e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Dự báo kinh tế

Thúc đẩy phục hồi kinh tế và cải cách thể chế "hậu" Covid-19: Đề xuất nào cho Việt Nam?

21:03 | 21/04/2021 Print
- Những đề xuất này sẽ được công bố vào ngày mai 22/4, tại Hội thảo do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức với sự hỗ trợ của Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam.

Việt Nam, trước đại dịch COVID-19, vẫn kiên định với các yêu cầu bứt phá và ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô

Đại dịch COVID-19 từ đầu năm 2020 đã có những tác động bất lợi, sâu rộng, cả trực tiếp và gián tiếp đối với kinh tế toàn cầu.

Đến thời điểm tháng 3/2021, đại dịch vẫn có những diễn biến hết sức khó lường, cho dù nhiều nước đã bắt đầu quá trình phổ biến vắc xin. Dù vậy, các nước cũng cân nhắc nhiều giải pháp hơn, kể cả những gói kích cầu quy mô lớn chưa từng có tiền tệ, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, kích thích phục hồi kinh tế.

Một số yêu cầu chính sách quan trọng từ kinh nghiệm ứng xử của nhiều nền kinh tế với đại dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế bao gồm: (i) Bảo đảm hiệu quả phòng chống dịch COVID-19; (ii) Sản xuất, tiếp cận và phổ biến vắc xin; (ii) Đẩy nhanh ứng dụng công nghệ số; (iv) Cân nhắc thời điểm thực hiện các biện pháp kích cầu quy mô lớn và dư địa chính sách cần thiết; và (v) Thực hiện cải cách thể chế để tăng hiệu quả của các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế.

Báo cáo "Thúc đẩy phục hồi kinh tế và cải cách thể chế sau đại dịch Covid-19: Đề xuất cho Việt Nam” được thực hiện nhằm (i) Phân tích bối cảnh quốc tế và trong nước trước và trong đại dịch COVID-19; (ii) Phân tích và đánh giá tác động của COVID-19 tới tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam; (iii) phân tích một số yêu cầu về cải cách thể chế nhằm phục hồi và thúc đẩy kinh tế -xã hội sau đại dịch COVID-19; và (iv) Xác định định hướng và lộ trình chính sách cho phát triển giai đoạn 2021-2023.

Việt Nam đang bước vào giai đoạn chiến lược 2021-2030 với những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mới. Dù phải cân nhắc những kịch bản diễn biến dịch bệnh, Việt Nam cũng cần xây dựng một kế hoạch dài hơi nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế sau khi COVID-19 kết thúc.

Chính việc bảo đảm các chính sách phục hồi kinh tế và cải cách thể chế kinh tế song hành và hài hòa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, dù cũng là một yêu cầu rất thách thức. Với sự hỗ trợ của Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức Hội thảo công bố báo cáo “Thúc đẩy phục hồi kinh tế và cải cách thể chế sau đại dịch Covid-19: Đề xuất cho Việt Nam”.

Trao đổi với Tạp chí Kinh tế và Dự báo trước thềm Hội thảo, bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), Giám đốc Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam – Aus4Reform nhận định, đại dịch COVID-19 bùng phát đã làm trầm trọng thêm những rủi ro trên đối với kinh tế toàn cầu. Ở một mặt khác, đại dịch COVID-19 cũng buộc các nền kinh tế, dù phát triển hay đang phát triển, phải đẩy nhanh những cải cách thể chế, đặc biệt là gắn với tiếp cận Cách mạng Công nghiệp 4.0 và kinh tế số.

Mặc dù còn giữ sự thận trọng, tại thời điểm quý I/2021, triển vọng kinh tế thế giới được đánh giá lạc quan hơn so với tại thời điểm nửa đầu năm 2020. Việt Nam, trước đại dịch COVID-19, vẫn kiên định với các yêu cầu bứt phá và ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, cải cách sâu rộng kinh tế vi mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế.

Tư duy ban hành chính sách đã có những chuyển biến theo hướng tôn trọng tinh thần tự do kinh doanh, chuyển từ “chọn cho” sang “chọn bỏ” và được cụ thể hóa trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Việt Nam cũng nhấn mạnh việc tìm kiếm các động lực mới cho tăng trưởng kinh tế.

Công tác hội nhập kinh tế quốc tế có nhiều chuyển biến, nổi bật với việc ký kết CPTPP, EVFTA và EVIPA trong năm 2019.

Tuy vậy, cải cách và điều hành chính sách vẫn bộc lộ một số hạn chế như: cải cách nền tảng kinh tế vi mô mới chỉ tập trung vào gia nhập thị trường; động lực thực thi vẫn là một vấn đề cần cải thiện.

Kể từ đầu năm 2020, Việt Nam cũng đối mặt với hai làn sóng bùng phát của đại dịch COVID-19. Với phản ứng quyết liệt và khá sớm, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia được đánh giá là tương đối thành công trong kiểm soát COVID-19.

Công tác chỉ đạo và điều hành của Chính phủ đã thể hiện những bước chuyển phù hợp, linh hoạt, song kiên định với “mục tiêu kép”, vừa quyết liệt phòng chống dịch hiệu quả; vừa tập trung phục hồi và thúc đẩy sản xuất trong nước. Các cải cách về môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, v.v. tiếp tục có sự liền mạch với các năm trước. Các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế mới tiếp tục được nghiên cứu, cân nhắc, bên cạnh việc rà soát, điều chỉnh quy định liên quan đến tiếp cận một số gói hỗ trợ trước đó (về tín dụng, thuế, an sinh xã hội…).

Với việc tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh trong những tháng đầu năm 2021, các hoạt động kinh tế-xã hội trong cả nước tiếp tục đà phục hồi. Hoạt động tiêm vắc-xin đã dần được triển khai. Nhiều thảo luận xoay quanh mở lại các đường bay quốc tế, “hộ chiếu vắc-xin”... được đề cập gần đây nhằm hướng đến mở cửa trở lại nền kinh tế một cách an toàn, hay sự đồng bộ và bền 3 vững của chính sách hỗ trợ phục hồi một số ngành, lĩnh vực quan trọng cũng như tổng thể nền kinh tế.

Ngay trong bối cảnh đại dịch, Việt Nam vẫn chứng kiến những diễn biến khá sôi động về hội nhập kinh tế quốc tế (như phê chuẩn và thực thi EVFTA, EVIPA, UKVFTA hay ký kết RCEP) và những dấu ấn về hoạt động đối ngoại của Việt Nam như vai trò Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch AIPA 41 và Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.

Hội thảo “Thúc đẩy phục hồi kinh tế và cải cách thể chế sau đại dịch COVID-19: Đề xuất cho Việt Nam” nhấn mạnh lại thông điệp phục hồi kinh tế phải song hành với cải cách thể chế kinh tế ở Việt Nam. Những đề xuất định hướng và giải pháp liên quan đến phục hồi kinh tế; cải cách thể chế; độ mở cho hoạt động kinh tế mới; hội nhập kinh tế quốc tế; và phát triển bền vững cũng được cụ thể hóa, cùng với yêu cầu phải thực hiện hài hòa, thống nhất trong thời gian tới.

“Mặc dù được đánh giá là một trong số ít các quốc gia thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh, tạo tiền đề cho phục hồi và thúc đẩy sản xuất trong nước, tái mở cửa kinh tế một cách an toàn, Việt Nam cũng cần xây dựng một kế hoạch dài hơi hơn, tránh rủi ro “cạn kiệt” không gian chính sách và giảm động lực cải cách thể chế kinh tế. Dưới góc nhìn của chúng tôi, nếu nền kinh tế chậm phục hồi, cải cách thể chế kinh tế cũng sẽ thiếu sự đồng thuận và động lực cần thiết và/hoặc không tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế”, bà Minh nhấn mạnh.

Theo đó, Hội thảo cũng trao đổi về đề xuất lộ trình chính sách cho giai đoạn 2021-2023, cụ thể: (i) Tiếp tục phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp và người lao động, kết hợp với cải cách thể chế kinh tế trong năm 2021; (ii) Kết hợp giải pháp phục hồi kinh tế và cải cách thể chế kinh tế trong năm 2022; và (iii) Các giải pháp hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, tập trung vào cải cách thể chế kinh tế trong năm 2023./.

Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) do Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) tài trợ sẽ hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện các mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng nâng cao năng suất lao động, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế hướng tới phát triển nhanh, bền vững. Chương trình được thực hiện trong thời gian 4 năm, từ 2017 đến 2021.

Phương Anh

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư