e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện

Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay giảm nhẹ

17:29 | 22/04/2021 Print
- Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện nay, đến ngày 16/4/2021, tín dụng toàn ngành ngân hàng tăng 3,34% so với cuối năm 2020, tăng 15,02% so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay giảm nhẹ so với trước đó.

Mức giảm nhẹ, như thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đó là lãi suất huy động và cho vay tháng 02/2021 giảm khoảng 0,1%/năm so với tháng 12/2020. Về phía NHNN, ông Hà khẳng định việc giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận ngồn vốn từ NHNN với chi phí thấp, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay.

Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ cho biết, NHNN sẽ kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro

Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp cả trong và ngoài nước, quý I/2021 kinh tế tiếp tục đà phục hồi và tăng 4,48%, cao hơn mức tăng của cùng kỳ quý I/2020 (tăng 3,68%); xuất khẩu tăng cao, xuất siêu đạt 2,79 tỷ USD, giải ngân FDI tăng trở lại, đầu tư tư nhân và tiêu dùng cải thiện đáng kể. Lạm phát ổn định, bình quân quý I/2021 là 0,29%, thấp hơn đáng kể so với mục tiêu cả năm khoảng 4%. Năm 2021, Chính phủ đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5%. Các tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng Việt Nam trong khoảng khá rộng 6,1-8,6%, dựa trên kỳ vọng dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt như hiện nay, đồng thời kinh tế thế giới phục hồi khi các Chính phủ đẩy mạnh phổ quát vắc-xin các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế tiếp tục được duy trì.

Mặc dù dự báo trên khá lạc quan, nhưng theo Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ, mức tăng trưởng kinh tế quý I/2021 cho thấy còn rất nhiều khó khăn, thách thức để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 6,5%, nhất là trong điều kiện dịch bệnh diễn biến khó lường, tiến trình tiêm vắc - xin chưa thể đẩy nhanh tại Việt Nam; trong đó một số ngành dịch vụ sẽ tiếp tục khó khăn (du lịch, lưu trú, vận tải…); thu nhập, việc làm của bộ phận không nhỏ người lao động bị ảnh hưởng tiêu cực từ khi Covid-19 bùng phát.

Trong khi đó, từ đầu năm 2021, với kỳ vọng phục hồi kinh tế và xu hướng tăng mạnh của giá nguyên liệu thô thế giới, giá lương thực, thực phẩm, vận tải đều trong xu hướng tăng, các quốc gia, đặc biệt là một số nước đang phát triển ngày càng lo ngại rủi ro lạm phát khi quý I/2021, một số NHTW các nước này bắt đầu tăng lãi suất.

Trong bối cảnh đó, NHNN điều hành chính sách tiền tệ theo định hướng “vừa chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế”. Đến ngày 16/4/2021, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 2,90% so với cuối năm 2020 và tăng 15,66% so với cùng kỳ 2020. Ông Hà cũng cho biết, nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát, căn cứ mục tiêu tăng trưởng kinh tế và lạm phát do Quốc hội và Chính phủ đặt ra, NHNN xây dựng chỉ tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng toàn ngành khoảng 12%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. NHNN đã thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng. Đến ngày 16/4/2021, tín dụng toàn ngành tăng 3,34% so với cuối năm 2020, tăng 15,02% so với cùng kỳ năm 2020.

Cũng theo ông Hà, điều hành lãi suất phù hợp với điều hành cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ tạo điều kiện giảm chi phí vốn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế sẽ là định hướng chủ đạo của NHNN trong thời gian tới. NHNN cũng sẽ điều hành tín dụng theo chỉ tiêu định hướng, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro./.

Hồng Lĩnh

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư