e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Dự báo kinh tế

GDP quý I/2021 ước tính tăng 4,48%

08:56 | 29/03/2021 Print
- Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,16%, đóng góp 8,34% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,3%, đóng góp 55,96%; khu vực dịch vụ tăng 3,34%, đóng góp 35,70%.

Tại Họp báo Công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý I năm 2021, sáng ngày 29/3/2021, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, kinh tế - xã hội ba tháng đầu năm 2021 của nước ta diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi sau nỗ lực nghiên cứu và triển khai tiêm chủng vắc- xin phòng dịch Covid-19 ở nhiều nước trên thế giới. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng thế giới (WB) và các tổ chức quốc tế khác đã đưa ra dự báo khả quan về triển vọng kinh tế toàn cầu.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý I năm 2021

Các nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU dự báo đạt mức tăng trưởng khá nhờ nỗ lực tiêm vắc-xin và ban hành những gói cứu trợ nền kinh tế. Mỹ bắt đầu triển khai gói cứu trợ giảm tác động tiêu cực của dịch Covid-19, kích thích nền kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 0%-0,25% và duy trì chương trình mua trái phiếu ở mức ít nhất 120 tỷ USD/tháng để hỗ trợ tiến trình phục hồi kinh tế Mỹ.

Giá cả hàng hóa thế giới có xu hướng tăng, thị trường chứng khoán toàn cầu tăng mạnh. Mỹ bắt đầu triển khai gói cứu trợ giảm tác động tiêu cực của dịch Covid-19, kích thích nền kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 0%-0,25% và duy trì chương trình mua trái phiếu ở mức ít nhất 120 tỷ USD/tháng để hỗ trợ tiến trình phục hồi kinh tế Mỹ.

Trong nước, tiếp đà phục hồi và tăng trưởng tích cực từ quý IV năm 2020, kinh tế vĩ mô nước ta tiếp tục ổn định, thời tiết những tháng đầu năm tương đối thuận lợi, dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát tốt là những điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát ở một số tỉnh, thành phố cuối tháng Một đã đặt ra không ít thách thức trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.

Trước những thuận lợi và khó khăn đan xen, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngay từ đầu năm đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Kết quả đạt được của các ngành, lĩnh vực trong quý I năm nay như sau:

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2021 ước tính tăng 4,48% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 3,68% của quý I/2020.

Về cơ cấu nền kinh tế quý I/2021, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,71%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 36,45%; khu vực dịch vụ chiếm 42,20%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,64% (Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2020 là 11,66%; 35,86%; 42,82%; 9,66%).

Bà Nguyễn Thị Hương cho biết, từ cuối tháng Một đến đầu tháng Ba, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại một số địa phương, ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình kinh tế - xã hội cả nước, kết quả tăng trưởng quý I cho thấy sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự nỗ lực của các cấp, các ngành, người dân và doanh nghiệp để tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế".

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,16%, đóng góp 8,34% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,3%, đóng góp 55,96%; khu vực dịch vụ tăng 3,34%, đóng góp 35,70%.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong quý I/2021 tăng cao so với cùng kỳ năm trước (Quý I/2020 tăng 0,04%), do năng suất lúa, sản lượng cây lâu năm đạt khá, dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát tốt, sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng khá, đồng thời thị trường xuất khẩu các mặt hàng gỗ và lâm sản được mở rộng.

Trong đó, ngành nông nghiệp tăng 3,19%, chỉ thấp hơn mức tăng của quý I các năm 2011 và 2018 trong giai đoạn 2011-2021, làm tăng 0,29 điểm phần trăm mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 3,78% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,02 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 2,90%, cao hơn mức tăng 2,79% của cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,07 điểm phần trăm.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp quý I/2021 tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 5,1% của quý I/2020 nhưng thấp hơn nhiều so với mức tăng 10,45% của quý I/2018 và 9% của quý I/2019, đóng góp 2,2 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 9,45%, đóng góp 2,37 điểm phần trăm. Ngành khai khoáng tăng trưởng âm 8,24%, làm giảm 0,36 điểm phần trăm mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế do sản lượng dầu thô khai thác giảm 11% và khí đốt tự nhiên giảm 16,1%.

Ngành xây dựng tăng 5,17%, cao hơn mức tăng 4,37% của quý I/2020, đóng góp 0,32 điểm phần trăm.

Khu vực dịch vụ trong quý I/2021 tăng trưởng tích cực khi dịch Covid-19 được kiểm soát chặt chẽ, doanh nghiệp xuất khẩu đã tận dụng tốt các Hiệp định thương mại tự do được ký kết.

Người đứng đầu Tổng cục Thống kê cũng cho biết thêm, đóng góp của một số ngành dịch vụ thị trường có tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của quý I.

Cụ thể, bán buôn và bán lẻ tăng 6,45% so với cùng kỳ năm trước, là ngành dịch vụ có đóng góp lớn nhất vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế (0,67 điểm phần trăm); hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,35%, đóng góp 0,4 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi giảm 2,17%, làm giảm 0,15 điểm phần trăm; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 4,49%, làm giảm 0,12 điểm phần trăm.

Trên góc độ sử dụng GDP quý I/2021, tiêu dùng cuối cùng tăng 4,59% so với cùng kỳ năm 2020; tích lũy tài sản tăng 4,08%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 17,01%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 16,38%./.

Phương Anh

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư