e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Doanh nghiệp

Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam vay ở lãi suất 9,7% qua trái phiếu nội địa

10:30 | 13/04/2021 Print
- Trong khi dòng tiền lỏng tại nhiều ngân hàng rất dồi dào và phần nhiều đổ dồn mua trái phiếu chính phủ, chấp nhận lãi suất rất thấp (1-1,1%/năm cho loại kỳ hạn 5 năm) thì doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam - Vingroup - vừa hoàn tất đợt phát hành trái phiếu trong nước, vay nợ 2.860 tỷ đồng với lãi suất 4 kỳ đầu tiên lên đến 9,7%.

Kỳ trả lãi trái phiếu nội địa của Vingroup được tính 3 tháng/lần. Các kỳ tiếp theo sau 4 kỳ đầu tiên, như thông báo từ Vingroup do Tổng giám đốc Nguyễn Việt Quang ký, lãi suất phải trả là cộng của 3,7% với lãi suất tham chiếu là trung bình cộng của các mức lãi suất tiết kiệm tiền gửi cá nhân (trả lãi sau) kỳ hạn 12 tháng bằng đồng Việt Nam do Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng Công thương Việt Nam và Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam công bố vào ngày xác định lãi suất có liên quan. Được biết, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng tại Ngân hàng Ngoại thương hiện nay là 5,5%; tại Techcombank hiện nay là 7,1% (nếu khách hàng gửi từ 200 tỷ đồng trở lên và cam kết không tất toán trước hạn)…

Trong đợt phát hành vừa qua, Vingroup phát hành 2 loại cùng kỳ hạn 36 tháng. Loại VICB2124001 có tổng giá trị chào bán 1.000 tỷ đồng. Loại này có 1 nhà đầu tư cá nhân và 3 nhà đầu tư tổ chức mua hết số trái phiếu phát hành. Loại VICB2124002 có tổng giá trị 1.860 tỷ đồng, có 1 nhà đầu tư cá nhân và 4 nhà đầu tư tổ chức mua hết (trong đó có 1 tổ chức có vốn nước ngoài trên 50%).

Với việc hoàn tất đợt huy động vốn đầu tiên thông qua phát hành trái phiếu nội địa, Vingroup có tổng nợ 83.345 tỷ đồng, trong đó có 52.682 tỷ đồng nợ dài hạn, trên 30.000 tỷ đồng nợ ngắn hạn. Tại thời điểm 11/3/2021, tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu của Vingroup là 104%.

Cũng liên quan đến Vingroup, Tạp chí Forbes vừa cho biết, giá trị tài sản ròng của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup chạm mốc 9 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Với khối tài sản này, tỷ phú Phạm Nhật Vượng xếp thứ 262 trong danh sách những người giàu nhất thế giới do Forbes bình chọn.

Một diễn biến khác, Vingroup đã nộp hồ sơ lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đề xuất việc phát hành trái phiếu quốc tế với dự kiến tối đa 500 triệu USD. Nếu thành công, Vingroup sẽ tiếp tục có nợ lớn hơn vốn chủ sở hữu, lên mức 1,13 lần.

Dòng tiền lỏng trong nước được đánh giá là dồi dào dựa trên thực tế lượng tham gia đấu thầu trái phiếu chính phủ liên tục gấp 2-3 lần lượng chào thầu, dù cả năm nay, Chính phủ duy trì lãi suất gọi thầu rất thấp. Loại kỳ hạn 5 năm chỉ có 1-1,1%/năm; loại kỳ hạn 7 năm từ 1,45-1,47%/năm; loại 10 năm từ 2,22-2,23%/năm (xem bảng). Trong khi dòng tiền lỏng dồi dào trên thị trường tiền tệ, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải vay nợ với lãi suất 10% trở lên là một bất cập trên thị trường vốn hiện nay./.

Diễn biến đấu giá trái phiếu chính phủ tháng 3/2021

Tường Vi

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư