e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Dự báo kinh tế

Chủ tịch Green+ Đặng Đức Thành: Điểm yếu của DN Việt Nam là quá phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng

17:32 | 07/05/2021 Print
- Trong khi đó, thị trường tín dụng đang bị “quá tải” do vừa phải lo cung ứng nguồn vốn ngắn hạn, vừa phải lo cung ứng nguồn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế và doanh nghiệp (DN).

Chủ tịch Tập đoàn đầu tư tài chính Green+ Đặng Đức Thành đã khẳng định như vậy tại Hội thảo: “Giải pháp huy động nguồn vốn cho DN trong bối cảnh mới” ngày 07/5/2021 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kết hợp với Câu lạc bộ các nhà kinh tế (VEC) và Tập đoàn Green+ tổ chức.

Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư Tài chính Green+ phát biểu tại hội thảo

DN đang quá phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng

Chủ tịch Green+ Đặng Đức Thành đã thẳng thắn chỉ ra điểm yếu bất cập hiện nay của DN Việt Nam là phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn vay ngân hàng. Trong khi đó, thị trường tín dụng đang bị “quá tải” do vừa phải lo cung ứng nguồn vốn ngắn hạn, vừa phải lo cung ứng nguồn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế và DN.

Do tiềm lực của các ngân hàng Việt Nam còn hạn chế, để bảo đảm có nguồn vốn trung và dài hạn, các ngân hàng buộc phải đi vay (chủ yếu từ dân cư) nguồn vốn ngắn hạn, lấy nguồn huy động ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn.

“Điều này chứa đựng nguy cơ rất lớn cho cả ngân hàng, DN và nền kinh tế”, ông Thành nhận định.

Nguy cơ ở phía DN là ở khía cạnh phải vay lãi suất cao, chi phí vốn cao dẫn đến hiệu quả sinh lời thấp; mặt khác việc phụ thuộc quá lớn vào nguồn vốn vay ngân hàng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động của DN trong trường hợp nguồn vay bị hạn chế hoặc gián đoạn.

Tìm cách huy động nguồn vốn trong bối cảnh đại dịch Covid-19

Huy động nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh là một trong những vấn đề rất quan trọng, có tính chất sống còn đối với DN, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã và đang có tác động rất nghiêm trọng tới nền kinh tế nói chung và cộng đồng DN nói riêng.

Theo TS. Cấn Văn Lực, hiện nay, các hình thức huy động được áp dụng gồm:

(i) Huy động từ vốn tín dụng ngân hàng: Ngân hàng thương mại có thể cung cấp vốn tín dụng tương ứng với thời gian và quy mô mà DN có nhu cầu vay dưới các hình thức như vay ngắn hạn, trung hạn, dài hạn, vay có đảm bảo (tín chấp, thế chấp), vay trả góp...

(ii) Phát hành trái phiếu;

(iii) Huy động từ vốn tín dụng thương mại: Hình thành trong quan hệ mua bán chịu giữa các DN với nhau;

(iv) Nguồn vốn từ hoạt động cho thuê tài chính, đây là phương thức tài trợ tín dụng trung hạn hay dài hạn không thể huỷ ngang theo đó người cho thuê cam kết mua tài sản, thiết bị theo yêu cầu của người đi thuê. Như vậy, người cho thuê nắm giữ quyền sở hữu hợp pháp, còn người đi thuê ngoài các lợi ích như gia tăng năng lực sản xuất, tiết kiệm thời gian và công sức để hoàn thành thủ tục mua tài sản nếu không đi thuê tài chính, còn giải quyết vấn đề đổi mới công nghệ...

(v) Quỹ đầu tư mạo hiểm: Vốn đầu tư mạo hiểm là khoản đầu tư do những tổ chức chuyên môn hoá thực hiện tới những công ty hoặc DN tăng trưởng cao, rủi ro cao và thường là có công nghệ cao đang cần vốn để tài trợ phát triển sản phẩm hoặc tăng trưởng;

(vi) Nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước;

(vii) Các nguồn chiếm dụng hợp pháp khác như tiền lương, bảo hiểm xã hội, tiền thuế chưa nộp, các khoản thanh toàn khác...

Với cơ cấu nguồn vốn trên, việc huy động vốn của DN dựa chủ yếu vào hai kênh dẫn vốn qua thị trường tiền tệ (với vai trò chủ yếu của ngân hàng) và thị trường vốn (gồm cả thị trường trái phiếu và thị trường cổ phiếu), do đó, sự phát triển của thị trường tài chính được xem là giải pháp thiết yếu hỗ trợ nguồn vốn cho các DN trong nền kinh tế thị trường.

“Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 nguồn vốn của DN cần xem xét lại ở cả góc độ cơ cấu, mục tiêu và cách thức huy động vốn”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Theo ông Lực, trong giai đoạn hiện nay, nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước được xem là kênh huy động hiệu quả nhất thông qua các gói hỗ trợ, kích thích nền kinh tế của Chính phủ và thực tế đây cũng đang là giải pháp mà hầu hết các nước đang thực hiện để giải bài toán nguồn vốn cho DN.

Một số DN trong 1 số lĩnh vực, ngành nghề khó khăn, khó đáp ứng điều kiện tín dụng ngân hàng, nên tính đến thuê tài chính, tài trợ chuỗi cung ứng… Lãi suất đang ở mức thấp, nhiều tổ chức tín dụng có các gói tín dụng.

Điều đáng lưu ý, theo vị chuyên gia này là công nghệ số thay đổi nhanh chóng, sản phẩm mới, mô hình đầu tư kinh doanh mới ra đời (Fintech, proptech, huy động vốn cộng đồng…); Uy tín, vị thế của Việt Nam đang lên, xếp hạng tín nhiệm triển vọng “tích cực”… là những cơ hội huy động vốn từ nước ngoài…

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng cho rằng, huy động vốn cũng còn nhiều thách thức. Đó là triển vọng phục hồi kinh tế còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; khiến khẩu vị rủi ro của các định chế tài chính chặt chẽ hơn. Quy mô thị trường vốn vẫn còn khá nhỏ so với các nước trong khu vực, thiếu tính ổn định. Các sản phẩm còn ít, chưa đa dạng; tính minh bạch, chuyên nghiệp, tuân thủ chưa cao trong khi chế tài chưa đủ sức răn đe. Hạn chế về hạ tầng dẫn đến tình trạng nghẽn lệnh, ảnh hưởng đến thanh khoản, niềm tin vào thị trường.

Đặc biệt, theo ông Lực, hiện đang có rủi ro bong bóng trên thị trường do lượng vốn từ các nhà đầu tư mới (F0) chưa có nhiều kiến thức về thị trường chứng khoán; Nền tảng nhà đầu tư chưa bền vững, chưa đa dạng (chủ yếu là cá nhân hay 1 số nhà đầu tư tổ chức, chưa có quỹ hưu trí, REIT…).

Toàn cảnh Hội thảo

Cần tái cơ cấu nguồn vốn

“Chúng ta phải tự cứu mình, các DN cần cấu trúc lại, đặc biệt là tái cơ cấu nguồn vốn”, ông Đặng Đức Thành nhấn mạnh. Theo chuyên gia này, việc xác định cơ cấu vốn tối ưu cần tránh cả hai khuynh hướng:

Thứ nhất, ngại việc vay vốn do lo sợ hệ số nợ quá cao, rủi ro tài chính, chỉ quan tâm sử dụng nguồn vốn chủ sở hữu để bảo đảm an toàn, dẫn đến mất cơ hội đầu tư kinh doanh, mở rộng sản xuất, không tận dụng được lợi thế từ “lá chắn thuế” mang lại. Đối với các DN nhà nước càng cần lưu ý vấn đề này do tâm lý ỷ lại ở cơ chế “xin- cho” để bổ sung nguồn vốn chủ sở hữu từ ngân sách nhà nước.

Thứ hai là sự quá dễ dãi trong việc vay vốn, huy động vốn từ bên ngoài và sử dụng vốn vay “vô tội vạ” để đầu tư mở rộng sản xuất- kinh doanh bất chấp các giới hạn an toàn, dẫn đến không có khả năng trả nợ.

“DN cần thay đổi thói quen sử dụng nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng, phải tự huy động thêm nguồn vốn, phải tái cấu trúc lại nguồn vốn và sử dụng vốn theo hướng phát triển bền vững”, ông Thành nhấn mạnh.

Cùng với đó là cần đa dạng hóa các hình thức huy động vốn. Trong bối cảnh mới dưới tác động mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp 4.0 và các yếu tố bất ổn, khó lường của nền kinh tế thế giới và khu vực, DN Việt Nam cần thực hiện tái cấu trúc mạnh mẽ để tồn tại và phát triển, trong đó tái cấu trúc vốn là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng. Giải pháp cơ bản để tái cấu trúc vốn là huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán.

“Đây là giải pháp có tính quyết định, mang lại hiệu quả rất to lớn, bền vững, lâu dài cho DN”, Chủ tịch Green+ khẳng định.

Trong cuộc đời nhiều năm làm CEO ở các tập đoàn, tổng công ty lớn, ông Thành thấy rằng, phát hành trái phiếu DN chính là hình thức huy động vốn rất phổ biến trên thế giới, tuy nhiên ở Việt Nam hình thức huy động này còn rất hạn chế.

“Đối với những DN có quy mô nhỏ, khó có thể phát hành trái phiếu, có thể cân nhắc tìm đến những quỹ đầu tư hoặc các công ty đầu tư mạo hiểm vì đây là những trung gian tài chính sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm đầu tư vào các DN nhỏ và vừa, nhất là các DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các mô hình kinh doanh mới nếu các dự án của DN có tính khả thi cao”, ông Thành chia sẻ kinh nghiệm.

Cùng với việc phát hành trái phiểu, ông Thành cho rằng, việc phát hành cổ phần để huy động vốn có rất nhiều ưu điểm, giúp DN có thể huy động được lượng vốn lớn để mở rộng và phát triển DN.

Ngoài ra, các DN cần tận dụng các hình thức huy động vốn khác như thuê tài sản hoặc các hình thức tài trợ thương mại quốc tế. “Đây là biện pháp hữu ích đối với các DN xuất nhập khẩu, giúp hạn chế rủi ro trong giao dịch và thanh toán quốc tế, đồng thời giúp cho DN chủ động tránh khỏi những thiếu hụt tạm thời về vốn lưu động trong quá trình hoạt động kinh doanh”, Chủ tịch Green+ lưu ý.

Minh bạch, minh bạch và minh bạch

Ở góc độ khác, TS. Cấn Văn Lực khuyên các DN cần minh bạch hoạt động và báo cáo tài chính. Cần thiện chí hợp tác, phối hợp với định chế tài chính trong cung cấp thông tin, cơ cấu lại nợ và xây dựng phương án kinh doanh phù hợp.

Cùng với đó, theo ông Lực, DN cần đa dạng hóa nguồn vốn, ứng dụng công nghệ thông tin tính toán cấu trúc vốn tối ưu (optimal capital structure); Chủ động tăng hiểu biết về tài chính-tín dụng, bảo lãnh và các chính sách hỗ trợ DN (nên có chuyên viên về quản lý tài chính/vốn); Tăng cường liên kết (ngang và dọc) cùng chia sẻ khó khăn, cơ hội; chủ động, quyết liệt tham gia chuỗi giá trị (nhất là liên kết DN FDI).

“Nâng cao chất lượng quản trị DN và quản lý rủi ro bài bản hơn; xây dựng và thực thi chiến lược “Kinh doanh số”. Bản thân DN cũng cần thay đổi tư duy, quản trị điều hành và văn hóa kinh doanh (minh bạch và chuẩn mực)…”, ông Lực đưa ra lời khuyên với các DN.

Đồng tình với TS. Lực, ông Đặng Đức Thành cũng chỉ rõ, nếu thiếu minh bạch thì huy động vốn sẽ rất khó khăn.

Ông Thành cũng cho rằng, chất lượng quản trị tốt sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của DN, giúp DN nâng cao khả năng tiếp cận các nguồn vốn vay từ ngân hàng và các tổ chức tín dụng và huy động vốn trên thị trường chứng khoán thông qua phát hành cổ phiếu và trái phiếu DN.

“DN cần thiết lập một chuẩn mực quản trị hiện đại và điều hành phù hợp với chuẩn mực quốc tế, đồng thời tăng cường vai trò của ban kiểm soát và các cơ quan chuyên môn như bộ phận kiểm toán nội bộ, bộ phận tái cấu trúc vốn, giám đốc tài chính và bộ phận tài chính – kế toán. Thực hiện chuẩn hóa chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) theo chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS). Xây dựng chính sách quản trị rủi ro và nâng cao khả năng quản trị rủi ro của DN”, người đứng đầu Green+ nhấn mạnh./.

Phương Anh

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư