e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện

Phòng vệ thương mại giúp dòng chảy xuất khẩu từ Việt Nam thông suốt

16:34 | 22/04/2021 Print
- Theo Bộ Công Thương, năm 2020, Việt Nam đã kháng nghị thành công 65 vụ việc, giúp nhiều doanh nghiệp, nhiều mặt hàng xuất khẩu tiếp tục được hưởng mức thuế 0% hoặc rất thấp, duy trì tăng trưởng xuất khẩu, nhất là sang Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Ca-na-đa…

Theo Ban Chỉ đạo 35 Bộ Công Thương, phòng vệ thương mại được xem là công cụ hữu hiệu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các ngành sản xuất nội địa trong bối cảnh Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) như hiện nay. Việc sử dụng và ứng phó các biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Doanh nghiệp cần coi phòng vệ thương mại là một phần trong chiến lược sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là xuất khẩu

Trong bối cảnh Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới, các vụ việc phòng vệ thương mại gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ ngày càng nhiều hơn với tính chất phức tạp gia tăng.

Ở chiều ngược lại, một số ngành sản xuất trong nước cũng phải chịu áp lực từ việc gia tăng nhập khẩu do các tác động mở cửa thị trường và cần đến những công cụ chính sách về phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích của ngành.

Bên cạnh đó, sự mất cân đối cán cân thương mại toàn cầu không được cải thiện, làm gia tăng mâu thuẫn về thương mại, cạnh tranh chiến lược giữa các nước. Tranh chấp thương mại Mỹ - Trung Quốc từ năm 2018 đến nay vẫn chưa giảm bớt căng thẳng, đồng thời những biện pháp hạn chế thương mại mà hai bên áp dụng lẫn nhau gây ảnh hưởng mạnh mẽ tới toàn thế giới.

Năm 2020, công tác phòng vệ thương mại của Việt Nam được triển khai toàn diện, đạt kết quả nổi bật, bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Cùng với việc kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng nhanh, số lượng các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại mới đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng ở mức cao nhất từ trước đến nay với 37 vụ việc, tăng 2,3 lần so với năm 2019.

Bộ Công Thương đã nỗ lực xử lý hiệu quả các vụ việc phòng vệ thương mại, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam.

Nhờ đó, Việt Nam đã kháng nghị thành công 65 vụ việc, giúp nhiều doanh nghiệp, nhiều mặt hàng xuất khẩu tiếp tục được hưởng mức thuế 0% hoặc rất thấp (kể cả đối với một số mặt hàng nông sản, thủy sản), duy trì tăng trưởng xuất khẩu, nhất là sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Ca-na-đa… Công tác áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các ngành sản xuất trong nước cũng được chú trọng đẩy mạnh, đặc biệt đối với một số mặt hàng có ảnh hưởng nhiều tới đời sống của người nông dân như mía đường, sorbitol…

Tính chung cả giai đoạn 2016 - 2020, việc triển khai công tác phòng vệ thương mại đã được Bộ Công Thương thực hiện một cách đồng bộ, toàn diện trên tất cả các mặt, từ việc hoàn thiện cơ sở pháp lý, thành lập cơ quan chuyên môn thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về phòng vệ thương mại đến việc ban hành một loạt chương trình, đề án lớn nhằm nâng cao năng lực thực thi trong lĩnh vực phòng vệ thương mại như: Luật Quản lý ngoại thương năm 2017 (có một chương riêng về phòng vệ thương mại, thay thế các Pháp lệnh cũ), Nghị định số 10/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại cùng các Thông tư hướng dẫn, qua đó, về cơ bản tạo ra hành lang pháp lý đầy đủ, phù hợp với cam kết và thông lệ quốc tế để triển khai công tác phòng vệ thương mại hiệu quả hơn; Quyết định số 824/QĐ-TTg ngày 04 tháng 7 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án Tăng cường quản lý Nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ; Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ về một số biện pháp cấp bách nhằm tăng cường quản lý Nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp; Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 01 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại...

Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai quyết liệt công tác chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, quản lý thị trường, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, xuất xứ, ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của các ngành sản xuất và người tiêu dùng trong nước. Đồng thời, Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp với cơ quan hải quan trong và ngoài nước tăng cường công tác cảnh báo, phổ biến kiến thức pháp luật về gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp cho doanh nghiệp và tiến hành kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp để lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Các Bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cũng đang khẩn trương triển khai Đề án, phối hợp với Bộ Công Thương theo dõi các mặt hàng trong danh sách cảnh báo.

Những nỗ lực trong cảnh báo, siết chặt quản lý, giám sát đã góp phần nâng cao nhận thức của toàn hệ thống, qua đó giúp các hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh nhiều nước chuyển sang áp dụng nhiều hình thức mới trong phòng vệ thương mại, góp phần đảm bảo sự phát triển ổn định của các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay./.

Lê Vân

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư