Ngày Khoa học và công nghệ Việt Nam 2021: Sẽ công bố Cẩm nang hướng dẫn thương mại hóa kết quả nghiên cứu

13:00 | 14/05/2021 Print
- Cẩm nang hướng dẫn thương mại hóa kết quả nghiên cứu bằng hai ngôn ngữ Anh - Việt đã được hoàn thành và xuất bản, ở cả định dạng in và trực tuyến. Cẩm nang sẽ được công bố vào Ngày khoa học và công nghệ Việt Nam 2021 - 18/5 tới.

Kể từ khi Luật Khoa học và công nghệ được Quốc hội khóa XIII thông qua đến nay, ngày 18 tháng 5 hàng năm được quy định là Ngày khoa học và công nghệ Việt Nam. Đây là ngày để tôn vinh những nhà khoa học, đội ngũ cán bộ nghiên cứu; tuyên truyền, phổ biến các thành tựu, kết quả hoạt động đổi mới sáng tạo, nâng cao vai trò, vị thế của khoa học và công nghệ đối với phát triển đất nước.

Tại Việt Nam, mới có 5%-10% số đề tài nghiên cứu tại các trường đại học được ứng dụng vào sản xuất và kinh doanh

Thông tin ra mắt Cẩm nang hướng dẫn thương mại hóa kết quả nghiên cứu được bà Robyn Mudie, Đại sứ Australia Việt Nam chia sẻ tại buổi làm việc với Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, ngày 13/5/2021. Bà Robyn Mudie cho biết, Ccẩm nang là một trong số nhiều kết quả thực tế từ năm 2017 trong chương trình A4I - Chương trình đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam – Australia (Aus4Innovaiton - A4I). Thương mại hóa kết quả nghiên cứu là mảng việc giới nghiên cứu, khoa học Việt Nam rất thiếu, khi thực tế cho thấy, chỉ có 5%-10% số đề tài nghiên cứu được ứng dụng vào sản xuất và kinh doanh. “Nhiều công trình làm ra chỉ để… đút ngăn bàn” là đánh giá của TS. Bùi Hải Hưng, Viện trưởng VinAI trong một chia sẻ với các bạn sinh viên đầu năm 2021. TS. Bùi Hải Hưng cho rằng, điểm đáng tiếc nhất tại Việt Nam là nghiên cứu cơ bản tách rời nghiên cứu ứng dụng và ông mong thông qua việc lãnh đạo VinAI, sẽ góp sức làm thay đổi hiện trạng này.

Được biết, A4I là Chương trình đối tác đổi mới sáng tạo do chính phủ Australia tài trợ cho Việt Nam với tổng kinh phí 10 triệu AUD, thực hiện trong giai đoạn 4 năm (2018-2022). Chương trình do Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Australia (CSIRO) quản lý, Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện. Có 4 hợp phần được triển khai, tập trung Xây dựng tầm nhìn chiến lược số (Digital Foresighting); Thương mại hóa kết quả nghiên cứu (SCP); Cơ chế tài trợ cạnh tranh (Competitive Grants); Hỗ trợ chính sách về đổi mới sáng tạo (Innovation Policy).

Đại sứ Robyn Mudie cũng cho biết, Chính phủ Australia quyết định tăng tài trợ cho giai đoạn 1 của chương trình (thêm 3,5 triệu AUD, nâng tổng ngân sách lên 13,5 triệu AUD giai đoạn 2017-2022) nhằm hỗ trợ cho 5 sáng kiến mới và chuẩn bị cho Giai đoạn 2 của Chương trình đến năm 2025.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt mong muốn Việt Nam - Australia tăng cường hợp tác, truyền cảm hứng đổi mới sáng tạo cho cộng đồng khoa học

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đánh giá cao các kết quả về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Australia. Ông cho biết, lĩnh vực tri thức và đổi mới sáng tạo trở thành một trong ba trụ cột quan trọng bên cạnh hợp tác về kinh tế và quốc phòng - an ninh. Việc hợp tác mang lại hiệu quả thực tế cho các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp hai nước và thúc đẩy trụ cột tri thức và đổi mới sáng tạo trong quan hệ đối tác chiến lược. Ông mong muốn hai bên sớm tổ chức ngày hội trình diễn kết quả Chương trình khi tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát, để truyền cảm hứng đổi mới sáng tạo cho cộng đồng khoa học và đổi mới sáng tạo.

Bộ trưởng nhấn mạnh, trong định hướng phát triển đất nước 10 năm 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được Đảng và chính phủ xác định như một đột phá chiến lược, là động lực chính góp phần đưa Việt Nam đạt mục tiêu trở thành nước có công nghiệp hiện đại vào năm 2030, nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Hợp tác và hội nhập quốc tế là một trong các giải pháp quan trọng giúp Việt Nam nhanh chóng nâng cao tiềm lực và trình độ khoa học công nghệ./.

Hồng Lĩnh

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư