e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Dự báo kinh tế

Quý II, tiền vào trái phiếu doanh nghiệp sẽ nhiều hơn quý I

18:49 | 29/04/2021 Print
- Dù hơn 50% trái phiếu không có tài sản đảm bảo hoặc chỉ đảm bảo bằng cổ phiếu, nhưng quý I vừa qua, các doanh nghiệp vẫn huy động được 37,4 nghìn tỷ đồng từ công cụ này. Dự báo của CTCK SSI cho rằng, quý II, dòng tiền chảy vào trái phiếu sẽ nhiều hơn quý I/2021.

Quỹ đầu tư trái phiếu TCBF giảm dần thị phần

Đánh giá của SSI cho biết, nhà đầu tư cá nhân giảm mua trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trên thị trường sơ cấp do chịu tác động từ quy định về điều kiện đầu tư trái phiếu phát hành riêng lẻ phải là NĐT chứng khoán chuyên nghiệp. Tỷ trọng đầu tư của NĐT cá nhân giảm từ 19,7% (quý I/2020) xuống mức 4,1% (quý I/2021). Trong đó, NĐT cá nhân mua 412 tỷ đồng trái phiếu phát hành ra công chúng và 1.117 tỷ đồng trái phiếu phát hành riêng lẻ. Đáng chú ý là các công ty chứng khoán mua 7,5 nghìn tỷ TPDN trên thị trường sơ cấp, chiếm 20% lượng phát hành quý I, trong đó có 5,3 nghìn tỷ đồng trái phiếu bất động sản; 1,1 nghìn tỷ trái phiếu năng lượng; 1 nghìn tỷ đồng trái phiếu ngân hàng.

Các CTCK là trung gian phân phối TPDN tích cực nhất trên thị trường, nên diễn biến này cho thấy thị trường TPDN thứ cấp vẫn đang hết sức sôi động.

Tổng giá trị tài sản ròng của các quỹ đầu tư trái phiếu Việt Nam tăng từ 16,37 nghìn tỷ đồng tại cuối năm 2019 lên 27,32 tỷ đồng tại cuối năm 2020, tương ứng mức tăng trưởng tới 67%/năm. Trong quý I/2021, các quỹ đầu tư trái phiếu tiếp tục hút tiền, giá trị tài sản ròng tại cuối quý đã tăng lên mức 32,5 nghìn tỷ đồng, tăng 19% so với cuối năm 2020. Tiếp cận kênh đầu tư trái phiếu gián tiếp thông qua mua chứng chỉ quỹ trái phiếu là lựa chọn hợp lý cho các cá nhân nhỏ lẻ khi quy định điều kiện đầu tư trái phiếu riêng lẻ siết chặt (giá trị đầu tư tối thiểu 2 tỷ đồng, thu nhập chịu thuế năm gần nhất tối thiểu 1 tỷ đồng…) thì giá trị đầu tư tối thiểu vào chứng chỉ quỹ trái phiếu chỉ từ 1 đến 3 triệu đồng, thậm chí có quỹ còn quy định mức tối thiểu là 10.000 đồng.

Quỹ đầu tư trái phiếu TCBF của CTCP Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) vẫn là quỹ trái phiếu lớn nhất trên thị trường, nhưng thị phần tính theo tổng giá trị tài sản ròng đang giảm dần từ 93,5% (31/12/2019) xuống 88,3% (31/12/2020) và còn 86% (31/3/2021). Hầu hết các quỹ trái phiếu đều tăng tăng quy mô trong quý I/2021, trong đó 3 quỹ tăng trưởng mạnh và có tổng tài sản ròng đứng ngay sau TCBF là: quỹ đầu tư trái phiếu SSI (SSIBF); Quỹ Đầu Tư Trái Phiếu Bảo Thịnh VinaWealth (VFF); Quỹ đầu tư Trái phiếu Việt nam (VFMVFB).

Dự báo thị trường TPDN quý II/2021

Lượng phát hành trong quý II/2021 nhiều khả năng sẽ cao hơn do quý I thường là quý thấp điểm phát hành trong năm do có Tết Nguyên đán và là giai đoạn xây dựng kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính của các doanh nghiệp. Lượng phát hành quý 2 các năm 2019 và 2020 đều tăng 111-160% so với quý liền trước. Có nhiều hơn các doanh nghiệp lựa chọn phát hành ra công chúng trong đó có một số đợt phát hành trái phiếu quốc tế. Các doanh nghiệp niêm yết vốn đã tuân thủ các yêu cầu về kinh doanh có lãi và công bố thông tin nên việc chuyển từ hình thức phát hành riêng lẻ sang phát hành ra công chúng sẽ không quá khó khăn. Bởi vậy, lượng phát hành ra công chúng kỳ vọng sẽ tăng khá.

Một số doanh nghiệp cũng đã/đang tiến hành phát hành trái phiếu quốc tế: Vingroup đã phát hành thành công 500 triệu USD trái phiếu niêm yết và giao dịch tại SGD chứng khoán Singapore vào ngày 13/4/2021, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) dự kiến phát hành tối đa 500 triệu USD trái phiếu quốc tế chia làm 2 đợt (300 triệu USD kỳ hạn 3-5 năm và 200 triệu USD trái phiếu tăng vốn cấp 2).

Dải lãi suất huy động vốn của TOP 10 doanh nghiệp huy động được nhiều nhất quý I

Các doanh nghiệp bất động sản vẫn là tổ chức phát hành lớn nhất và lãi suất phát hành có thể tăng lên Tín dụng bất động sản tại cuối quý 1/2021 đạt 1,85 triệu tỷ đồng – tăng 3% so với cuối năm 2020 và cao hơn mức tăng trưởng chung của toàn ngành (2,93%). Đại diện NHNN cho biết sẽ kiểm soát chặt tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán. Bởi vậy, nhu cầu huy động vốn qua kênh trái phiếu của các doanh nghiệp BĐS vẫn khá cao, đặc biệt là các doanh nghiệp hạn chế về tài sản đảm bảo cho các khoản vay. Lãi suất trái phiếu BĐS có thể nhích tăng và sẽ hấp dẫn hơn so với các nhóm trái phiếu khác nhưng NĐT nên hết sức thận trọng vì thị trường BĐS đang khá nóng, lượng trái phiếu không có TSĐB hoặc đảm bảo bằng cổ phiếu cũng đang tăng lên sẽ gia tăng rủi ro cho nhà đầu tư.

Thị trường thứ cấp có thể có biến động nhất định vào cuối quý

Chúng tôi cho rằng mặt bằng lãi suất tiền gửi sẽ vẫn ổn định trong quý II, nhưng sẽ nhích tăng trong nửa sau của năm 2021. Với các nhà đầu tư trái phiếu dài hạn, mức tăng từ 30-50bps của lãi suất tiền gửi có thể không ảnh hưởng đáng kể do chênh lệch lãi suất giữa đầu tư tiền gửi và trái phiếu vẫn khá cao. Tuy nhiên, với các nhà đầu tư trái phiếu ngắn hạn (thời hạn nắm giữ kỳ vọng dưới 1 năm), lãi suất tiền gửi biến động sẽ ảnh hưởng khá mạnh đến giá trái phiếu do lãi suất chiết khấu để tính giá bán trên thị trường thứ cấp sẽ biến động theo, trái phiếu có kỳ hạn càng dài thì càng biến động lớn. Khối phân tích SSI cho rằng, các nhà đầu tư cũng cần xem xét phân bổ danh mục tài sản đầu tư, kỳ hạn đầu tư cho phù hợp.

Được biết, năm 2020, tổng khối lượng TPDN phát hành là 463,7 nghìn tỷ đồng, tăng 51,3% so với năm 2019. Các doanh nghiệp bất động sản phát hành 191,4 nghìn tỷ đồng – chiếm tỷ trọng lớn nhất (41,3%); tiếp theo là nhóm ngân hàng phát hành 130,5 nghìn tỷ đồng (28,2%); năng lượng và khoáng sản phát hành 40,6 nghìn tỷ đồng (8,8%); định chế tài chính khác phát hành 11,3 nghìn tỷ đồng (2,4%); phát triển hạ tầng phát hành 8,8 nghìn tỷ đồng (1,9%); còn lại là các doanh nghiệp khác./.

Hồng Lĩnh

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư