Đồng Tháp: Phát huy sức trẻ trong mô hình kinh tế tập thể

15:28 | 25/11/2015 Print
- Là một tỉnh thuần nông, với diện tích phù sa lớn, thanh niên tỉnh Đồng Tháp đã tận dụng thế mạnh để phát triển kinh tế tập thể, vươn lên thoát nghèo, làm giàu tại chính quê hương của mình.

Phát huy thế mạnh của địa phương

Là một tỉnh thuần nông, với diện tích phù sa lớn, thanh niên tỉnh Đồng Tháp đã tận dụng thế mạnh để phát triển kinh tế tập thể, vươn lên thoát nghèo, làm giàu tại chính quê hương của mình.

Những mô hình điển hình đáng tự hào của thanh niên Đồng Tháp có thể kể đến là:

THT thanh niên làm dưa kiệu tại Tam Nông

Hiện, Tam Nông trồng khoảng 100 ha kiệu, tập trung chủ yếu ở các xã Phú Hiệp, Phú Đức và Phú Thành B. Kiệu đã gắn bó và là một trong những cây trồng giúp nông dân Tam Nông vượt khó, làm giàu. Tuy nhiên, đầu ra của củ kiệu chưa ổn định, giá cả cũng bấp bênh.

Xuất phát từ thực tế trên, anh Trần Minh Tân - Phó Bí thư Đoàn thanh niên xã Phú Hiệp đã quyết tâm tìm hướng đi hiệu quả và bền vững cho cây kiệu Tam Nông, bằng việc xây dựng thương hiệu đặc sản dưa kiệu Phú Hiệp để bán cho khách du lịch và người tiêu dùng ở các thành phố.

Ý tưởng khởi nghiệp từ những đặc sản quê nhà của THT thanh niên làm kinh tế huyện Tam Nông từ đó cũng “hái” được những quả ngọt đầu tiên.

Dự án làm dưa kiệu kết hợp du lịch cộng đồng của anh Trần Minh Tân đã đạt giải ba tại cuộc thi Dự án Thanh niên khởi nghiệp năm 2015, do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức.

Bước đầu, với trên 11.000m2 đất chuyên canh cây kiệu nguyên liệu, THT đã tạo việc làm thường xuyên cho gần 20 thanh niên ở địa phương. Sau đó, sẽ mở rộng thêm diện tích vùng nguyên liệu kiệu nếu thị trường tiêu thụ thuận lợi.

THT hiện đang hoàn thành hồ sơ, thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền đặc sản "Dưa kiệu Phú Hiệp", chuyên cung cấp các sản phẩm dưa kiệu và kiệu tươi… Đây là tiền đề thuận lợi để củ kiệu Tam Nông vươn xa.

Quầy hàng đặc sản của THT thanh niên làm dưa kiệu tại Tam Nông tại Vườn Quốc gia Tràm Chim

Để tiêu thụ loại đặc sản này, THT liên hệ với các điểm du lịch trong và ngoài tỉnh Đồng Tháp, nhất là đưa đến quầy hàng đặc sản du lịch tại Vườn Quốc gia Tràm Chim bán cho khách du lịch.

Sản phẩm dưa kiệu Phú Hiệp chào hàng và đã được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh Đồng Tháp chấp nhận.

THT nuôi cá lóc Phú Thuận B

Đầu năm 2014, THT nuôi cá lóc được thành lập, ban đầu chỉ có vài thành viên tập hợp nhau lại để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật trong chăn nuôi cá lóc thương phẩm. Dần dần, thấy được hiệu quả của mô hình, các thanh niên khác cũng xin gia nhập. Đến nay, THT đã có hơn 10 thành viên, diện tích nuôi cá trên 5ha.

THT nuôi cá lóc thương phẩm của Đoàn Thanh niên xã Phú Thuận B đã có thể cung ứng ra thị trường từ 200-300 tấn cá lóc thương phẩm/năm; mỗi năm nuôi 2 vụ, trừ chi phí, mỗi thành viên trong THT đều thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng.

Theo đánh giá, dù còn nhiều khó khăn, nhưng THT chăn nuôi cá lóc thương phẩm của Đoàn Thanh niên xã Phú Thuận B đã góp phần giải quyết tốt việc làm, giúp đoàn viên thanh niên xóa đói giảm nghèo, cùng địa phương xây dựng nông thôn mới

THT thanh niên chăn nuôi bò xã Tân Phú Đông

Ngày 24/6/2013, THT thanh niên chăn nuôi bò xã Tân Phú Đông được thành lập với 03 tổ viên, nguồn vốn góp vào của các thành viên trên 90 triệu, sau đó Tổ còn nhận được nguồn vốn hỗ trợ 120 kênh Trung ương Đoàn số tiền 144 triệu đồng.

Với số tiền góp vốn ban đầu của các tổ viên, THT đầu tư xây dựng chuồng trại, máy móc, thiết bị, mua con giống các dụng cụ cần thiết để tổ hoạt động..., đây là điều kiện thuận lợi để tổ hoạt động tốt hơn, với chức năng là chăn nuôi bò với quy mô trang trại và liên kết cùng phối hợp với các thành viên với nhau tạo nên nguồn vốn lớn để nhằm tạo việc làm ổn định, phát triển kinh tế tại địa phương, phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống giúp cho thanh niên vươn lên thoát nghèo.

Qua thời gian hoạt động, hiện nay THT chăn nuôi bò thịt xã Tân Phú Đông có 06 thành viên, tổng số vốn trên 01 tỷ đồng, tổng đàn bò của THT là dao động từ 70 – 90 con.

Để phát triển vẫn cần lắm sự hỗ trợ của Nhà nước

Thực tế hoạt động của THT vẫn gặp một số khó khăn, như: một số thành viên trình độ chưa cao nên khả năng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật còn hạn chế...

Điều đáng lo nhất của các THT đó là vấn đề tiêu thụ sản phẩm. Cụ thể như tại THT nuôi cá lóc, do chưa ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp, nên phụ thuộc chủ yếu bán cho thương lái trong tỉnh và khu vực lân cận để xuất đi Campuchia. Điều này khiến đầu ra của THT chưa thực sự ổn định.

Anh Huỳnh Minh Thức, Trưởng Ban Thanh niên nông thôn (Tỉnh đoàn Đồng Tháp), cho biết: tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 150 THT và 1 HTX, thu hút 1.186 đoàn viên, hội viên, thanh niên có việc làm ổn định, thường xuyên.

Theo anh Thức, đối với nguồn vốn hoạt động của các THT, ngoài nguồn đóng góp của các tổ viên, các cấp bộ Đoàn còn vận dụng có hiệu quả nguồn vốn vay giải quyết việc làm từ Trung ương Đoàn với số vốn trên 1,2 tỷ đồng cho vay 13 dự án, thu hút trên 85 lao động.

Tổ chức Đoàn còn nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội với số vốn trên 405,5 tỉ đồng để hỗ trợ vốn vay cho thanh niên. Từ những nguồn vốn này đã có nhiều mô hình THT, HTX hoạt động hiệu quả, như: THT xây dựng 167, xã Bình Hàng Trung (huyện Cao Lãnh); THT máy gặt đập liên hợp xã Phú Điền (huyện Tháp Mười), THT chăn nuôi bò thịt xã Tân Phú Đông (TP. Sa Đéc)...

Tuy vậy, các THT đa số chỉ hoạt động trên một lĩnh vực nên mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu sản xuất nông nghiệp, dịch vụ tại địa phương; lợi nhuận đạt được chưa cao, thu nhập mang lại cho tổ viên còn ít; một số THT chưa xây dựng được đầy đủ các nguồn quỹ phục vụ hoạt động của tổ.

Nguyên nhân là trình độ và nhận thức của thanh niên đối với kinh tế tập thể còn hạn chế; cán bộ quản lý các tổ THT thanh niên còn hạn chế về trình độ, nhận thức, kỹ năng quản lý điều hành; hoạt động liên kết giữa THT và doanh nghiệp ở khâu đầu vào và đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp chưa ổn định. Vì vậy, anh Thức cho rằng các ngành liên quan cần nghiên cứu, tạo cơ chế thuận lợi, đặc biệt là vấn đề về nguồn vốn vay để hỗ trợ cho các THT, HTX hoạt động và phát triển vững mạnh./.

An Nhi

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư