e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Đổi mới sáng tạo

Tạo cơ chế cho NIC kết nối, xây dựng hệ sinh thái đổi mới, sáng tạo Việt Nam

16:21 | 20/04/2021 Print
- Một trong những nội dung đáng chú ý tại Nghị định số 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư là dành riêng Điều 113 để sửa đổi Nghị định số 94/2020/NĐ-CP quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC).

NIC đang xây trụ sở tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc

Cụ thể hóa việc NIC được tiếp nhận hỗ trợ, viện trợ, tài trợ, tặng cho

Theo đó, Điều 113, Nghị định số 31/2021 đã sửa đổi, bổ sung Điều 8, Nghị định số 94/2020/NĐ-CP, quy định NIC được tiếp nhận vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) không hoàn lại để thực hiện các nhiệm vụ không thường xuyên theo quy định pháp luật. Trung tâm là bên tiếp nhận các khoản viện trợ không hoàn lại của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài cho Việt Nam. Các khoản viện trợ không hoàn lại cho Trung tâm được quản lý theo cơ chế là nguồn thu hợp pháp của Trung tâm, không thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước.

Trình tự, thủ tục tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản viện trợ không hoàn lại cho NIC thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quyết định việc tiếp nhận khoản viện trợ không hoàn lại của Trung tâm.

Trung tâm được sử dụng khoản viện trợ không hoàn lại và các khoản tài trợ, tặng cho của các tổ chức, cá nhân trong nước (bao gồm cả phần lãi tiền gửi các khoản viện trợ, tài trợ), để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, chi thường xuyên, hỗ trợ hoạt động và công tác quản lý, vận hành của Trung tâm. Các khoản viện trợ không hoàn lại mà Trung tâm đang thực hiện thủ tục tiếp nhận tại thời điểm Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư năm 2020 có hiệu lực được áp dụng cơ chế quy định tại Điều 113 này.

Áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt đối với NIC

Liên quan đến ưu đãi và hỗ trợ đầu tư, Nghị định số 31 có quy định: “Ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt được áp dụng đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập và toàn bộ cơ sở trực thuộc đặt ngoài trụ sở chính của Trung tâm”.

Sự hình thành của NIC được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hình thành mạng lưới các trung tâm đổi mới sáng tạo tại các địa phương, khu vực

NIC được Thủ tướng Chính phủ thành lập tại Quyết định số 1269/QĐ-TTg ngày 02 tháng 10 năm 2019. Đây là mô hình đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ thành lập và khác với mô hình trung tâm phổ biến ở các nước trên thế giới chủ yếu do doanh nghiệp, tập đoàn thiết lập và thường chỉ phục vụ mục tiêu nghiên cứu phát triển của doanh nghiệp. Trong định hướng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, NIC sẽ là nơi quy tụ các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ lớn trong và ngoài nước, nơi cung cấp các cơ sở nghiên cứu, không gian làm việc, thử nghiệm sản phẩm và điều kiện hạ tầng tốt nhất phục vụ cho nghiên cứu phát triển các ý tưởng công nghệ theo chuẩn mực quốc tế, đưa các ý tưởng đổi mới sáng tạo vào một hệ sinh thái đầy đủ và hỗ trợ thông qua các cơ chế thuận lợi, đặc thù, từ đó hoàn chỉnh vòng kết nối, thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư, nghiên cứu phát triển và thương mại hoá sản phẩm.

Sự hình thành của NIC được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hình thành mạng lưới các trung tâm đổi mới sáng tạo tại các địa phương, khu vực theo chủ trương của Đảng, Chính phủ, góp phần quan trọng trong thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Theo thống kê, hiện nay, Việt Nam có khoảng 60 trung tâm đổi mới sáng tạo hoặc vườn ươm ý tưởng sáng tạo rải rác khắp cả nước. NIC sẽ thực hiện liên kết lại, hỗ trợ và thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo trong cùng mục tiêu quốc gia. Cùng với đó, NIC sẽ tham gia vào liên kết các trung tâm đổi mới sáng tạo trong khối ASEAN, hình thành mạng lưới đổi mới sáng tạo năng động trong cùng khu vực.

Để tạo điều kiện cho NIC thực thi nhiệm vụ của mình, ngày 21/8/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 94/2020/NĐ-CP quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với NIC. Theo đó, đối tượng được hưởng ưu đãi gồm NIC và các cơ sở hoạt động của Trung tâm trong phạm vi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hoạt động tại Trung tâm; đối tác hỗ trợ đổi mới sáng tạo của Trung tâm; các tổ chức, cá nhân có liên quan khác.

Một trong những ưu đãi cụ thể là về tín dụng đầu tư. Theo đó, dự án đầu tư của cá nhân khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo hoạt động tại Trung tâm và dự án đầu tư của Trung tâm thuộc danh mục các dự án được vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước được hưởng các ưu đãi vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam theo quy định của pháp luật.

Trung tâm, cá nhân khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo hoạt động tại Trung tâm được nhận tài trợ, hỗ trợ, vay vốn và bảo lãnh vốn vay của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa và các quỹ phát triển khoa học và công nghệ của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo quy định của pháp luật.

Được biết, bên cạnh 2 quỹ đang hoạt động là Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (vốn được cấp tối thiểu 500 tỷ đồng hàng năm) và Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng), tháng 3/2021, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký Quyết định phê duyệt Điều lệ hoạt động của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia. Theo đó, Quỹ có vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, có chức năng cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh để vay vốn và hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, đổi mới và hoàn thiện công nghệ./.

Hồng Lĩnh

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư