e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Dự báo kinh tế

TS. Lê Xuân Nghĩa: “Giới tài chính toàn cầu nắm trước xu hướng”

10:47 | 07/04/2021 Print
- TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, sức bật của kinh tế thế giới rất mạnh, khi các doanh nghiệp và người dân ở đó được chia sẻ hàng nghìn tỷ USD từ các khoản hỗ trợ để vượt qua khó khăn đại dịch. Giới tài chính toàn cầu nhận thấy trước triển vọng này, nên chọn hành động sớm, bán ròng tại các thị trường mới nổi, thu vốn về nền kinh tế lớn nhất toàn cầu.

Tại Mỹ, trong khi gói kích cầu 1,9 nghìn tỷ USD đang được triển khai thì Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây đã đề xuất thêm gói đầu tư hạ tầng trị giá 2 nghìn tỷ USD. Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, khoản tiền lớn chưa có trong lịch sử nằm ở dạng thế năng, sẽ giúp nền kinh tế Mỹ cũng như các nền kinh tế được hỗ trợ tương tự, bật mạnh khi đại dịch Covid-19 đi qua.

TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, 80 quỹ đầu tư quốc gia ra đời gần đây là một câu chuyện mới, khiến việc dự báo triển vọng dài hạn của thị trường tài chính trở nên khó khăn hơn

Mỹ đang tăng tốc tiêm chủng (hơn 2 triệu người/ngày) và tỷ lệ số ca nhiễm mới, tử vong đều giảm. Niềm tin người tiêu dùng Mỹ tăng khá mạnh, thị trường việc làm cải thiện tích cực. 2 tháng gần đây, lượng vốn mới đổ vào các quỹ cổ phiếu Mỹ đã vượt qua các quỹ đầu tư đa quốc gia trở thành điểm đến của dòng vốn toàn cầu. Các quỹ cổ phiếu tiếp tục hút ròng 147 tỷ USD trong tháng 3, cao hơn 4% so với dòng tiền vào kỷ lục của tháng 2/2021 và là tháng thứ 7 liên tiếp có dòng tiền vào cổ phiếu. Trong đó, dòng tiền vào cổ phiếu tăng +9,6% so với tháng trước ở các thị trường phát triển, nhưng giảm -19,7% ở các thị trường mới nổi.

Ngược lại, cổ phiếu các nước châu Âu ghi nhận tháng thứ 2 bị rút ròng, lượng vốn vào các thị trường phát triển châu Á cũng giảm tới -52% trong tháng 3.

Tại Việt Nam, nỗ lực của Chính phủ và người dân đã khiến đại dịch không thể lan rộng, nhưng TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, sự hỗ trợ của Chính phủ đối với cộng đồng doanh nghiệp gặp khó khăn từ đại dịch là rất thấp. Hầu hết các doanh nghiệp không nhận được sự hỗ trợ và phải tự tìm cách hồi phục chính mình. TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, tính kỹ các khoản hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch tại Việt Nam là chưa tới 1% GDP.

Trong tương quan này, nền kinh tế Việt Nam được TS. Lê Xuân Nghĩa dự báo sẽ bật dậy chậm hơn so với thế giới. Vì thế, TTCK Việt Nam cũng sẽ bật dậy chậm hơn. “Các nhà tài chính chuyên nghiệp luôn nhìn vấn đề theo logic và dài hạn. Họ không có chuyện uống vài ly vào rồi nóng, hay bất chợt uống cốc nước mát rồi lạnh và co lại hoạt động đầu tư mà không có lý do”, ông nói.

Do nền kinh tế chưa rõ sức bật, hay nguồn lực nào cho kỳ vọng doanh nghiệp sẽ bật mạnh trở lại, khiến khối ngoại chọn hành động sớm, rút vốn ra khỏi nhiều cổ phiếu Việt Nam và chuyển dần dòng tiền về các thị trường có kỳ vọng tốt hơn trong thời gian tới. Tháng 3/2021, TTCK chịu mức bán ròng lớn nhất trong lịch sử, khi nhà đầu tư ngoại rút ròng 11.356 tỷ đồng trong, tập trung mạnh ở nhóm VN30 với giá trị bán ròng 12.000 tỷ đồng. Tính chung quý I, bán ròng của khối ngoại tại TTCK Việt Nam là 14.554 tỷ đồng.

Về câu hỏi đà bán ròng kéo dài bao lâu, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, có thể hết quý II năm nay nếu kinh tế Việt Nam cho thấy rõ sức tăng trưởng tích cực so với các nền kinh tế khác. Tuy nhiên, ông Nghĩa cũng chia sẻ, bối cảnh nền kinh tế và thị trường tài chính toàn cầu hiện nay không thể dự báo được điều gì dài hạn.

Quan sát của TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết, nền kinh tế toàn cầu ở tình trạng hỗn loạn chưa từng có trong lịch sử, mà cái gốc đến từ cuộc chiến giành giật tài nguyên thiên nhiên khốc liệt giữa các quốc gia đứng đầu. Nguồn tài nguyên đang ở tình trạng suy giảm trầm trọng khi từ năm 1957 đến nay, suy giảm bằng 11.000 năm cộng lại. Một diễn biến mới khác là 80 quỹ đầu tư quốc gia ra đời gần đây. Chưa ai đánh giá được nguy cơ và mức độ các quỹ này sẽ hành động như thế nào và ảnh hưởng ra sao đến thị trường tài chính toàn cầu.

TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, trong ngắn hạn có thể lý giải được xu hướng dòng chảy vốn, nhưng về dài hạn, việc chúng ta kỳ vọng thị trường ổn định, bền vững chỉ là kỳ vọng, thậm chí là kỳ vọng không có tính thực tiễn khi dòng tiền đầu tư ngày một liên thông và nhạy cảm theo các vấn đề toàn cầu./.

Tường Vi

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư