Hoạt động xuất, nhập khẩu: Cần mạnh mẽ gỡ vướng cho doanh nghiệp

15:38 | 14/04/2021 Print
- Còn nhiều rào cản, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó nổi bật vẫn là các vấn đề liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu.

Đây là đánh giá của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây về các vấn đề tổng hợp từ cộng đồng doanh nghiệp trong tháng 03/2021.

Cụ thể theo Ban IV, một số phản ánh kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp gửi tới Chính phủ từ cuối năm 2020 tới nay, dù Thủ tướng Chính phủ đã giao các bộ, ngành, địa phương tiếp nhận, xử lý hoặc tham mưu xử lý đối với các trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo lại Thủ tướng trong tháng 03/2021, tuy nhiên, quá trình xử lý này dường như còn chậm. Các giải pháp, hồi đáp do các Bộ, địa phương đưa ra chưa tháo gỡ được bất cập, vướng mắc cốt lõi của doanh nghiệp.

Còn nhiều rào cản gây khó khăn cho doanh nghiệp liên quan hoạt động xuất nhập khẩu cần tháo gỡ

Do đó trong tháng 03/2021, doanh nghiệp vẫn tiếp tục gửi nhiều phản ánh về các vấn đề đang là rào cản, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nổi bật trong số đó là các vấn đề liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu. Do đó Ban IV đề xuất Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường đối thoại với các nhóm doanh nghiệp, hiệp hội liên quan, nhằm giải quyết thấu đáo, triệt để vấn đề cho doanh nghiệp.

Chưa thống nhất điện tử hóa quy trình hoàn thuế và hủy tờ khai thuế

Liên quan đến quy trình điện tử cho hoàn thuế, hủy tờ khai thuế (lĩnh vực xuất, nhập khẩu), việc triển khai trên toàn quốc từ ngày 23/11/2020 “Hệ thống miễn, giảm, hoàn, không thu thuế, xử lý tiền thuế nộp thừa điện tử” (Hệ thống MGH) của Tổng cục Hải quan được kì vọng sẽ góp phần đẩy nhanh công tác xử lý miễn, giảm, hoàn thuế chính xác tại các đơn vị trực tiếp thực hiện nghiệp vụ.

Đây là bước tiến lớn trong cải cách thủ tục hành chính mà Tổng cục Hải quan áp dụng, nhằm giải quyết nhiều vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện công tác miễn, giảm, hoàn, không thu thuế, xử lý tiền thuế nộp thừa. Đồng thời, hệ thống MGH còn giúp giảm chi phí cả về thời gian lẫn kinh phí đi lại cho các doanh nghiệp.

Theo Công văn số 7373/TCHQ-TXNK ngày 19/11/2020 của Cục Thuế xuất nhập khẩu về việc triển khai Hệ thống miễn, giảm, hoàn, không thu thuế, xử lý tiền thuế nộp thừa điện tử (gọi tắt là hệ thống MGH), Tổng cục Hải quan yêu cầu các cục hải quan tỉnh, thành phố chính thức triển khai trên phạm vi toàn quốc việc xử lý miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế, không thu thuế và xử lý tiền thuế nộp thừa trên Hệ thống MGH kể từ ngày 23/11/2020. Tới nay, hầu hết các cục, chi cục Hải quan đều đã áp dụng quy trình điện tử nêu trên giúp giảm chi phí cả về thời gian lẫn kinh phí đi lại cho các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, hiện vẫn còn một vài chi cục Hải quan tại Hà Nội và một số địa phương vẫn duy trì quy trình xử lý hồ sơ giấy, mà chưa chuyển hẳn sang điện tử thông qua hệ thống MGHdẫn đến tình trạng doanh nghiệp vẫn mất rất nhiều thời gian để chuyển chứng từ gốc, nộp hồ sơ và chờ kết quả bản giấy. Thậm chí vẫn có Chi cục hải quan trước đó sử dụng Hệ thống dịch vụ công trực tuyến Hải quan 36a để cho doanh nghiệp làm quy trình điện tử với thủ tục hoàn thuế, hủy tờ khai thuế, thì nay với hệ thống MGH lại chỉ áp dụng việc nộp hồ sơ điện tử còn trả doanh nghiệp kết quả bản giấy cũng dẫn tới khó khăn cho doanh nghiệp ở khâu thực thi.

Bất cập quy trình xét duyệt hồ sơ hoàn thuế xuất nhập khẩu

Theo phản ánh của doanh nghiệp, khi xét duyệt hồ sơ hoàn thuế xuất nhập khẩu, cơ quan Hải quan đang áp dụng điều kiện “Người nộp thuế không còn nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt và các khoản phải nộp khác, bao gồm cả tiền phí, lệ phí còn nợ” cho cả các khoản lệ phí hải quan mà doanh nghiệp được phép “nợ” hay còn gọi là “nợ trong hạn” đối với hình thức đóng lệ phí theo tháng.

Điều này chưa phù hợp quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 132 Thông tư số 38/2015/TT -BTC ngày 25/3/2015, được sửa đổi bổ sung tại khoản 63 và 65 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT -BTC ngày 20/4/2018) của Bộ Tài chính quy định việc xử lý số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt được hoàn.

Khoản 4, Điều 45, Thông tư số 38 của Bộ Tài chính có quy định hình thức nộp lệ phí hải quan theo tháng. Sau khi Thông tư 39 đã sửa đổi một số nội dung trong Điều 45 của Thông tư số 38, nhưng riêng hình thức nộp được yêu cầu thực hiện theo Thông tư số 274/2016/TT -BTC ngày 14/11/2016 của Bộ Tài chính thì vẫn cho phép doanh nghiệp đóng theo tháng. Từ đó, cho phép doanh nghiệp có các khoản “nợ trong hạn” đối với việc nộp lệ phí hải quan. Tại thời điểm xem xét hồ sơ hoàn thuế, cơ quan hải quan căn cứ vào kết quả hệ thống “Tra cứu nợ thuế” trả ra, nêu rõ doanh nghiệp đang ở tình trạng nào đối với các khoản lệ phí phải đóng, bao gồm các tình trạng nợ trong hạn, nợ trong hạn sắp chuyển sang quá hạn, nợ trong hạn nộp thuế ngay, nợ quá hạn… để tiếp nhận hồ sơ, ra quyết định.

Mặc dù vậy, trong báo cáo gửi Thủ tướng, Ban IV cho biết, nhiều doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc phản ánh, nhiều cục, chi cục hải quan đang gộp diện nợ trong hạn (lệ phí) vào trường hợp “còn nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt và các khoản phải nộp khác ” khiến doanh nghiệp không thể đáp ứng điều kiện hoàn thuế dù đã đóng thuế đầy đủ và đang được nợ lệ phí một cách hợp pháp. Như vậy, các doanh nghiệp cho rằng việc thực thi này trái với quy định tại chính Thông tư số 38 và 39 của Bộ Tài chính hướng dẫn về quy trình quản lý đối với thuế xuất khẩu, nhập khẩu, gây bất cập cho doanh nghiệp.

Vướng mắc hướng dẫn thuế, hải quan đối với doanh nghiệp chế xuất

Đáng chú ý, liên quan đến hồ sơ, thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu để xây dựng nhà xưởng, văn phòng làm việc cho doanh nghiệp chế xuất, nhiều doanh nghiệp cho biết các văn bản hướng dẫn liên quan hồ sơ, thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu để xây dựng nhà xưởng, văn phòng làm việc cho doanh nghiệp chế xuất được ban hành, sửa đổi, bổ sung nhiều điểm trong thời gian rất ngắn, từ 2013 - 2015, với 3 Thông tư thay thế nhau quy định về vấn đề này.

Thêm vào đó, quá trình sửa đổi, thay thế các quy định lại ít có sự kế thừa các quy định trước đó, khâu hướng dẫn cũng chưa kịp thời khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc tìm hiểu, chấp hành. Ngoài ra, khâu thực thi từ phía cơ quan hải quan cũng không nhất quán gây nhiều nguy cơ và rủi ro liên quan tới thuế cho các DN là nhà thầu chính và nhà thầu phụ trong các dự án này.

Một ví dụ điển hình được Ban IV dẫn phản ánh từ các doanh nghiệp nêu lên là trường hợp của Công ty cổ phần Hyundai Aluminum Vina - một trong số hàng trăm nhà thầu nhập khẩu hàng hóa để xây dựng nhà xưởng, văn phòng làm việc cho chủ đầu tư là doanh nghiệp chế xuất Công ty TNHH Samsung Electronics Vietnam Thái Nguyên SEVT. Công ty này hiện đang đứng trước nguy cơ bị truy thu thuế, bị xử phạt và tính lãi suất chậm nộp với số tiền nhiều tỷ đồng.

Đối với trường hợp của Công ty Hyundai Aluminum Vina, Ban IV cho rằng, sự chưa nhất quán trong hướng dẫn của Tổng cục Hải quan thể hiện ở chỗ: cùng là chính sách thuế đối với cùng một đối tượng là hàng hóa nhập khẩu để xây dựng nhà xưởng, văn phòng làm việc cho doanh nghiệp chế xuất, nhưng mỗi thời điểm khác nhau, Tổng cục Hải quan lại có hướng dẫn và cách giải thích khác nhau. Việc thay đổi từ “thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT” và “không thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT” khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn và rủi ro do số tiền nộp thuế GTGT phát sinh nhiều, cùng với đó là lãi suất chậm nộp của nhiều tờ khai nhập đã vượt hơn 1000 ngày chậm nộp (tính từ thời điểm khai tờ khai tháng 10/2016 đến nay). Điều này gây ra hậu quả rất lớn cho doanh nghiệp, thậm chí có thể dẫn tới bị truy thu thuế, bị xử phạt và tính lãi suất chậm nộp với số tiền nhiều tỷ đồng.

Kiến nghị sớm tháo gỡ các rào cản và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Trước các khó khăn vướng mắc trên, trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Ban IV tiếp tục kiến nghị Tổng cục Hải quan rà soát, đôn đốc tất cả các Cục, Chi cục Hải quan trên toàn quốc triển khai đồng bộ Hệ thống miễn, giảm, hoàn, không thu thuế, xử lý tiền thuế nộp thừa điện tử để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Trường hợp do kĩ thuật của phía các cục, chi cục hải quan chưa đáp ứng hoàn toàn thì có thể cân nhắc áp dụng song song cả hình thức bản giấy cũng như hệ thống điện tử kèm theo đó là quá trình hướng dẫn, tập huấn chi tiết để cả lực lượng hải quan và doanh nghiệp dần chuyển tiếp được sang phương thức mới một cách hiệu quả

Liên quan đến quy trình xét duyệt hồ sơ hoàn thuế XNK, kiến nghị Tổng cục Hải quan rà soát, chỉ đạo các cục, chi cục hải quan thực hiện đúng theo quy định của pháp luật hiện hành, không tính gộp trường hợp “nợ lệ phí trong hạn” vào diện “còn nợ” để tạo điều kiện cho quá trình hoàn thuế của DN.

Để tháo gỡ các vướng mắc trong hướng dẫn chính sách thuế, hồ sơ thủ tục hải quan đối với doanh nghiệp chế xuất, Ban IV đề xuất Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan rà soát các văn bản pháp luật để áp dụng thực hiện đúng các quy định phù hợp với từng thời điểm có hiệu lực nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho DN. Trong tình huống có nhiều sửa đổi, điều chỉnh trên một vấn đề ở khoảng thời gian ngắn, đề nghị có những tài liệu làm rõ các thay đổi để hướng dẫn công khai, minh bạch cho DN

Liên quan việc áp dụng chính sách thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để xây dựng nhà xưởng, văn phòng làm việc cho doanh nghiệp chế xuất, đối với các trường hợp doanh nghiệp gặp tổn thất trong sản xuất, kinh doanh do sự hướng dẫn thiếu nhất quán từ phía cơ quan nhà nước, đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ liên quan xem xét, thực hiện cơ chế “áp dụng theo hướng dẫn đầu tiên”. Lý do là doanh nghiệp đã căn cứ theo đó để thực hiện sản xuất, kinh doanh và tuân thủ pháp luật. Trong tình huống hướng dẫn đầu tiên chưa chính xác so với quy định của pháp luật, cần điều chỉnh/thay đổi, nhưng vẫn phải tính tới bài toán “chia sẻ trách nhiệm” giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp, tránh tình trạng đẩy rủi ro chỉ về phía các doanh nghiệp./.

Hiếu Phương

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư