Làm mới quy định gọi vốn bằng kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu của các nhà băng

08:22 | 05/04/2021 Print
- Từ ngày 17/5/2021, việc phát hành kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu trong nước của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thực hiện theo Thông tư số 01/2021/TT-NHNN.

Với việc Seabank niêm yết ngày 24/3/2021, TTCK Việt Nam hiện có 26 ngân hàng niêm yết, trong đó nhiều ngân hàng có nhu cầu gọi vốn mới

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng ban hành Thông tư 01/2021/TT-NHNN vào ngày 31/3/2021, quy định về phát hành kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu trong nước của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cho phép tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành giấy tờ có giá theo hình thức chứng chỉ, bút toán ghi sổ và các hình thức khác phù hợp với quy định tại Luật Chứng khoán các văn bản hướng dẫn.

Trường hợp phát hành giấy tờ có giá theo hình thức chứng chỉ, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thiết kế và in ấn để đảm bảo khả năng chống giả cao.

Trường hợp phát hành giấy tờ có giá không theo hình thức chứng chỉ, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cấp cho người mua chứng nhận quyền sở hữu giấy tờ có giá.

Thống đốc quy định, giấy tờ có giá được phát hành và thanh toán bằng đồng Việt Nam, mệnh giá của giấy tờ có giá là 100.000 đồng Việt Nam hoặc bội số của 100.000 đồng.

Tổ chức tín dụng phát hành trái phiếu phải tuân thủ các quy định tại Luật Chứng khoán, các văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán, các quy định của pháp luật có liên quan. Riêng về điều kiện phát hành trái phiếu riêng lẻ quy định tại điểm e khoản 2 Điều 31 Luật Chứng khoán, tổ chức tín dụng tuân thủ theo quy định tại khoản 1 Điều 130 Luật Các tổ chức tín dụng (đã được sửa đổi, bổ sung) và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.

Về yêu cầu của việc phát hành trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm theo chứng quyền, Thông tư 1 quy định, trường hợp tổ chức tín dụng phát hành trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm theo chứng quyền, trong phương án phát hành trái phiếu phải có nội dung về việc chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, thực hiện chứng quyền. Cụ thể, người mua trái phiếu phải đáp ứng quy định pháp luật hiện hành về giới hạn góp vốn, mua cổ phần, tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, thực hiện chứng quyền đối với trái phiếu kèm theo chứng quyền. Việc chuyển đổi trái phiếu chuyển đổi thành cổ phiếu, thực hiện chứng quyền đối với trái phiếu kèm theo chứng quyền chỉ được thực hiện sau khi Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận tăng vốn điều lệ của tổ chức tín dụng.

Khi thực hiện chuyển đổi trái phiếu chuyển đổi thành cổ phiếu, thực hiện chứng quyền đối với trái phiếu kèm theo chứng quyền, tổ chức tín dụng và người sở hữu trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm theo chứng quyền thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận tăng vốn điều lệ của tổ chức tín dụng.

Theo thống kê của FiinPro, hiện TTCK Việt Nam có 26 ngân hàng niêm yết cổ phiếu, chiếm 83,3% tín dụng toàn hệ thống ngân hàng thương mại. Trong số này, gần nhất có Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDB) cho biết việc ký kết hợp đồng phát hành trái phiếu chuyển đổi và hợp tác chiến lược với các nhà đầu tư nước ngoài, hoàn thành kế hoạch bổ sung 160 triệu USD vốn cấp 2. Nhiều ngân hàng khác có nhu cầu huy động vốn, nhưng phương thức chủ đạo là phát hành trái phiếu hoặc cổ phiếu, chứ chưa sử dụng loại sản phẩm kép là trái phiếu chuyển đổi./.

Hồng Lĩnh

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư