Cần nâng cao nhận thức hơn nữa bản chất, vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã

15:35 | 14/10/2019 Print
- Đây là quan điểm của Bộ trưởng Bộ Kế hoach và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-TW, ngày 18/3/2002 Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả Kinh tế tập thể.

Hội nghị đang diễn ra tại Hà Nội, vào chiều ngày 14/10/2019.

Hệ thống văn bản ngày càng hoàn thiện

Qua 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, nhận thức các quan điểm phát triển kinh tế tập thể của các cấp ủy đảng, chính quyền đã có sự chuyển biến tích cực. Cùng với đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm cụ thể hóa Nghị quyết dần được hoàn thiện; nhiều văn bản hướng dẫn và bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù được các cấp, các ngành quan tâm xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện. Cụ thể là: Luật Hợp tác xã năm 2003 và năm 2012 được Quốc hội thông qua đã tạo hành lang pháp lý đầy đủ, chặt chẽ, khuyến khích và thúc đẩy sự phát triển của khu vực hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã. Để triển khai Luật Hợp tác xã, Chính phủ đã ban hành 63 Nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành 42 Quyết định và 07 Chỉ thị; các bộ, ngành trung ương ban hành 89 Thông tư, 43 quyết định, 07 chỉ thị và nhiều văn bản hướng dẫn có liên quan; đã tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012; 893 văn bản cấp địa phương do tỉnh ủy, thành ủy, HĐND, UBND các cấp ban hành.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tại Hội nghị/ Ảnh: Lê Tiên

Đối với khu vực tổ hợp tác, trên cơ sở quy định về tổ hợp tác của Bộ Luật Dân sự năm 2015 được Quốc hội thông qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng và trình Chính phủ dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành về tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác

Cùng với đó, đến nay đã có 58/63 địa phương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, một số địa phương thành lập Ban Chỉ đạo cấp huyện. Các bộ, ngành trung ương có liên quan đều đã có các đơn vị đầu mối, tham mưu, giúp việc. Toàn bộ 63/63 tỉnh, thành phố đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước cấp tỉnh về kinh tế tập thể, hợp tác xã, trong đó, 26/63 tỉnh, thành phố thành lập phòng chức năng chuyên môn về doanh nghiệp, kinh tế tập thể và tư nhân.

“Sau 15 năm triển khai Nghị quyết và hơn 7 năm kể từ khi Luật Hợp tác xã năm 2012 được thông qua, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đã có bước phát triển và đạt được nhiều kết quả tích cực, số hợp tác xã hoạt động hiệu quả không ngừng tăng lên, chiếm khoảng 57% trong tổng số hợp tác xã nông nghiệp, khoảng 50%-80% trong tổng số hợp tác xã phi nông nghiệp”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũngcho biết.

Hiện cả nước có hơn 101.400 tổ hợp tác, tăng 0,58% so với năm 2003; thu hút 1,34 triệu thành viên tham gia, tăng 57,3%; 22.861 hợp tác xã, tăng 59% so với năm 2003, thu hút gần 6 triệu thành viên tham gia; 74 liên hiệp hợp tác xã tăng 49 LH hợp tác xã so với năm 2003, cả giai đoạn 2003-2018 thành lập mới 51 liên hiệp hợp tác xã, giải thể 28 liên hiệp.

Các cấp, các ngành còn chưa quan tâm đúng mức

Đánh giá về quá trình thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-TW, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, hiện nay, cấp, các ngành còn chưa quan tâm đúng mức trong việc chỉ đạo, định hướng, xây dựng cơ chế chính sách, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển.

“Nhận thức của một số cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, đảng viên và người dân vẫn chưa đúng, chưa đầy đủ, chưa thống nhất về tinh thần của Nghị quyết, về bản chất tổ chức kinh tế tập thể; chưa thấy hết được vai trò, vị trí quan trọng của khu vực kinh tế tập thể trong nền kinh tế, nhất là đối với nông nghiệp, nông thôn, nông dân”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Dũng, công tác xây dựng cơ chế, chính sách chưa kịp thời, chậm tháo gỡ các vướng mắc; môi trường pháp lý chưa thuận lợi cho các chủ thể kinh tế tham gia hợp tác xã; cơ chế huy động và phân bổ nguồn lực cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã và kinh tế hộ còn nhiều bất cập; chính sách ưu đãi, hỗ trợ kinh tế tập thể, hợp tác xã được ban hành nhiều nhưng nguồn lực thiếu nên khó đi vào thực tiễn.

Hiện vẫn còn tồn tại tâm lý ngại đổi mới, chưa mạnh dạn chuyển sang mô hình hợp tác xã kiểu mới, trong khi đó hợp tác xã kiểu mới chưa thực sự trở thành mô hình phổ biến đủ sức cuốn hút, huy động được sự tham gia của thành viên vào các hoạt động, chưa thể hiện được tinh thần hợp tác của tổ chức.

Ngoài ra, năng lực nội tại của nhiều hợp tác xã còn yếu, thiếu nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực; sự gắn kết lợi ích giữa hợp tác xã và thành viên mờ nhạt; lợi ích kinh tế trực tiếp do hợp tác xã mang lại cho thành viên chưa nhiều. Việc liên kết, liên doanh giữa hợp tác xã với hợp tác xã, giữa hợp tác xã với các thành phần kinh tế khác còn ít, hiệu quả chưa cao.

Để thực hiện thành công Nghị quyết 13/NQ-TW

Để khắc phục những hạn chế, yếu kém của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã, nhất là trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng để nắm bắt cơ hội, tận dụng lợi thế qua đó thực hiện thành công Nghị quyết 13/NQ-TW, trước tiên, cần nâng cao nhận thức về về bản chất, vai trò của tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tập trung các giải pháp giáo dục, đào tạo, tuyên truyền, tập huấn sâu rộng về Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX và các văn bản pháp luật về hợp tác xã nhằm thống nhất nhận thức cho toàn bộ hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên.

Đồng thời, cập nhật, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện khung pháp luật và chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể phù hợp, gắn với thực tiễn nhằm khuyến khích, thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển mạnh mẽ và rộng khắp.

“Hoàn thiện và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tập thể theo hướng tập trung và thống nhất từ Trung ương đến địa phương; xác định rõ chức năng và nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn và cơ chế phối hợp của các Bộ, ngành Trung ương và địa phương” Bộ trưởng nói.

Đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, thực hiện tốt chính sách đào tạo và thu hút cán bộ về công tác tại các hợp tác xã; tổ chức, củng cố lại hoạt động của các hợp tác xã; giải quyết dứt điểm tình trạng hợp tác xã ngừng hoạt động, tồn tại dưới dạng hình thức; xử lý nợ tồn đọng để lành mạnh hóa khu vực hợp tác xã.

“Trong thời gian tới, bối cảnh mới đặt ra nhiều cơ hội, cũng như thách thức cho khu vực kinh tế hợp tác xã. Với những tín hiệu mới đang tác động tích cực tới phong trào hợp tác xã, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương và nỗ lực phấn đấu vươn lên của các hợp tác xã, chúng ta có thể tin tưởng, trong thời gian tới phong trào hợp tác xã ở nước ta sẽ phát triển vững chắc, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam”, Bộ trưởng cho biết./.

Anh Quyền

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư