Hàng triệu người mù cần Cây gậy trắng

18:02 | 02/04/2021 Print
- Giáo sư Tôn Thất Triêm kể cho tôi nghe về cậu bé có vóc dáng mảnh khảnh, đứng bên sân khấu dàn hợp ca Hy vọng. Cậu ấy 31 tuổi, mù bẩm sinh và đang phải chạy thận. Mỗi bước chân đi, em đều cần người dẫn, nhưng tiếng sáo nơi em ngân lên như gieo vào lòng người sự tươi mới và hy vọng dâng trào...

Giáo sư Tôn Thất Triêm (ngồi bên trái) như một nốt lặng dịu dàng, dành tài năng âm nhạc của mình dẫn dắt người khiếm thị cất lên niềm hy vọng...

Em là một trong những cảnh đời tôi được chứng kiến trong Chương trình “Ánh sáng mùa Xuân” do Đài truyền hình Việt Nam tổ chức cuối tháng 3/2021. Tôi như lặng đi khi quan sát từng lớp người mù níu tay nhau dò dẫm bước vào hội trường, bước lên sân khấu, rồi còn truyền nhau chai nước, cái bánh mỳ… Sự nương tựa khiến người mù tự tin hơn, khi một người đi trước có thể giúp cả đoàn cùng bước. Người nọ hỗ trợ người kia, đôi mắt họ không nhìn được. Họ đến VTV và tặng cho đời tiếng hát, tiếng đàn trong trẻo quá. Tôi bất chợt nhớ đến câu nói của nhà thơ Erica Jong: “Ai cũng có tài năng. Thứ hiếm là dũng khí để nuôi dưỡng nó và đi vào những nơi tối tăm mà nó dẫn đường”. Người mắt sáng nuôi dưỡng tài năng đã khó, người mù sinh hoạt bình thường cũng khó, làm thế nào để nuôi dưỡng tài năng? Tôi cứ trăn trở mãi cho đến lúc chàng trai trẻ Nguyễn Văn Hùng xuất hiện trên sân khấu. Em khẳng khái nói rằng, em đã mù một lần và không muốn mù lần hai. “Người mù mất đôi mắt, nhưng còn nhiều giá trị khác xứng đáng được nuôi dưỡng và tỏa sáng”, Hùng nói.

Nguyễn Văn Hùng tốt nghiệp Đại học sư phạm Hà Nội, hiện tham gia nhóm Startup Education với khát vọng lập nghiệp. Em kể, có cây gậy trắng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao tặng, em tự tin hơn với hành trình cuộc đời. Hùng động viên cộng đồng của mình dựa vào cây gậy, mạnh dạn bước đi học tập, tham gia các nhóm, hội, hòa nhập cộng đồng, tìm cách tạo dựng giá trị bản thân. Cây gậy, như Hùng tâm sự, là vật “bất ly thân” trên hành trình từng ngày em nỗ lực, với mong muốn sống tốt cho mình và cống hiến cho cộng đồng.

Chị Phan Thị Thùy Trâm chia sẻ một khảo sát thực hiện từ năm 2019 cho thấy, gần 70% người mù bị va đập, thương tích khi tự di chuyển

Chia sẻ với 100 người mù được nhận cây gậy trắng hôm đó, chị Phan Thị Thùy Trâm, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, ý tưởng về cây gậy trắng ra đời hơn 3 năm trước, khi Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng mong muốn tạo nên những chương trình lan tỏa toàn xã hội, vì sự phát triển của cộng đồng. Với tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau, những người yếu thế được Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan tâm trước hết. Từ đó, các mô hình hợp tác xã do người khuyết tật vận hành, các doanh nghiệp tạo tác động xã hội do người khuyết tật làm chủ, mạng lưới người điếc và khiếm thính, mạng lưới người tự kỷ, người mù và khiếm thị… tiếp nối hình thành. Người yếm thế được hỗ trợ, được gắn kết trong cùng hệ sinh thái, họ có thêm sự chia sẻ, tình thương và sự nỗ lực, cùng nuôi dưỡng khát vọng sống hạnh phúc và có ích hơn.

Chọn món quà gì để khích lệ sự nỗ lực cộng đồng người yếm thế là trăn trở của những người gây dựng chương trình từ 3 năm trước. Chị Phan Thị Thùy Trâm kể, để tìm ra sự giúp đỡ có ích nhất cho người khiếm thị, tháng 7 năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Doanh nghiệp xã hội kết nối người khiếm thị (Blind link) tiến hành điều tra thực tế, để tìm hiểu các dữ liệu về cộng đồng người mù ở Việt Nam. Những người tham gia khảo sát từ độ tuổi 11 đến 81. Với câu hỏi thứ nhất: “Cho đến nay, bạn đã từng gặp tai nạn phải nhập viện do không nhìn thấy/nhìn kém khi di chuyển chưa?”, chị Trâm cho biết, có 39,1% người mù trả lời rằng, họ đã bị tai nạn phải nhập viện do di chuyển trong tình trạng mắt kém/không nhìn thấy.

Với câu hỏi thứ hai: “Tần suất bị va đập, thương tích của bạn khi tự di chuyển trong 1 tháng qua”, có đến gần 70% người mù cho biết, họ bị va đập, thương tích khi tự di chuyển từ 5 lần trở lên, trong đó đáng lo ngại là đến 36% va đập, thương tích rất nhiều, trên 10 lần. Với câu hỏi: “Nếu có được cho riêng mình một cây gậy trắng, bạn sẽ làm gì?”, 92% trả lời rằng, nếu có cây gậy, họ sẽ thường xuyên sử dụng. Cuộc khảo sát thực tiễn cũng cho thấy, 99,6% người mù mong muốn được nhận cây gậy để dò đường, để có thêm đôi mắt thứ hai…

Tháng 11/2019, để đánh giá mức độ thuận tiện và hữu dụng của cây gậy trắng, cuộc khảo sát tiếp theo được tổ chức. Theo đó, Đoàn cán bộ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đi cùng với nhóm học viên người mù và khiếm thị thuộc mạng lưới Blind Link trên phố Hàng Bún, Hà Nội. Trải nghiệm trong hai tình huống, di chuyển qua đường khi không có gậy và khi có gậy cho thấy, nếu thành thục trong việc sử dụng gậy, người khiếm thị có thể di chuyển độc lập, an toàn…

Mong rằng, những tấm lòng tử tế sẽ kết lại cùng nhau, trao cho người yếm thế cơ hội bước ra cộng đồng...

Từ khảo sát nhu cầu và ghi nhận từ thực tiễn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát động sáng kiến 1 triệu cây gậy trắng tặng người mù vào tháng 12/2019. Sau hơn 1 năm thực hiện, chương trình được tiếp nối bằng “Ánh sáng mùa Xuân” mà Đài truyền hình Việt Nam vừa tổ chức. Chị Phan Thị Thùy Trâm tin rằng, “Ánh sáng mùa Xuân” sẽ là chương trình có ý nghĩa xã hội sâu sắc, bên cạnh việc mở ra một hành trình mới, hỗ trợ mọi người mù có cây gậy trắng. Theo thống kê, Việt Nam có trên 2 triệu người mù và thị lực kém, tức là còn hàng triệu người đang cần cây gậy trắng.

Mù thì đi đôi với nghèo và rất nghèo. Tôi cảm nhận rất rõ thực tế này nơi những người khiếm thị tôi được gặp. Mong rằng, những tấm lòng tử tế sẽ kết lại cùng nhau, trao cho người yếm thế cơ hội bước ra cộng đồng, tự tin kết nối, viết lên niềm hy vọng cuộc đời…

Sự nương tựa khiến người mù tự tin hơn, người đi trước có thể giúp cả đoàn cùng bước...

Tường Vi

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư