e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Góc địa phương

Quý I/2021: Ngành công nghiệp tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước

15:28 | 29/03/2021 Print
- Tổng cục Thống kê cho biết, ngành công nghiệp quý I/2021 đạt mức tăng khá so với cùng kỳ năm trước; trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,45%, cao hơn tốc độ tăng 7,12% của cùng kỳ năm trước; sản xuất và phân phối điện tăng trưởng ổn định…

Chỉ số sản xuất quý I/2021 một số ngành trọng điểm thuộc các ngành công nghiệp cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước

Theo Tổng cục Thống kê, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp quý I/2021 ước tính tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,45%, đóng góp 2,37 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,5%, đóng góp 0,17 điểm phần trăm…

Theo công dụng sản phẩm công nghiệp, chỉ số sản xuất sản phẩm trung gian (phục vụ cho quá trình sản xuất) quý I/2021 tăng 8% so với năm trước; sản phẩm phục vụ cho sử dụng cuối cùng tăng 3,8% (trong đó sản phẩm phục vụ cho tiêu dùng của dân cư tăng 0,9%).

Bên cạnh đó, chỉ số sản xuất quý I/2021 một số ngành trọng điểm thuộc các ngành công nghiệp cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước, như: Sản xuất kim loại tăng 30,9%; sản xuất đồ uống tăng 16,9%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải, tái chế phế liệu tăng 15,5%; sản xuất thiết bị điện và khai thác quặng kim loại cùng tăng 12,5%...

Ở chiều ngược lại, một số ngành có chỉ số giảm, như: khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 13,7%; in, sao chép bản ghi các loại giảm 11,9%; hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai thác mỏ và quặng giảm 9,8%; thoát nước và xử lý nước thải giảm 5,6%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 3,5%...

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực quý I/2021 tăng cao so với cùng kỳ năm trước, như: thép cán tăng 54%; linh kiện điện thoại tăng 47,9%; ti vi các loại tăng 30,9%; ô tô tăng 17,7%...

Một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước, như: khí đốt thiên nhiên giảm 16,1%; bột ngọt giảm 11,9%; dầu mỏ thô khai thác giảm 11%; đường kính giảm 3,9%; xăng, dầu các loại giảm 2,4%...

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/3/2021 tăng 1,6% so với cùng thời điểm tháng trước

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 3/2021 tăng 24,1% so với tháng trước và tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung quý I/2021, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước (quý I/2020 tăng 2,8%), trong đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao: Sản xuất kim loại tăng 28,5%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 18,7%; sản xuất đồ uống tăng 17,8%; sản xuất thiết bị điện tăng 12,2%; sản xuất xe có động cơ tăng 11,4%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 10,8%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 8%.

Một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm: In, sao chép bản ghi các loại giảm 16,6%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 13,5%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế giảm 13,3%; dệt giảm 1,8%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 0,2%.

Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân quý I/2021 đạt 75,1%

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 31/3/2021 tăng 22,5% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm 2020 tăng 24,9%), trong đó một số ngành có chỉ số tồn kho tăng thấp hơn mức tăng chung hoặc giảm, như: sản xuất đồ uống tăng 13,9%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 9,8%...

Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so với cùng thời điểm năm trước, như: sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 91,6%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 85,7%; sản xuất kim loại tăng 68,1%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 54%...

Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân quý I/2021 đạt 75,1% (cùng kỳ năm trước là 78,4%), trong đó một số ngành có tỷ lệ tồn kho cao, như: chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa 127,5%; dệt 121,9%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc thiết bị) 113,7%...

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/3/2021 tăng 1,6% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 0,4% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 0,2% và giảm 1,9%; doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 1,2% và giảm 1,5%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 2% và tăng 0,4%.

Theo ngành hoạt động, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng tăng 0,5% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 1,1% so với cùng thời điểm năm trước; ngành chế biến, chế tạo tăng 1,7% và giảm 0,3%; ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước, điều hòa không khí không đổi và tăng 0,9%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,1% và giảm 1,7%.

Tại cuộc họp báo thường kỳ cung cấp các thông tin kết quả về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại trong tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2021 của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trong tháng 3 và các tháng tiếp theo trong năm, đối với lĩnh vực công nghiệp, Bộ Công Thương sẽ tập trung chỉ đạo thúc đẩy sản xuất công nghiệp; khẩn trương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, dự án năng lượng, công nghiệp có quy mô lớn; bảo đảm cung ứng đủ điện cho nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả nước. Đồng thời, tập trung rà soát kỹ và có giải pháp phù hợp, thúc đẩy mạnh mẽ, tạo thuận lợi cho tất cả các khâu trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh, từ nguyên vật liệu, các yếu tố đầu vào, đến sản xuất, chế biến và trung gian phân phối, thị trường, tiêu thụ sản phẩm…/.

Lê Vân

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư