e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Dự báo kinh tế

Cải cách môi trường đầu tư kinh doanh: Điểm sáng chính sách trong 5 năm qua

09:40 | 20/04/2021 Print
- Điều đáng mừng, theo ông Vũ Tiến Lộc là “Không chỉ dừng lại ở những lời tuyên bố, mà thực sự đã có những hành động rất cụ thể”.

Tại Hội thảo công bố báo cáo Chương trình cải cách môi trường kinh doanh Việt Nam: Góc nhìn từ doanh nghiệp, ngày 20/4/2021, trong khuôn khổ Dự án Tăng cường tiếng nói của doanh nghiệp trong việc giám sát và thực hiện tái cơ cấu kinh tế (thuộc Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam - Aus4Reform), ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh rằng, “Chưa bao giờ mà các từ khoá như “môi trường kinh doanh”, “đơn giản thủ tục hành chính”, “tạo thuận lợi cho doanh nghiệp”… lại được nhắc đi nhắc lại không chỉ ở cấp Chính phủ mà còn ở nhiều các cơ quan khác, nhiều diễn đàn chính sách khác”.

Toàn cảnh Hội thảo

Chưa bao giờ từ khóa “môi trường kinh doanh” lại được nhắc đến nhiều như thế

TS. Vũ Tiến Lộc cho biết, cải cách môi trường đầu tư kinh doanh và phát triển doanh nghiệp có thể được xem là một trong những điểm sáng chính sách trong 05 năm qua tại Việt Nam.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ đã coi đây là một trong những hoạt động trọng tâm, ưu tiên của các bộ ban ngành và thường xuyên có các chỉ đạo, đôn đốc để các cơ quan cùng chung tay thực hiện.

“Chưa bao giờ mà các từ khoá như “môi trường kinh doanh”, “đơn giản thủ tục hành chính”, “tạo thuận lợi cho doanh nghiệp”… lại được nhắc đi nhắc lại không chỉ ở cấp Chính phủ mà còn ở nhiều các cơ quan khác, nhiều diễn đàn chính sách khác”, ông Lộc nói.

Điều đáng mừng, theo ông Vũ Tiến Lộc là “Không chỉ dừng lại ở những lời tuyên bố, mà thực sự đã có những hành động rất cụ thể”.

Đó là Chương trình bãi bỏ và chuyển đổi hàng ngàn điều kiện kinh doanh ở cấp thông tư lên Nghị định trong năm 2016; Chương trình rà soát cắt giảm và đơn giản hoá các điều kiện đầu tư kinh doanh ở tất cả các bộ trong năm 2018. Hoạt động cắt giảm và minh bạch các quy định về kiểm tra chuyên ngành hàng hoá xuất nhập khẩu. Mục tiêu một triệu doanh nghiệp vào năm 2020 được đưa ra từ năm 2016 cùng với cam kết của nhiều địa phương trong việc thúc đẩy người dân bỏ tiền vào kinh doanh. Nhóm hoạt động phát triển kinh tế số, đẩy mạnh chuyển đổi số được đưa ra và triển khai mạnh mẽ trong năm 2019 và 2020. Chương trình hành động cắt giảm quy định kinh doanh tại Nghị quyết 68 được đưa ra vào năm 2020… và còn nhiều chương trình, nhóm hoạt động khác được các bộ ngành và địa phương triển khai.

Ông Lộc cho biết, báo cáo này được VCCI xây dựng trong khuôn khổ Dự án Tăng cường tiếng nói của doanh nghiệp trong việc giám sát và thực hiện tái cơ cấu kinh tế (thuộc Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam - Aus4Reform, do Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia - DFAT tài trợ).

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): “Chưa bao giờ mà các từ khoá như “môi trường kinh doanh” được nhắc nhiều như bây giờ"

Báo cáo này được thực hiện thông qua các dữ liệu được thu thập từ các cuộc điều tra doanh nghiệp diện rộng, các cuộc phỏng vấn sâu với các doanh nhân, chuyên gia nhằm phản ánh các thông tin từ thực tiễn. Chúng tôi tin rằng chính các doanh nghiệp, những người đang ngày ngày phải trải nghiệm các thủ tục hành chính, tiếp các đoàn thanh kiểm tra của các cơ quan hay phải tìm kiếm thông tin quy hoạch, kế hoạch của Nhà nước để lên phương án kinh doanh là những đối tượng thụ hưởng, là người hiểu rõ nhất hiệu quả thực chất của các chương trình của Chính phủ.

“Nhìn lại chặng đường năm năm cải cách môi trường kinh doanh đã qua, chúng ta ghi nhận rất nhiều các chuyển biến tích cực”, ông Lộc khái quát.

Các kết quả khảo sát, các báo cáo của VCCI và của nhiều tổ chức khác cho thấy bức tranh môi trường kinh doanh đã trở nên tươi sáng hơn. Tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng chính quyền ưu ái doanh nghiệp nhà nước, ưu ái doanh nghiệp FDI đã giảm liên tục trong nhiều năm.

Tỷ lệ doanh nghiệp sẵn sàng khởi kiện ra toà án khi có tranh chấp kinh doanh thương mại đã tăng từ năm 2016 đến nay.

Tỷ lệ doanh nghiệp bị trộm cắp hay phải trả tiền bảo kê cho các băng nhóm côn đồ đều giảm. Tỷ lệ doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức và mức chi trả giảm qua 5 năm qua. Tỷ lệ doanh nghiệp có phản hồi tích cực khi làm thủ tục hành chính như cán bộ thân thiện, cán bộ hướng dẫn đầy đủ tăng liên tục. Tỷ lệ doanh nghiệp phải tiếp nhiều đoàn thanh kiểm tra trùng lặp đã giảm.

“Đây là những kết quả rất đáng ghi nhận mà cộng đồng doanh nghiệp đã gửi gắm qua VCCI để chuyển đến Chính phủ”, ông Lộc nói.

TS. Trần Thị Hồng Minh: "Doanh nghiệp đánh giá chất lượng điều hành của địa phương được cải thiện, thể hiện mức độ cải thiện nhanh trong những năm gần đây"

Đồng tình với quan điểm của ông Lộc, bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cũng chỉ rõ, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng tới phát triển bền vững là trọng tâm cải cách của Chính phủ trong những năm qua.

Từ năm 2014, Chính phủ liên tục ban hành hàng năm Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (cụ thể là Nghị quyết số 19 các năm 2014-2018; Nghị quyết số 02 các năm 2019-2021). Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh hàng năm đều có tính kế thừa, phát triển và mở rộng thêm nội dung để phù hợp với thông lệ quốc tế và bối cảnh mới. Điều đó thể hiện tính liên tục, nhất quán và hệ thống của Chính phủ trong xác định mục tiêu và các giải pháp tương ứng cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đây có thể được xem là dấu ấn thành công của nhiệm kỳ Chính phủ 2016-2021.

Một số kết quả nổi bật về cải thiện môi trường kinh doanh đã đạt được như: Thứ hạng các chỉ số trên bảng xếp hạng quốc tế liên tục tăng điểm (thể hiện chất lượng môi trường kinh doanh) và tăng bậc.

Dưới góc nhìn ở trong nước, doanh nghiệp đánh giá chất lượng điều hành của địa phương được cải thiện, thể hiện mức độ cải thiện nhanh trong những năm gần đây. Nhiều lĩnh vực (chỉ số) môi trường kinh doanh (theo cách tiếp cận của Ngân hàng thế giới) đề ra tại Nghị quyết số 19 và Nghị quyết số 02 đều có cải thiện, tuy mức độ cải cách còn khác biệt.

“Dường như các vấn đề dễ làm, thì chúng ta đều đã làm”

Tuy nhiên, Chủ tịch VCCI cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng: Môi trường kinh doanh vẫn còn những điểm hạn chế cần được cải thiện trong 5 năm tới.

“Điều đáng nói là, dường như các vấn đề dễ làm thì chúng ta đều đã làm, những việc còn lại cần phải làm thì khó khăn hơn rất nhiều”, ông Lộc ví von.

Lấy ví dụ về cải cách tư pháp, ông Lộc cho biết, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng toà án để giải quyết tranh chấp thì tăng, nhưng có bản án rồi thì tỷ lệ thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự lại giảm. Trong rất nhiều trường hợp, ra bản án dễ hơn so với thi hành bản án đó.

Về công khai minh bạch, Chủ tịch VCCI cho biết, chúng ta đã minh bạch được các quy định pháp luật, các thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh… , nhưng việc công khai các quy hoạch, kế hoạch, báo cáo của Nhà nước để doanh nghiệp tiếp cận thì lại trở nên khó khăn hơn.

Ông Andrew Barnes, Phó Đại sứ Australia tại Việt Nam cho rằng, việc ra mắt báo cáo hôm nay đã chứng tỏ vai trò quan trọng này của doanh nghiệp

“Ngày càng nhiều doanh nghiệp phản ánh tình trạng các thông tin được công bố rất chung chung, chỉ là các con số tổng, không có ý nghĩa để doanh nghiệp sử dụng”, ông Lộc thẳng thắn.

Nhận định rằng, những thách thức cần đặt ra đối với việc cải thiện môi trường kinh doanh trong 05 năm tới sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với những gì đã làm được, ông Lộc cho rằng, điều này cũng là quy luật tất yếu.

“Để bước từ thể chế kém lên thể chế trung bình thì dễ, nhưng để bước từ thể chế trung bình lên thể chế tốt thì khó khăn hơn rất nhiều”, Chủ tịch VCCI chỉ rõ.

Dẫn câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Chúng ta vui mừng với những thành tựu, kết quả to lớn nhưng tuyệt nhiên không được chủ quan, tự mãn, không được quá say sưa với thắng lợi, ngủ quên trên vòng nguyệt quế”, ông Lộc nhấn mạnh rằng, lúc này, chính là lúc cần có sự chung tay góp sức của tất cả các doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp, các cơ quan, từng cán bộ trong bộ máy nhà nước, không chỉ bằng công sức mà còn phải cả trí tuệ để có thể tiếp tục đưa môi trường kinh doanh của Việt Nam tiến lên.

Khẳng định rằng, cộng đồng doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong việc góp ý cho các cơ quan chức năng về cải thiện chính sách nhằm giảm bớt các quy định không cần thiết, hỗ trợ môi trường kinh doanh và tăng trưởng kinh tế, ông Andrew Barnes, Phó Đại sứ Australia tại Việt Nam cho rằng, việc ra mắt báo cáo hôm nay đã chứng tỏ vai trò quan trọng này của doanh nghiệp bằng cách cung cấp phản hồi trực tiếp cho chính phủ về cách thức giúp cho hoạt động kinh doanh thuận lợi và dễ dàng hơn.

“Điều này sẽ làm tăng cơ hội kinh tế cho tất cả mọi người và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và sự thành công của Việt Nam cũng như cho tất cả mọi người dân”, ông Andrew Barnes nhấn mạnh.

Ông Andrew Barnes tin rằng báo cáo này sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách có cái nhìn tổng quan về kết quả hoạt động của Chính phủ đến thời điểm hiện tại trong việc thực hiện Nghị quyết 02 về cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia (2020) và Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp trong 5 năm (2016-2021)./.

Phương Anh

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư