Không một người Việt Nam nào an toàn khi cả nước chưa an toàn

17:02 | 10/05/2021 Print
- Không một quốc gia nào an toàn khi cả thế giới chưa an toàn. Không một người Việt Nam nào an toàn khi cả nước chưa an toàn. Mỗi người phải trách nhiệm trước hết với mình và người thân của mình, sau đó là với đất nước, với cộng đồng. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh tại cuộc họp sáng 10/5.

Chuẩn bị sẵn sàng phương án 30.000 người mắc

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, chúng ta đang ở trong tình trạng nguy cơ rất cao, khả năng lây nhiễm mạnh. Các trường hợp tiếp xúc trong môi trường kín gần như đều bị lây nhiễm… Muốn chuyển tâm thế chống dịch sang “chủ động tấn công” phải phát hiện sớm nguồn lây nhiễm bằng cách đẩy mạnh xét nghiệm tầm soát, sàng lọc nguồn bệnh.

“Chúng ta phải coi xét nghiệm là trọng tâm, trọng điểm phải làm trong lúc này. Tại các khu vực có nguy cơ dịch bệnh lây nhiễm cao như: Cơ sở khám chữa bệnh, chợ, siêu thị, nhà máy, nơi lưu trú, khu vực tập trung đông người,… phải thực hiện xét nghiệm sàng lọc, phát hiện sớm để ngăn chặn dịch bệnh”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện có trên 300 giường bệnh trở lên phải có một phòng xét nghiệm khẳng định Realtime-PCR, qua đó, tăng khả năng mua sắm với tất cả cơ sở y tế trên toàn quốc, đáp ứng nhu cầu xét nghiệm.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo chúng ta phải tiếp tục tinh thần chống dịch như lúc chưa có vaccine

Tại cuộc họp sáng ngày 10/5/2021, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ Y tế có ngay phương án hỗ trợ, tăng cường năng lực xét nghiệm cho các địa phương, đặc biệt là đánh giá ngay hiệu quả các công nghệ xét nghiệm mới, từ đó đưa ra phương án, chiến lược xét nghiệm phù hợp với từng tình huống, điều kiện thực tế nhằm sàng lọc, đánh giá dịch tễ trên địa bàn sớm nhất, tiết kiệm nhất.

Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, hiện nay các địa phương mới chỉ chuẩn bị vật tư, trang thiết bị y tế, máy móc, thuốc men… phục vụ phòng chống dịch ở thời điểm hiện tại. Chúng ta phải dự trù, lường trước các kịch bản xấu hơn có thể xảy ra là tình huống cả nước có tới 30.000 ca nhiễm, trên cơ sở đó chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng ứng phó.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn đề nghị, trên cơ sở kịch bản 30.000 ca mắc COVID-19, Bộ Y tế giao chỉ tiêu, phân vùng cụ thể để các địa phương chủ động mua sắm theo thẩm quyền. Nếu khó khăn về kinh phí, sử dụng quỹ dự phòng mà thiếu thì báo cáo Bộ Tài chính để bố trí, bảo đảm đầy đủ kinh phí phục vụ phòng, chống dịch.

Ban Chỉ đạo yêu cầu ngay trong tuần này Bộ Y tế phải hoàn thiện phương án chuẩn bị ứng phó tình huống 30.000 người nhiễm COVID-19 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó phải giao chỉ tiêu cụ thể (giường bệnh, sinh phẩm, máy xét nghiệm, thuốc điều trị, oxy,…) để các địa phương chuẩn bị theo phương châm “4 tại chỗ” (theo kịch bản trước đây, Bộ Y tế mới chuẩn bị phương án 10.000 người nhiễm).

Hết sức cảnh giác khả năng còn nguồn dịch trong cộng đồng

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh đến hôm nay (10/5), nói số tròn là khoảng 10 ngày nay, một số nơi và một số đồng chí ở các địa phương thực sự vào cuộc chống dịch không kể ngày đêm. Hiện nay tình hình thế giới, khu vực và cụ thể sát nước ta là Lào, Campuchia vẫn rất phức tạp. Trong nước đã có mầm bệnh ở trong cộng đồng. Qua công bố giải trình tự gen của virus và thực tiễn cho thấy tốc độ lây lan nhanh hơn rất nhiều.

Qua các ý kiến, đánh giá lại công tác chống dịch 10 ngày qua, Phó Thủ tướng cho rằng, có thể rút ra một điểm kết luận là ít nhất từ giờ đến cuối năm chúng ta chưa thể có vaccine tiêm đại trà cho người dân, nên chưa thể có tác động của vaccine vào miễn dịch cộng đồng một cách đáng kể.

Điều đó có nghĩa chúng ta vẫn phải tiếp tục tinh thần chống dịch như lúc chúng ta chưa có vaccine, theo những nguyên lý đã rất đúng từ đầu đến bây giờ.

Mỗi người, nhất thiết phải tuyệt đối tuân thủ thông điệp 5K, đặc biệt là khẩu trang. Các địa phương phải xử phạt nghiêm người ra nơi công cộng không đeo khẩu trang.

“Đeo khẩu trang bao giờ cũng khó chịu nhưng phải đeo. Tôi tham gia tiêm thử nghiệm vaccine, tham gia xét nghiệm kháng thể rất tốt, hiện nay như tôi không phải đeo khẩu trang nhưng tôi vẫn đeo để cho mọi người thấy cần phải đeo. Đây là giải pháp đơn giản nhất, dễ nhận biết ai tuân thủ hay không, nhưng cũng là hiệu quả nhất. Nếu tuân thủ tốt, nhất định chúng ta sẽ tiếp tục kiểm soát được dịch, sẽ chiến thắng”, Phó Thủ tướng nói.

Tất cả các cơ sở phải thực hiện tự đánh giá việc thực hiện các quy định, hướng dẫn phòng chống dịch, cập nhật lên bản đồ an toàn COVID-19 (antoancovid.vn), không an toàn thì không hoạt động.

Ban Chỉ đạo yêu cầu ngay trong tuần này Bộ Y tế phải hoàn thiện phương án chuẩn bị ứng phó tình huống 30.000 người nhiễm COVID-19

Phó Thủ tướng cho biết ông đã nhắc rất nhiều lãnh đạo ở địa phương về tầm quan trọng hàng đầu của thực hiện an toàn COVID-19 nhưng đặc biệt tập trung vào các khu công nghiệp. Thực tiễn ở Hải Dương cho thấy nếu một nhà máy vài nghìn công nhân bị nhiễm, với chủng mới như bây giờ nếu chúng ta không thực hiện an toàn ngay từ đầu thì rất khó kiểm soát.

Đây chính là điều kiện bình thường mới. Nếu chúng ta chủ động được thì rất tốt.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng đã nhắc lại những biện pháp chống dịch trước đây rất hiệu quả, nhưng nếu không nhắc thường xuyên thì sẽ bị quên. Ví dụ như cách đây 1 năm mọi người thường mở cửa, không đóng kín phòng, không bật điều hoà nhưng đến nay nhiều nơi không còn làm vậy.

Không thay đổi chiến lược chống dịch

Về chiến lược chống dịch, Phó Thủ tướng nêu rõ có một số nơi, một số địa phương nói về việc thay đổi chiến lược nhưng như các chuyên gia phân tích, đấy chỉ là cách diễn đạt khác nhau, còn chiến lược và nguyên tắc của chúng ta hoàn toàn không có gì thay đổi.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết ông đã quán triệt kỹ trong Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19 với các địa phương, ngày 7/5.

Đầu tiên, chúng ta phải ngăn chặn, kiểm soát biên giới, cũng như người tại trung tâm cách ly tập trung hoặc đang trong thời gian theo dõi, giám sát y tế, không để cho lây nhiễm vào cộng đồng. “Chúng tôi đã chỉ đạo rất cụ thể, bây giờ phải thực hiện thật nghiêm”.

Để phát hiện nhanh nhất các ca bệnh, Phó Thủ tướng cho rằng phải có khám, sàng lọc, không chỉ theo dấu các F1, F2, F3 mà cần sàng lọc định kỳ, sử dụng các biện pháp xét nghiệm khác nhau ở những nơi có nguy cơ cao như bệnh viện, các chỗ tập trung đông người.

Về khoanh vùng, dập dịch, Phó Thủ tướng nhắc lại tinh thần từ trước đến nay, khi có ca nghi ngờ thì triển khai khoanh vùng và “vì mục tiêu kép” thì phải khoanh gọn nhất có thể. Nếu chưa đủ điều kiện để xác định chỉ khoanh một thôn, một xã thì ngay lập tức có thể khoanh rộng hơn nhưng phải làm ngay các biện pháp sàng lọc, điều tra dịch tễ cần thiết để xác định đúng điểm mà cần khoanh vùng.

“Chúng ta khoanh gọn mà chặt, mà nghiêm thì mới tốt chứ rộng mà hổng thì không hiệu quả. Có ý kiến cho rằng thay vì "truy đuổi dịch" phải chăng chiến lược mới là ngăn chặn. Khoanh vùng chính là ngăn chặn, đó chỉ là cách diễn đạt khác. Sở y tế phải tham mưu lãnh đạo địa phương, Bộ Y tế củng cố lại hoạt động của tổ chuyên gia, có hướng dẫn cần thiết để khoanh vùng cho đúng”, Phó Thủ tướng nói và đặc biệt lưu ý trước khi thực hiện khoanh vùng cũng có nhiều biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn sự lây lan của virus./.

Hồng Lĩnh

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư