Giảm khoảng cách giữa số DN đăng ký và DN đang thực sự tồn tại

22:07 | 08/11/2016 Print
- Tính trung bình trong giai đoạn 2005-2013, chỉ có 45% DN đã đăng ký là thực sự đi vào hoạt động và vẫn duy trì được hoạt động.

Ngày 8/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Đây là dự án luật nhận được sự quan tâm của xã hội do tác động tới số lượng lớn các doanh nghiệp (DN), nhằm khuyến khích DNNVV phát triển hướng tới mục tiêu có được ít nhất 1 triệu DN hoạt động thực sự có hiệu quả năm 2020.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

2005-2013, chỉ có 45% DN đã đăng ký thực sự đi vào hoạt động

Trình bày trước Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đối tượng của dự thảo Luật hướng tới là các DN được thành lập theo Luật Doanh nghiệp, đáp ứng các tiêu chí xác định DNNVV tại Điều 4 dự thảo Luật, trong đó ưu tiên hỗ trợ các đối tượng là DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, DN chuyển từ hộ kinh doanh, DNNVV trong lĩnh vực sản xuất chế biến, DNNVV tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành…

Đánh giá tác động dự án Luật, Chính phủ cho rằng, cùng với những đột phá của Luật Doanh nghiệp và những cải cách của Luật Đầu tư, các nỗ lực về cải cách điều kiện kinh doanh, giấy phép con đang được Chính phủ tích cực thực hiện và các biện pháp hỗ trợ phát triển DN Việt Nam đến năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo tinh thần Nghị quyết 19 (năm 2014, 2015 và 2016), Luật Hỗ trợ DNNVV sẽ có tác động tích cực tới mục tiêu đạt được 1 triệu DN đang thực sự hoạt động vào năm 2020.

Đặc biệt, các biện pháp hỗ trợ cho các DNNVV như được xây dựng trong dự thảo Luật sẽ góp phần giải quyết một tình trạng hết sức đáng quan tâm hiện nay, đó là khoảng cách ngày càng rộng giữa số các DN đăng ký và các DN đang thực sự tồn tại.

Theo báo cáo của ban soạn thảo, những năm vừa qua, khoảng cách giữa các DN đăng ký và DN thực sự đi vào hoạt động trong năm ngày một lớn. Tính trung bình trong giai đoạn 2005-2013, chỉ có 45% DN đã đăng ký là thực sự đi vào hoạt động và vẫn duy trì được hoạt động.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 10/2016, Việt Nam có 590.000 DN đang hoạt động và đang thực hiện các nghĩa vụ thuế (trong tổng số 959.000 DN đã đăng ký kinh doanh).

Với mục tiêu sẽ có 1 triệu DN thực sự đi vào sản xuất kinh doanh và có thực hiện các nghĩa vụ về thuế vào năm 2020, sẽ có thêm 410.000 DN mới được thành lập và thực sự đi vào hoạt động trong vòng 4 năm tới.

Một điểm đáng chú ý trong Dự án Luật Hỗ trợ DNNVV là các hộ kinh doanh nhỏ chuyển đổi thành doanh nghiệp sẽ là đối tượng được nhà nước hỗ trợ

DNNVV sẽ được hỗ trợ 11 nội dung

Mục tiêu căn bản của việc xây dựng và ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV nhằm thiết lập đồng bộ các chính sách, chương trình nhằm hỗ trợ DNNVV có chọn lọc, phù hợp với mục tiêu và định hướng phát triển kinh tế của đất nước, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương, quốc gia và nguồn lực có thể bố trí trong từng thời kỳ. Qua đó, nâng cao sức cạnh tranh và chất lượng hoạt động của khu vực DNNVV.

Bên cạnh đó, nhằm bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tính khả thi và không làm cản trở việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Tăng cường năng lực và hiệu quả cho hệ thống cơ quan, tổ chức hỗ trợ DNNVV, nâng cao hiệu quả điều phối, xây dựng, tổ chức thực hiện, giám sát và đánh giá các hoạt động hỗ trợ DNNVV. Tạo khung pháp lý để huy động khu vực kinh tế tư nhân và các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia cùng Chính phủ thực hiện hỗ trợ DNNVV.

Theo nội dung tờ trình, từ Điều 7 đến Điều 18, Chương II quy định DNNVV sẽ được hỗ trợ 11 nội dung: gia nhập và rút khỏi thị trường, tín dụng, tài chính , công nghệ, mặt bằng sản xuất, xúc tiến và mở rộng thị trường, mua sắm công, thông tin và tư vấn, phát triển nguồn nhân lực, ươm tạo và cung cấp dịch vụ hỗ trợ.

Theo Ban soạn thảo, đây là những hỗ trợ cơ bản, thiết yếu đối với tất cả các DNNVV. Trừ nội dung giảm thuế thu nhập cho DNNVV, các nội dung hỗ trợ còn lại tại Chương này không hỗ trợ tài chính trực tiếp, không bao cấp cho DNNVV. Những hỗ trợ cơ bản này được thực hiện thông qua cơ chế chính sách để hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp trung gian cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho DNNVV. Những hỗ trợ này không vi phạm những cam kết quốc tế vì đối tượng là DNNVV được loại trừ trong các cam kết mà Việt Nam là thành viên.

Một điểm đáng chú ý trong Dự án Luật Hỗ trợ DNNVV là các hộ kinh doanh nhỏ chuyển đổi thành doanh nghiệp sẽ là đối tượng được nhà nước hỗ trợ.

Theo đánh giá của ban soạn thảo, đây là khu vực kinh tế có tiềm năng, đóng góp lớn cho nền kinh tế. Nhà nước cần có các chính sách để khuyến khích đối tượng này từ khu vực kinh tế phi chính thức sang khu vực kinh tế chính thức, hạch toán minh bạch và hoạt động theo Luật doanh nghiệp.

Nhận thức rõ vấn đề này, tại Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Bộ Kế hoạch Đầu tư được giao thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng cơ chế tạo điều kiện, hỗ trợ và khuyến khích hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi và đăng ký hoạt động theo Luật Doanh nghiệp”.

Để khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển sang thành lập doanh nghiệp, Nhà nước cần có chính sách thuế áp dụng cho doanh nghiệp siêu nhỏ, khác với quy định hiện hành theo hướng đơn giản, dễ thực hiện, tần suất nộp ít hơn, rút gọn thủ tục nộp thuế và sửa đổi, bổ sung các quy định về bảo hiểm cho người lao động…/.

Trí Dũng

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư