Cách để phục hồi tăng trưởng Việt Nam khi kinh tế thế giới bất định

22:11 | 22/04/2021 Print
- Giai đoạn 2021-2023, Việt Nam cần tiếp tục phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động, kết hợp giải pháp phục hồi kinh tế và cải cách thể chế. Đây là cách để phục hồi tăng trưởng nhanh và bền vững hơn, ngay cả khi kinh tế thế giới bất định.

Trong khuôn khổ Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), ngày 22/4, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo "Thúc đẩy phục hồi kinh tế và cải cách thể chế sau đại dịch COVID-19: Đề xuất cho Việt Nam".

Báo cáo nhằm phân tích bối cảnh quốc tế và trong nước trước và trong đại dịch Covid-19, các tác động của đại dịch đối với tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam, phân tích các yêu cầu về cải cách thể chế nhằm phục hồi và thúc đẩy kinh tế - xã hội sau đại dịch và xác định phương hướng, lộ trình chính sách cho phát triển giai đoạn 2021-2023.

Việt Nam là một trong số ít các quốc gia được đánh giá tương đối thành công trong kiểm soát dịch Covid-19

Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM cho biết, trước bối cảnh đại dịch Covid-19 còn nhiều diễn biến phức tạp, mặc dù vẫn còn thận trọng, nhưng tại thời điểm quý I/2021, triển vọng kinh tế thế giới được đánh giá lạc quan hơn so với tại thời điểm nửa đầu năm 2020.

Còn ở Việt Nam, trước đại dịch Covid-19, vẫn kiên định với các yêu cầu bứt phá và ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế; cải cách kinh tế vi mô tiếp tục được thực hiện một cách sâu rộng. Đồng thời, tư duy ban hành chính sách đã có những chuyển biến theo hướng tôn trọng tinh thần tự do kinh doanh, chuyển từ “chọn cho” sang “chọn bỏ” và được cụ thể hóa trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật.

TS. Nguyễn Anh Dương cho biết, quý I/2021, kinh tế thế giới được đánh giá lạc quan hơn so với tại thời điểm nửa đầu năm 2020

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nhấn mạnh việc tìm kiếm các động lực mới cho tăng trưởng kinh tế. Công tác hội nhập kinh tế quốc tế cũng có nhiều chuyển biến tích cực, nổi bật là việc ký kết các hiệp định CPTPP, EVFTA và EVIPA trong năm 2019.

TS. Nguyễn Anh Dương cho biết thêm, kể từ đầu năm 2020, Việt Nam phải đối mặt với hai làn sóng bùng phát của đại dịch Covid-19, nhưng với phản ứng sớm và quyết liệt, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia được đánh giá là tương đối thành công trong kiểm soát dịch Covid-19. Cụ thể, công tác chỉ đạo và điều hành của Chính phủ đã thể hiện những bước chuyển phù hợp, linh hoạt, nhưng kiên định với “mục tiêu kép”, vừa quyết liệt phòng chống dịch hiệu quả; vừa tập trung phục hồi và thúc đẩy sản xuất trong nước. Các cải cách về môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp… tiếp tục có sự liền mạch với các năm trước.

Bên cạnh đó, các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế mới tiếp tục được nghiên cứu, cân nhắc, bên cạnh việc rà soát, điều chỉnh quy định liên quan đến tiếp cận một số gói hỗ trợ trước đó (như: tín dụng, thuế, an sinh xã hội…).

Trong những tháng đầu năm 2021, với việc tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh, các hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước tiếp tục đà phục hồi. Hoạt động tiêm vaccine đã dần được triển khai, nhiều thảo luận xoay quanh mở lại các đường bay quốc tế, hộ chiếu vaccine... được đề cập gần đây nhằm hướng đến mở cửa trở lại nền kinh tế một cách an toàn hay sự đồng bộ và bền vững của chính sách hỗ trợ phục hồi một số ngành, lĩnh vực quan trọng cũng như tổng thể nền kinh tế.

Kiểm soát thành công dịch bệnh, Việt Nam sẽ có sự tăng trưởng tốt

Trong bối cảnh đại dịch, Việt Nam duy trì có tốc độ tăng GDP đạt 2,91% trong năm 2020 và phục hồi ở mức 4,48% trong quý I/2021. Với kết quả này, các tổ chức quốc tế đều duy trì đánh giá tích cực về kinh tế Việt Nam, cao hơn so với hầu hết các nền kinh tế trên thế giới và khu vực Đông Á.

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra tổng vốn phát triển toàn xã hội năm 2020 tăng 5,7% và thấp hơn 4,5 điểm phần trăm so với năm 2019. Tỷ trọng đầu tư/GDP chỉ đạt 34,4%. Hiệu quả đầu tư tính theo hệ số ICOR sụt giảm đột ngột trong năm 2020, hệ số ICOR tăng tới gần 14,3. Vốn FDI đăng ký đạt 28,5 tỷ USD, giảm 25%; vốn FDI thực hiện đạt 19,98 tỷ USD... Trong khi đó, dịch bệnh Covid-19 trên thế giới còn diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực của dịch bệnh đến các mặt của đời sống kinh tế - xã hội còn tiếp tục kéo dài, chưa thể đánh giá hết.

Cùng với đó, khu vực doanh nghiệp vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn dù đã có sự thích ứng cả về tổ chức sản xuất, sử dụng lao động và ứng dụng các mô hình, cách thức kinh doanh mới như ứng dụng nền tảng số. Đại dịch Covid-19 đã tác động nặng nề tới nhiều lĩnh vực, ngành nghề, đặc biệt là du lịch.

Toàn cảnh hội thảo.

TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM cho biết, trong bối cảnh đó, báo cáo đã đưa ra một số yêu cầu về phục hồi và cải cách thể chế trong thời gian tới, như: ổn định và phục hồi kinh tế vĩ mô, cải cách thể chế trong nước và hội nhập kinh tế quốc tế, vai trò của Nhà nước và không gian kinh tế cho khu vực tư nhân, thời điểm tiến hành cải cách... đã được nhìn nhận thấu đáo trong giai đoạn phục hồi tăng trưởng sau đại dịch.

Triển vọng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021-2030 được đánh giá dựa trên 3 kịch bản với các giải pháp: bình thường như hiện nay; nới lỏng tài khoá và tiền tệ; nới lỏng tài khoá và tiền tệ cùng với cải cách thể chế.

Theo đó, tăng trưởng GDP của 3 năm từ 2021-2023 ở Kịch bản 1 (Bình thường) lần lượt là 5,98%; 6,45%; 6,61%; trung bình cả giai đoạn 3 năm ở kịch bản này là 6,35%. Ở Kịch bản 2 (nới lỏng tài khoá và tiền tệ), GDP tăng lần lượt là 6,43%; 6,80% và 6,83%; trung bình cả 3 năm là 6,69%. Ở Kịch bản 3 (nới lỏng tài khoá và tiền tệ cùng với cải cách thể chế) GDP tăng lần lượt là 6,47%; 6,88% và 6,92% với trung bình cả giai đoạn 3 năm là 6,76%.

Viện trưởng CIEM nhận định, các kịch bản kinh tế trong thời gian sắp tới phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố, nhưng nếu Việt Nam vẫn tiếp tục kiểm soát thành công dịch bệnh, thì sẽ có sự tăng trưởng tốt, bất chấp bối cảnh kinh tế thế giới hoặc những vấn đề liên quan đến Covid-19 ở các nước khác khó khăn.

Thực hiện chiến lược tăng trưởng kinh tế đồng thời với kiểm soát dịch bệnh

Đề xuất lộ trình chính sách cho giai đoạn 2021-2023, TS. Nguyễn Anh Dương cho biết, cần tiếp tục phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp và người lao động, kết hợp với cải cách thể chế kinh tế trong năm 2021, đồng thời, kết hợp giải pháp phục hồi kinh tế và cải cách thể chế kinh tế trong năm 2022 và rút dần các giải pháp hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, tập trung vào cải cách thể chế kinh tế trong năm 2023.

“Nếu chỉ nới lỏng tài khoá và tiền tệ, tăng trưởng kinh tế sẽ cao hơn, song đi kèm với áp lực lạm phát lớn hơn. Nếu nới lỏng tài khoá và tiền tệ cùng với cải cách thể chế, tăng trưởng kinh tế sẽ cao hơn và đi kèm với cải thiện đáng kể về năng suất. Đây cũng là cách để phục hồi tăng trưởng nhanh và bền vững hơn, ngay cả khi kinh tế thế giới còn nhiều bất định”, TS. Nguyễn Anh Dương nhấn mạnh.

Theo TS. Trần Thị Hồng Minh, trong thời gian tới, sẽ có nhiều chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Đồng quan điểm, TS. Trần Thị Hồng Minh cũng cho rằng, về ngắn hạn hay dài hạn Việt Nam luôn phải thực hiện chiến lược tăng trưởng kinh tế đồng thời với kiểm soát dịch bệnh. Đối với với mục tiêu vừa phục hồi kinh tế vừa cải cách, đây là nhu cầu thiết yếu, nhưng cũng là sức ép tích cực không để gián đoạn cải cách bất chấp trong dịch bệnh, tất nhiên phải có sự cân đối. Trong năm 2020 vừa qua đã thấy rất rõ điều đó, khi chúng ta thực hiện các biện pháp phục hồi kinh tế, nhưng vẫn đẩy mạnh các cải cách liên quan đến thể chế, như: hoàn thiện các bộ luật, các nghị định liên quan đến tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp cũng như hoàn thiện các thể chế liên quan đến thúc đẩy phát triển kinh tế.

Về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, theo TS. Trần Thị Hồng Minh, từ nay đến cuối năm sẽ có rất nhiều những chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khi chúng ta đã thực thi hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU, ký kết hiệp định thương mại với Vương quốc Anh và một loạt các hiệp định thương mại tự do khác, đây là các cơ sở rất tốt để doanh nghiệp có thể mở rộng và thúc đẩy xuất khẩu, từ đó, đóng góp vào sự tăng trưởng chung cũng như sự phát triển của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, với những chính sách và cơ chế mới khi chúng ta thực hiện các nội dung của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030, thì 2021 sẽ là một năm bản lề, năm mở đầu để thực hiện những quy định, chính sách mới, trong đó có rất nhiều chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp./.

Hồng Ánh

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư