e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Doanh nghiệp

Cải thiện môi trường kinh doanh: Cần đưa ra các mục tiêu và nhiệm vụ thực chất

00:07 | 21/04/2021 Print
- Bất chấp bối cảnh dịch bệnh Covid-19, nhưng nhìn chung các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp vẫn được tiếp tục thực hiện. Tuy nhiên, tốc độ cải thiện dường như chậm lại so với các năm trước.

Đây là nhận định của ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Hội thảo công bố Báo cáo Chương trình cải cách môi trường kinh doanh Việt Nam: Góc nhìn từ Doanh nghiệp (Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 02 năm 2020 và Nghị quyết 35 năm 2016 của Chính phủ), do VCCI tổ chức ngày 20/4, tại Hà Nội.

Chương trình nằm trong khuôn khổ Dự án Tăng cường tiếng nói của doanh nghiệp trong việc giám sát và thực hiện tái cơ cấu kinh tế (thuộc Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam - Aus4Reform).

Thủ tục nộp thuế và bảo hiểm xã hội có sự tiến bộ

Tại hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn cho biết, nhìn chung các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp vẫn được tiếp tục thực hiện, bất chấp bối cảnh dịch bệnh Covid-19 và giai đoạn này trùng với thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ. Lĩnh vực thành lập doanh nghiệp và tiếp cận điện năng vẫn được đánh giá cao nhất, lần lượt là 72,5% và 65,9% doanh nghiệp đánh giá có sự chuyển biến tốt hoặc rất tốt. Xếp cuối cùng là lĩnh vực phá sản với 44,4% doanh nghiệp đánh giá tốt hoặc rất tốt.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, tốc độ cải thiện môi trường kinh doanh dường như chậm lại so với các năm trước.

Tuy nhiên, tốc độ cải thiện dường như chậm lại so với các năm trước và xu hướng thay đổi của các lĩnh vực tương đối trái ngược. Các lĩnh vực có điểm số thấp (phá sản, bảo vệ nhà đầu tư và xuất nhập khẩu) tăng điểm, trong khi các lĩnh vực có điểm cao (thành lập doanh nghiệp, tiếp cận điện năng) lại giảm điểm.

Đáng chú ý, cùng liên quan đến tài chính doanh nghiệp, trong khi tiếp cận tín dụng năm 2020 được cảm nhận khó khăn hơn so với năm 2019, thì thủ tục thuế lại trở nên dễ dàng hơn nhiều. Xét theo địa phương, các chỉ số vẫn thể hiện tích cực hơn so với năm 2019, nhưng tốc độ cải thiện đã chậm lại.

Cụ thể, theo Báo cáo, thủ tục nộp thuế và bảo hiểm xã hội có sự tiến bộ đáng ghi nhận trong năm 2020. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, ngành thuế đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, gia hạn tiền nộp thuế, tiền thuê đất, giảm phí và lệ phí) với các thủ tục được thiết kế đơn giản, dễ thực hiện. Hệ thống công nghệ thông tin của ngành thuế cũng đáp ứng được nhu cầu tăng cao về nhu cầu thực hiện qua hình thức điện tử.

Luật Quản lý thuế 2019 có hiệu lực từ tháng 7/2020 được kỳ vọng cải thiện môi trường kinh doanh với cải tiến về thời gian làm thủ tục, cắt giảm nghĩa vụ làm thủ tục hành chính, tháo gỡ các vướng mắc về kê khai và nộp thuế điện tử; bổ sung quy định về quyền được thông tin về thanh, kiểm tra… Các quy định mới đang được soạn thảo về quản lý thuế với hoạt động thương mại điện tử và cung cấp dịch vụ xuyên biên giới được kỳ vọng cần đảm bảo tính công bằng thuế và tạo sự thuận tiện cho việc áp dụng của các bên liên quan.

Hoạt động thanh kiểm tra thuế trong năm 2020 giảm so với năm 2019, có thể nhờ Covid-19 làm giảm thời gian thanh kiểm tra trực tiếp kết hợp với việc ngành thuế thực hiện điều chỉnh kế hoạch thanh kiểm tra để hỗ trợ doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, về khởi sự kinh doanh và đăng ký thành lập doanh nghiệp, đây luôn là thủ tục được đánh giá cao với kết quả cải thiện đáng khích lệ, thời gian trung vị để doanh nghiệp làm các thủ tục đăng ký hoặc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp giảm một nửa trong 6 năm qua. Dù vậy, thời gian đăng ký doanh nghiệp năm 2020 bị kéo dài hơn một chút so với năm 2019.

Môi trường kinh doanh còn nhiều rảo cản

Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong quá trình cải cách môi trường kinh doanh, ông Đậu Anh Tuấn cũng chỉ ra một số khó khăn mà cộng đồng doanh nghiệp đang gặp phải. Cụ thể, mặc dù thủ tục nộp thuế đã có sự tiến bộ, song, trung bình vẫn có 22% doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục hành chính lĩnh vực thuế, như: đề nghị miễn, giảm thuế (với 23% doanh nghiệp gặp phải), hoàn thuế (18%), quyết toán thuế (17%)…

Trong hoạt động thanh kiểm tra thuế, tỷ lệ các doanh nghiệp phải thương lượng với cơ quan thuế vẫn chưa có xu hướng được cải thiện theo thời gian và đặc biệt tăng mạnh lên 52,8% từ mức 47,1% của năm 2019, phản ánh tình trạng các quy định thuế còn khó hiểu, thiếu thống nhất về cách hiểu giữa cơ quan thuế và doanh nghiệp.

Ngoài ra, Báo cáo cho thấy, tiếp cận tín dụng là một trong các lĩnh vực giảm điểm trong năm 2020 khi tỷ lệ các doanh nghiệp đánh giá có sự cải thiện chỉ là 54,4%, thấp hơn mức 59,5% của năm 2019.

Cần tiếp tục đơn giản hoá thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh.

Dù đã có nhiều biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó trong việc tiếp cận, hấp thụ được các khoản vay ưu đãi do điều kiện vay vốn không dễ dàng. Chẳng hạn, đến tháng 10/2020, gói tái cấp vốn 16.000 tỷ đồng cho vay lãi suất 0% để doanh nghiệp và người sử dụng lao động gặp khó khăn về tài chính vay trả lương cho người lao động bị ngừng việc do ảnh hưởng của dịch vẫn chưa cho doanh nghiệp nào vay được.

Đánh giá về cải cách môi trường kinh doanh ở Việt Nam, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, cải cách môi trường kinh doanh đã đạt được những thành tựu nhất định, song, thay đổi không nhiều, trong khi dư địa cải cách ngày càng hạn chế và khó khăn. Mặc dù, Nghị quyết 02 đã giải quyết được rất nhiều vấn đề, nhưng phạm vi của Nghị quyết cũng chỉ nằm trong 1 giới hạn nhất định và còn vô số các rào cản khác.

Ông Phan Đức Hiếu ví dụ, khoảng cách bất bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI đã được rút ngắn, nhưng bất bình đẳng vẫn thể hiện qua khoảng cách giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ. Theo thống kê, 60% doanh nghiệp cho rằng, cần phải có mối quan hệ để tiếp cận tài liệu, 68% doanh nghiệp phải hủy bỏ hoặc không tiếp tục thực hiện kế hoạch kinh doanh vì không thực hiện được thủ tục hành chính đúng thời hạn.

Tuy vậy, Phó viện trưởng CIEM cho rằng, mặc dù còn nhiều thách thức, nhưng chúng ta buộc phải vượt qua, do đòi hỏi cải cách hiện nay là rất lớn theo tinh thần của Đại hội Đảng XIII và doanh nghiệp tư nhân phải được đặt ở vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước.

Nhằm cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam, Báo cáo đã đưa ra một số khuyến nghị đó là, tiếp tục đơn giản hoá thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, cắt giảm kiểm tra chuyên ngành; tập trung vấn đề cải cách tư pháp (đặc biệt là khâu thi hành án dân sự).

Đồng thời, cần đưa ra các mục tiêu, nhiệm vụ thực chất hơn và giải quyết được các vấn đề kỹ thuật còn vướng mắc trên thực tế; Minh bạch hoá và áp dụng quản lý rủi ro vào thanh kiểm tra doanh nghiệp nên được đưa vào trở thành một nội dung quan trọng của cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành kinh tế số cũng cần được coi là nhiệm vụ quan trọng để có thể giúp ngành này theo kịp tốc độ phát triển và củng cố năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh mới.../.

Hồng Ánh

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư