Doanh thu bán lẻ và dịch vụ tháng 4 tăng mạnh so với cùng kỳ 2020

10:45 | 04/05/2021 Print
- Tổng cục Thống kê cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Tư tăng 30,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4/2021 ước tính đạt 409,4 nghìn tỷ đồng, tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 30,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 324,2 nghìn tỷ đồng, tăng 1,9% và tăng 22,2%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 41,5 nghìn tỷ đồng, tăng 5,8% và tăng 92,3%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 899,6 tỷ đồng, tăng 9,6% và gấp 17,5 lần; doanh thu dịch vụ khác đạt 42,8 nghìn tỷ đồng, tăng 1,8% và tăng 66%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Tư tăng mạnh 30,9% nhờ kiểm soát tốt dịch Covid-19

Như vậy tính chung 4 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1.695,6 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 giảm 2,8%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,03% (cùng kỳ năm 2020 giảm 7,76%).

Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 4 tháng ước tính đạt 1.352,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 79,8% tổng mức và tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 tăng 1,3%). Trong đó, nhóm hàng may mặc tăng 11,8%; lương thực, thực phẩm tăng 11,5%; phương tiện đi lại tăng 11,1%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 9,5%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 5,2%.

Một số địa phuong có doanh thu bán lẻ hàng hóa 4 tháng đầu năm cao so với cùng kỳ năm trước như Vĩnh Phúc tăng 24%; Hà Tĩnh tăng 17%; Hải Phòng tăng 9,5%; Hà Nội và Cần Thơ cùng tăng 8,4%; Đà Nẵng tăng 8%; thành phố Hồ Chí Minh
tăng 5,3%.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 4 tháng đầu năm ước tính đạt 164,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 9,7% tổng mức và tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 giảm 20,3%) do các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn uống đã hoạt động trở lại khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt và nhu cầu dịch vụ lưu trú, ăn uống của người dân tăng cao. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 4 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương có mức tăng cao gồm Cần Thơ tăng 45,4%; Thanh Hóa tăng 44,4%; Hải Phòng tăng 26,8%; Đà Nẵng tăng 26,7%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 26,3%; Khánh Hòa tăng 13,5%; Quảng Ninh tăng 6,7%.

Doanh thu du lịch lữ hành 4 tháng đầu năm ước tính đạt 4 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,2% tổng mức và giảm 49,2% so với cùng kỳ năm trước do Việt Nam tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, chưa mở cửa du lịch quốc tế đồng thời người dân vẫn lo lắng về dịch bệnh nên hạn chế đi du lịch. Một số địa phương có doanh thu du lịch lữ hành 4 tháng tăng so với cùng kỳ năm trước là Thanh Hóa tăng 34,1%; Kiên Giang tăng 33%; Hải Phòng tăng 15%; Cần Thơ tăng 14,8%. Đáng chú ý, một số thành phố lớn giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước như Hà Nội giảm 8,7%; Đà Nẵng giảm 45%; Hồ Chí Minh giảm 46%.

Doanh thu dịch vụ khác 4 tháng đầu năm ước tính đạt 174,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,3% tổng mức và tăng 15% so với cùng kỳ năm trước do tháng 4/2020 một số lĩnh vực như giáo dục, vui chơi giải trí tạm ngừng hoạt động, trong đó doanh thu của Hải Phòng tăng 29,7%; Quảng Ninh tăng 27,1%; Cần Thơ tăng 21,9%; Hà Nội tăng 18,7%; Bình Định tăng 14,5%; Đà Nẵng tăng 14,2%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 5%; Khánh Hòa giảm 11,1%./.

Hiếu Phương

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư