e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Dự báo kinh tế

Giá lương thực tăng cao, triển vọng doanh nghiệp nào sẽ tốt?

08:47 | 02/05/2021 Print
- Đại dịch Covid-19 đã buộc nhiều quốc gia phải tăng cường dự trữ lương thực, đặc biệt là gạo. Tuy nhiên, nguồn cung đang có dấu hiệu thắt chặt ở các nước xuất khẩu gạo và các nước nhập khẩu cũng đang đẩy mạnh nhập khẩu để dự phòng, từ đó đẩy giá gạo lên cao. Giá lương thực toàn cầu tăng tháng thứ 10 liên tiếp và dự kiến còn tiếp tục tăng.

Giá gạo tiếp tục tăng sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh trong ngành gạo được hưởng lợi

Theo tổ chức Lương thực Quốc tế (FAO), chỉ số giá lương thực toàn cầu tăng 2,1% trong tháng 3/2021 và ở mức cao nhất kể từ tháng 6/2014. Nguồn cung bị gián đoạn, tỷ lệ dự trữ nông sản thấp và đồng USD suy yếu có thể là nguyên nhân khiến giá lương thực tăng cao gần đây. Phân tích của Công ty Chứng khoán VNDirect cho biết, xu hướng giá tăng dự kiến sẽ tiếp tục do triển vọng mùa vụ năm 2021 bị ảnh hưởng bởi thời tiết bất lợi và sự phục hồi nhanh hơn kỳ vọng tại Trung Quốc thúc đẩy nhu cầu về lương thực tăng cao.

Phân tích cụ thể hơn, VNDirect cho rằng, giá gạo tiếp tục tăng sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh trong ngành gạo được hưởng lợi nếu có hàng tồn kho giá thấp. Cụ thể, đối với Công ty cổ phần Lộc Trời (LTG), công ty đã có các đơn hàng cố định trong nước và quốc tế vào tháng 2, 6 và 9 hàng năm, do đó kỳ vọng giá gạo thế giới tăng sẽ hỗ trợ cho doanh thu xuất khẩu của công ty và cải thiện biên lợi nhuận mảng gạo. Bên cạnh đó, trong năm 2021, LTG sẽ tập trung vào các đơn hàng xuất khẩu sang EU với mặt hàng gạo thơm Jasmine 85 để được hưởng ưu đãi thuế 0% trong khuôn khổ hiệp định EVFTA.

Với doanh nghiệp sản xuất đường gồm Đường Quảng Ngãi (QNS), Đường Tây Ninh (SBT) và Đường Sơn La (SLS), Tổ chức Đường quốc tế (ISO) dự báo thị trường đường thế giới trong niên vụ 2020-2021 sẽ chuyển từ tình trạng cung vượt cầu sang cung không đủ cầu với mức thiếu hụt là 3,5 triệu tấn. Do vậy, giá đường thế giới sẽ tiếp tục xu hướng tăng trong năm 2021. VNDirect cho rằng, các doanh nghiệp sản xuất đường như QNS có thể tận dụng xu hướng tăng giá đường và mở rộng biên lợi nhuận gộp mảng kinh doanh này do QNS có quy mô lớn thứ hai về vùng nguyên liệu mía để sản xuất đường. Trong khi đó, việc áp dụng thuế chống bán phá giá đối với đường Thái Lan cũng sẽ làm giúp giảm áp lực cạnh tranh đối với công ty và tăng giá bán đường trong nước.

Về ảnh hưởng tiêu cực, VNDirect cho rằng, các công ty sản xuất sữa, thức ăn chăn nuôi, dầu ăn và thịt có thể bị ảnh hưởng. Hầu hết các doanh nghiệp tại Việt Nam phải nhập khẩu sữa bột, ngũ cốc và dầu để sản xuất sữa, thức ăn chăn nuôi và dầu ăn. Do đó, VNDIRECT cho rằng các nhà sản xuất này sẽ gặp phải thách thức về chi phí nguyên liệu đầu vào cao hơn. Giá thức ăn chăn nuôi tăng có ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất thịt trong khi giá lợn hơi được dự báo sẽ giảm 19% so với cùng kỳ vào năm 2021, so với mức cao trong giai đoạn dịch Tả lợn Châu Phi./.

Hồng Lĩnh

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư