Cảm nghiệm về di sản văn hóa dân tộc nơi “Hương thơm quê mẹ”

15:33 | 16/04/2021 Print
- 140 đầu sách của Thiền sư Nhất Hạnh xuất bản bằng hơn 40 thứ tiếng trên toàn thế giới đang cùng có mặt trong Triển lãm “Hương thơm quê mẹ” tại 42, Yết Kiêu, Hà Nội. Người xem được thưởng lãm chất Tiếng Việt trong di sản văn hóa dân tộc, được Thiền sư gìn giữ và truyền tải trong tất cả các tác phẩm thi ca, thư pháp, văn học của Thầy.

Người thưởng lãm được thưởng thức chất Tiếng Việt trong di sản văn hóa quê hương tại triển lãm “Hương thơm quê mẹ”

Triển lãm hiến tặng một không gian an lạc, đưa con người trở về với xứ sở của giây phút hiện tại, từ đó, thực tập nếp sống tỉnh thức và hạnh phúc. Đây là lần đầu tiên tại Hà Nội, bộ sưu tập thư pháp của thiền sư Thích Nhất Hạnh được giới thiệu đến công chúng.

Năm 1967, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã được đề cử giải Nobel vì Hoà Bình. Tạp chí Human Architecture đã công nhận thiền sư là một kiến trúc sư nhân loại của thế kỷ 21. Trong khi đó, Tạp chí The Buddhist World đã vinh danh thiền sư Thích Nhất Hạnh là một trong 14 vị đại đạo sư của mọi thời đại từ thời Đức Phật.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh được học trò trên toàn thế giới gọi với cái tên thân thương là Thầy. Thầy xa Việt Nam từ năm 1962 và trong suốt quá trình sống ở nước ngoài, Thầy luôn hướng về quê mẹ, nơi đã nuôi dưỡng và trao truyền cho Thầy tuệ giác tâm linh của Tổ tiên. Triển lãm “Hương thơ quê mẹ” giúp người thưởng lãm cảm nhận về gia tài tâm linh dân tộc, được Thầy thể hiện qua nhiều ngôn ngữ trong các tác phẩm thư pháp, thi ca, thiền ca và hơn 140 đầu sách được in bằng hơn 40 thứ tiếng trên thế giới.

Nhiều vị đại sứ đến dự khai mạc Triển lãm "Hương thơm quê mẹ" và cảm nghiệm về văn hóa dân tộc Việt Nam

Để trở về thấu hiểu “hương thơm quê mẹ”, chúng ta phải trở về được với chính ta, ngồi thật yên, lắng lòng nghe thấu tiếng ru à ơi nơi quê mẹ. Trong dòng chảy của lịch sử, từ thời Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, Nguyễn…, tuệ giác tâm linh và nếp sống tỉnh thức đã luôn được gìn giữ và trao truyền. Tiếng Việt chuyên chở tuệ giác ấy, được đúc kết trong những câu ca dao, những danh xưng từ ngàn đời ý niệm về vô ngã và tương tức của Đạo Bụt. Tiếng Việt đi cùng với hành trình trưởng thành của mỗi con người, tiếng nói của nhân nghĩa, của yêu thương, của triết lý nhân sinh.

Thăm Triển lãm “Hương thơm quê mẹ”, người thưởng lãm được thưởng thức chất Tiếng Việt trong di sản văn hóa Tâm linh qua bút pháp của Thiền sư Nhất Hạnh. Với Thiền sư, viết thư pháp là một môn thiền định. Những tác phẩm của Thiền sư lan tỏa năng lượng của tuệ giác, chuyển tải tinh thần văn hoá dân tộc và nếp sống tỉnh thức. Người xem được chiêm nghiệm một thực tại tuyệt vời khi nghệ thuật, văn hoá và nếp sống tỉnh thức hoà quyện với nhau. Từ đó, thêm một lần nữa chúng ta có thể cảm nghiệm về điều nhà khoa học vĩ đại Albert Einstein đã khẳng định: "Nghệ thuật, tôn giáo, khoa học là những cành, nhánh của cùng một cái cây, không có sự đối nghịch".

Thiền sư đã làm mới và cống hiến cho đời con đường “Hiện pháp lạc trú” , qua nếp sống tỉnh thức và phương pháp thực tập chánh niệm

Tiến sĩ Eva Yuen, nhà phê bình nghệ thuật Hồng Kông (Trung Quốc) gọi thư pháp của Thiền sư Nhất Hạnh là “choreographic calligraphy” (nghệ thuật kết hợp giữa thư pháp và vũ đạo). Tiến sĩ Eva Yuen cảm nhận, các bức thư pháp của Thiền sư đều toát lên vẻ thanh thoát với những nét chữ thẳng, vững chãi, kết hợp với nét cong mềm mại, tạo nên một bố cục hài hòa và sống động như một điệu múa.

Không gian Triển lãm hiến tặng những khoảng lặng đẹp đẽ, an lành, nhắc nhở mỗi chúng ta thực tập tĩnh lặng để biết quay về nguồn cội. Những câu chữ giản dị cứ ngân lên như tiếng chuông, đánh thức tư duy và soi đường cho chúng ta trở về. Ta đã làm chi đời ta?; Ta có là ta ta mới đẹp; Uống trà đi; Chẳng biết rong chơi miền tịnh độ/Làm người một kiếp cũng như không; Lắng nghe để hiểu, nhìn kỹ để thương; Mỗi bước chân là tịnh độ; Ngồi thật vững chãi chuyện gì cũng qua; Tâm bụt không đâu không từ bi… Thư pháp chuyên chở tình yêu nguồn cội, tính thiện lành, nhân lên lòng biết ơn sự sống. Thư pháp không phụ thuộc vào hình thức thể hiện, nó bao hàm được tình thương, tuệ giác vượt lên thời gian và không gian. Đó là ngọn đuốc thắp sáng tâm hồn khi chạm đến.

Thư pháp của Thiền sư chuyên chở tình yêu nguồn cội, khơi dậy tính thiện lành vốn có trong mỗi con người

Tiếng Việt và tuệ giác qua bút pháp của thiền sư Nhất Hạnh là tiếng nói của con người tỉnh thức, của nếp sống tỉnh thức, của một cộng đồng tỉnh thức. Tiếng Việt được diễn đạt rất chân thực, bình dị, thông qua nhiều khía cạnh của cuộc sống. Như những phương pháp đơn giản thực tập trong đời sống hàng ngày giúp chúng ta chạm vào hạnh phúc vốn đang có mặt và đó cũng là tên hàng loạt đầu sách của Thầy: Phép lạ của sự tỉnh thức, An lạc từng bước chân, Hạnh phúc cầm tay, Đường xưa mây trắng…

“Thức dậy hôm nay em thấy trời xanh

Chắp tay em cám ơn đời mầu nhiệm”

Thiền sư đã làm mới và cống hiến cho đời con đường “Hiện pháp lạc trú” qua nếp sống tỉnh thức và phương pháp thực tập chánh niệm. Cái nhìn tỉnh thức đó là một sự tiếp nối từ tuệ giác của Tổ tiên, qua bao thế hệ đã gìn giữ, gieo trồng và bồi đắp cho chúng ta hôm nay.

Triển lãm mở cửa đến ngày 26/04/2021, cho chúng ta cơ hội trở về, chiêm nghiệm về một cách lưu giữ, trao truyền di sản văn hóa dân tộc

“Yêu sao nét chữ quê hương

Chứa chan tình mẹ yêu thương tháng ngày”

Quê hương trong mỗi chúng ta là Đất nước, là đồng bào và sâu hơn là Tổ tiên tâm linh. Chỉ cần trở về, chúng ta sẽ nhận ra, mình được thừa hưởng gia tài tâm linh của một dân tộc. Quê hương luôn có những dòng suối mát, những cây đại thụ an nhiên tỏa bóng, nơi ta gặp chính ta, gặp phần sâu thẳm nhất trong mỗi con người…

Triển lãm mở cửa đến hết ngày 26/04/2021, cho chúng ta cơ hội trở về, chiêm nghiệm và làm giàu đẹp hơn vốn liếng, gia tài tiếng nói, nếp sống, văn hóa từ nghìn xưa…/.

Thu Lâm - Tường Vi

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư