Năm 2022, cung - cầu điện sẽ cân bằng hơn, lạc quan với cổ phiếu PC1

10:26 | 12/05/2021 Print
- Nếu công suất điện mặt trời không thay đổi thêm và công suất điện gió được triển khai đúng theo dự thảo Quy hoạch điện 8, tỷ lệ cung/cầu điện trên toàn quốc sẽ đạt mức cân bằng năm 2022. Công ty Chứng khoán lớn nhất TTCK Việt Nam - SSI - đã nhận định như vậy và khuyến nghị lạc quan với cổ phiếu PC1.

Với xu hướng chú trọng vấn đề biến đổi khí hậu & giảm phát thải khí nhà kính, PC1 là một cơ hội đầu tư dài hạn với các mảng kinh doanh kính đến từ các nhà máy thủy điện nhỏ và các dự án điện gió.

Trung tâm Phân tích và tư vấn đầu tư SSI vừa công bố báo cáo về triển vọng ngành điện Việt Nam, với dự báo, năm 2022, cung cầu điện sẽ cân bằng hơn do tăng trưởng tiêu thụ điện ước tính có thể trở về mức bình thường. Hiệu suất hoạt động của các nguồn điện tái tạo dự kiến sẽ đạt mức thiết kế, thay vì ở tỷ lệ thấp bất thường vào năm 2021 do dư cung. Hơn nữa, công suất của các nhà máy điện gió dự kiến sẽ ít biến động hơn so với các nhà máy điện mặt trời/thủy điện liên quan đến hiện tượng El Nino và La Nina. Với giá FIT là 8,5 cents/kwh, các dự án điện gió trên bờ cũng sẽ cạnh tranh hơn so với nguồn điện mặt trời với giá FIT cao hơn là 9,35 cents/kwh.

SSI cho rằng, PC1 (cổ phiếu của Công ty cổ phần Xây lắp điện 1) là một trong những cơ hội đầu tư dài hạn, trong đó trọng điểm sẽ là đầu tư các nhà máy thủy điện nhỏ và các dự án điện gió. Tăng trưởng lợi nhuận năm 2021 có thể gặp thách thức do sự thiếu hụt các dự án bất động sản, nhưng nửa cuối năm 2021 có thể là thời điểm tốt hơn cho các nhà đầu tư vì lợi nhuận có khả năng chạm đáy. Tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2022 có thể được thúc đẩy bởi ba dự án điện gió và tăng trưởng năm 2023 sẽ được thúc đẩy bởi các dự án bất động sản Vĩnh Hưng & Bắc Từ Liêm.

PC1 đang giao dịch với hệ số P/E năm 2021/2022/2023 lần lượt là 11,4x/10,4x/7,1x. SSI đưa ra giá mục tiêu đối với cổ phiếu là 32.900 đồng (tăng 31% so với giá hiện tại), giảm 4% so với giá mục tiêu trước đó là 34.200 đồng/cổ phiếu do các dự án Vĩnh Hưng & Bắc Từ Liêm tạm hoãn trong giai đoạn 2022-2023 và tỷ suất lợi nhuận gộp thấp hơn từ xây dựng lưới điện vào năm 2021 do giá thép tăng mạnh. Dựa trên chủ đề biến đổi khí hậu & giảm phát thải khí nhà kính, SSI nêu quan điểm ưa thích PC1 hơn và duy trì khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu.

Báo cáo ngành điện của SSI cũng cập nhật một số công ty nhiệt điện đã thông qua phương án chi trả cổ tức tiền mặt năm 2020 khá bất ngờ. Cụ thể, CTCP Nhiệt điện Hải Phòng (HND) đề xuất chi trả cổ tức tiền mặt năm 2020 với tỷ lệ 24,3% trên mệnh giá, tương ứng tỷ suất cổ tức là 13%. Theo Công ty, kế hoạch này phần lớn liên quan đến việc IPO Genco2. Tuy nhiên, kế hoạch tỷ lệ cổ tức tiền mặt cho năm 2021 của Công ty này được đặt ở mức thấp, từ 4% -8% trên mệnh giá.

CTCP Nhiệt điện Phả Lại ( PPC) công bố tỷ lệ cổ tức bằng tiền mặt cho năm 2020 lên tới 58,9% trên mệnh giá, trong số đó Công ty đã chi trả 15%. Phần còn lại sẽ được chi trả sau Đại hội đồng cổ đông. Điều này cũng liên quan đến sự kiện IPO của Genco2. Tuy nhiên, kế hoạch cổ tức tiền mặt năm 2021 đã được hạ xuống 15% trên mệnh giá, tương ứng tỷ suất cổ tức là 5%.

Các chuyên gia SSI cho rằng, các nhà máy điện than sẽ phải đối mặt với áp lực vốn đầu tư lớn khoảng 1,8 - 2 nghìn tỷ đồng cho các dự án môi trường. Lãnh đạo CTCP Nhiệt điện Hải Phòng, CTCP Nhiệt điện Phả Lại, Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông rằng, chi phí đầu tư này sẽ được thông qua giá PPA dựa trên Thông tư 57/2020/TT-BCT ngày 31/12/2020. Tuy nhiên, đối với các nhà máy cũ như PPC sẽ là áp lực về vốn lớn khi phát sinh nhiều nhu cầu đầu tư vào nhà máy mới hoặc nâng cấp máy móc hiện có, cùng với chi phí cho dự án môi trường.

Năm 2021, PC1 dự kiến chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế dự kiến 513 tỷ đồng

Đại hội đồng cổ đông CTCP Xây lắp điện I (PCC1) tháng 4/2021 đã thông qua kế hoạch đổi tên Công ty thành Công ty cổ phần Tập đoàn PC1 (PC1 Group). Tại sự kiện, Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Tuấn cho biết, trong bối cảnh chung năm 2020 nền kinh tế gặp khó khăn do tác động nặng nề kéo dài của đại dịch Covid 19 ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thực hiện các dự án trong lĩnh vực đầu tư năng lượng và bất động sản vốn là các lĩnh vực có thế mạnh của PCC1, Công ty vẫn đạt kết quả kinh doanh khả quan. Tổng doanh thu năm 2020 ghi nhận đạt 6.679 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 544 tỷ đồng, tương đương 116%, tỷ lệ lợi nhuận sau thuế/doanh thu là 8,15%.

Năm 2021, Ban lãnh đạo Công ty đặt mục tiêu tổng doanh thu 8.003 tỷ đồng, tương đương 120% kế hoạch năm 2021, lợi nhuận sau thuế dự kiến 513 tỷ đồng, đạt tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu là 6,38%.

Một số chỉ tiêu ngành điện Việt Nam đến 2022 (nguồn SSI)

/.

Hồng Lĩnh

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư