấp mới từ các nước khu vực ASEAN vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,23 tỷ USD và 99 lượt dự án điều chỉnh vốn với tổng vốn đầu tư tăng thêm là 536,7 triệu USD. Tính chung trong 8 tháng năm 2016, vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm của các nước ASEAN vào Việt Nam là 2,768 tỷ USD, chiếm 19,27% tổng vốn đầu tư của tất cả các đối tác có đầu tư tại Việt Nam trong 8 tháng. Trong các nước khu vực ASEAN, Singapore là nước dẫn đầu với 127 dự án cấp mới và 59 lượt dự án điều chỉnh vốn, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 1,675 tỷ USD, chiếm 60,5% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả khu vực tại Việt Nam./.

Một số dự án lớn được cấp phép trong 8 tháng đầu năm 2016

Dự án LG Display Hải Phòng với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,5 tỷ USD của LG Display co.,ltd (Hàn Quốc) đầu tư; Dự án Thành phố Amata Long Thành với tổng vốn đầu tư đăng ký 309,3 triệu USD của Thái Lan; Dự án Trung tâm nghiên cứu và phát triển Samsung tại Hà Nội với tổng vốn đầu tư đăng ký 300 triệu USD của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam...

Lê Vân

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư