Năm 2020: TP.Hồ Chí Minh sẽ phát triển mới 35 hợp tác xã

16:23 | 26/04/2020 Print
- Theo định hướng chung về phát triển kinh tế tập thể năm 2020, TP. Hồ Chí Minh sẽ phát triển mới 35 hợp tác xã (hợp tác xã) với tỷ trọng đóng góp vào GRDP Thành phố lên 0,5%; tỷ lệ cán bộ quản lý, nghiệp vụ hợp tác xã đã qua đào tạo có trình độ đại học trở lên đạt 45%, trình độ trung cấp, sơ cấp đạt 55%.

Cụ thể, trong lĩnh vực nông nghiệp, Thành phố sẽ nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã đang hoạt động có hiệu quả; giải thể dứt điểm các hợp tác xã ngưng hoạt động kéo dài; khuyến khích các hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, trong đó ưu tiên ứng dụng công nghệ tin học (4.0), công nghệ thông tin truyền thông (ICT), công nghệ sinh học, công nghệ tự động và bán tự động hóa, công nghệ sản xuất vật tư nông nghiệp; khuyến khích xây dựng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp phù hợp với các chương trình cây, con giống trọng điểm của Thành phố

TP. Hồ Chí Minh khuyến khích xây dựng hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao

Tiếp tục xây dựng mô hình hợp tác xã nông nghiệp tiên tiến, hiện đại tại 5 huyện xây dựng nông thôn mới (Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ); phấn đấu 100% xã nông thôn mới có hợp tác xã hoạt động trên địa bàn và có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững.

Trong lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, Thành phố sẽ phát triển các hợp tác xã hiện có, hoạt động trong các ngành nghề: thêu đan, đồ gỗ mỹ nghệ, gốm sứ, mây tre lá... và các sản phẩm làng nghề truyền thống; hỗ trợ các hợp tác xã cùng với các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác thúc đẩy phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại các cụm công nghiệp; phát triển hợp tác xã mới từ các hộ gia đình sản xuất tiểu thủ công nghiệp, hỗ trợ hộ sản xuất gia đình nguồn vật tư, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đầu ra.

Trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ, Thành phố tiếp tục củng cố các hợp tác xã hiện có, phát triển hệ thống cửa hàng hợp tác xã bán lẻ hàng tiêu dùng; phát triển các hợp tác xã thương mại bán lẻ; phát triển các hợp tác xã làm tổng đại lý phân phối cho các nhà sản xuất trong và ngoài nước; xây dựng chuỗi liên kết giữa các hợp tác xã thương mại với hợp tác xã nông nghiệp - dịch vụ nông nghiệp; phát triển các hợp tác xã quản lý kinh doanh chợ, nhất là tại các chợ đầu mối; phát triển mô hình hợp tác xã dịch vụ trong các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề./.

Anh Quyền

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư