Thanh niên Đà Lạt liên kết xây dựng THT sản xuất hoa

20:33 | 23/05/2015 Print
- 11 thanh niên ở làng hoa Thái Phiên (phường 12, TP. Đà Lạt) đã cùng nhau liên kết để xây dựng Tổ hợp tác chuyên sản xuất hoa và đã đem về nguồn thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.

Khởi điểm từ năm 2013, với sự động viên của UBND phường, anh Nguyễn Thanh Hải (35 tuổi) đã mạnh dạn vận động thêm 10 thanh niên ở phường 12 thành lập Tổ hợp tác sản xuất hoa.

Tâm sự về ý tưởng thành lập Tổ hợp tác sản xuất hoa của thanh niên phường 12, anh Nguyễn Thanh Hải, Tổ trưởng Tổ hợp tác, chia sẻ: “Sinh ra và lớn lên ở xứ hoa, từ nhỏ tôi đã biết cách chăm sóc hoa giúp cha mẹ. Thế nhưng, cuộc sống của không ít người trồng hoa vẫn gặp nhiều khó khăn do sản xuất nhỏ lẻ, chất lượng hoa chưa cao, thị trường không ổn định và hay bị thương lái ép giá. Từ chỗ đó, những thanh niên trẻ chúng tôi muốn cùng nhau phát triển nghề trồng hoa theo hướng liên kết".

"Việc hợp tác trồng hoa sẽ mang lại nhiều cái lợi mà trước mắt là giúp diện tích sản xuất được nâng lên, chủng loại và sản phẩm hoa nhiều và chất lượng đều hơn. Đồng thời, anh em trong nhóm cũng có điều kiện trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, tư vấn sản xuất lẫn nhau, đặc biệt việc liên kết này giúp anh em trồng hoa có được lợi thế trong việc cạnh tranh, tìm kiếm thị trường tiêu thụ”, anh Hải nói.

Hiện nay, Tổ hợp tác sản xuất hoa phường 12 đang trồng hoa trong nhà kính hiện đại theo công nghệ Israel với đầu tư 300 triệu đồng/1.000 m2. Nguồn vốn được các thành viên trong Tổ cùng đóng góp.

Năm 2013, Tổ cũng đã vận động các thành viên đóng góp 90 triệu đồng và được Chi cục Phát triển nông thôn hỗ trợ thêm 90 triệu đồng để làm kho lạnh chứa hoa.

Bí thư Đoàn phường 12 Trương Ngọc Anh cho biết: “Tổ hợp tác sản xuất hoa tiền thân là CLB Giúp nhau làm kinh tế phường 12. Việc giúp đỡ nhau vốn, kinh nghiệm của anh em thanh niên trong tổ được UBND phường công nhận, quản lý. Ban điều hành tổ có trách nhiệm điều hành lao động, ký kết hợp đồng, phân bổ kế hoạch sản xuất, tiêu thụ một cách bình đẳng và có sự bàn bạc, thống nhất của các thành viên trước khi thực hiện”.

Chị Trương Thị Kim Phụng, thành viên nữ duy nhất của Tổ hợp tác hào hứng kể: Ban đầu thành lập, Tổ hợp tác gặp nhiều khó khăn về vốn và kỹ thuật. Nhưng chỉ sau một thời gian, hoạt động của Tổ hợp tác đã đạt được kết quả nên ai cũng vui mừng. Hiện Tổ đang xây dựng thương hiệu, logo riêng và tìm hướng đi bền vững trước sự cạnh tranh của thị trường”.

Không chỉ góp đất đai và tiền vốn để cùng nhau sản xuất, việc tham gia Tổ hợp tác còn giúp các thành viên nâng cao trình độ kỹ thuật trong sản xuất.

Anh Trần Văn Thuận, thành viên Tổ hợp tác, cho biết: “Điều lớn nhất mà Tổ làm được là đã tìm được cách cải tạo các giống hoa bị thoái hóa như hoa cúc. Mỗi người một kinh nghiệm, cả Tổ họp lại tìm cách trị các bệnh mới xuất hiện, khi vườn nhà nào trong Tổ có bệnh thì mọi người cũng lo lắng như chính vườn nhà mình, tập trung tìm cách giải quyết. Cứ như vậy chúng tôi giúp nhau làm kinh tế”.

Sau gần 2 năm hoạt động, đến đầu năm 2015, Tổ hợp tác trồng hoa đã hoạt động thật sự hiệu quả, đem lại giá trị kinh tế cao cho các thành viên.

Sau khi cải tạo được các giống hoa phổ biến, Tổ hợp tác lại cùng bắt tay thử nghiệm, đầu tư trồng các giống hoa cao cấp hơn như lyly. Các loại hoa cúc, lyly, cẩm chướng… được sự chăm sóc của 11 thành viên trở nên đẹp hơn cả về số lượng lẫn chất lượng. Bình quân, doanh thu từ mỗi ha hoa của Tổ hợp tác đạt hàng tỷ đồng/năm và lợi nhuận mang lại từ 700 - 900 triệu đồng/ha.

Với hiệu quả kinh tế này, thu nhập hàng năm của mỗi thành viên trong Tổ hợp tác cũng tương đối ổn định. Hiệu quả mà mô hình Tổ hợp tác sản xuất hoa của thanh niên phường 12, Đà Lạt đem lại đã minh chứng cho sức mạnh của sự đoàn kết.

Từ những nông dân trẻ tuổi, họ đã đem tài sức của mình góp lại để phát triển kinh tế gia đình. Với ý chí và khát vọng giúp nhau làm giàu, những thanh niên ấy đã khẳng định vai trò của mình trong xây dựng và phát triển kinh tế, làm giàu cho bản thân và quê hương.

Lê Vân

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư