e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Tài chính - Ngân hàng

Lạc quan với cổ phiếu ACB

12:40 | 17/05/2021 Print
- Cổ đông của Ngân hàng TMCP Á châu (ACB) sẽ được nhận cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 25% trong thời gian tới. Để duy trì hoạt động kinh doanh bền vững, năm 2021, Chủ tịch ACB, Trần Hùng Huy cho biết, Ngân hàng sẽ tập trung đầu tư vào nguồn nhân lực con người để linh hoạt thích ứng với môi trường kinh doanh mới.

Lạc quan với cổ phiếu ACB
ACB cho biết, việc tăng vốn điều lệ nhằm đảm bảo các tỷ lệ an toàn đối với ngân hàng, tăng nguồn vốn trung, dài hạn cho các hoạt động cấp tín dụng, đầu tư trái phiếu chính phủ, thêm nguồn vốn để cải tạo, đầu tư các dự án chiến lược trong những năm tới. Bên cạnh các nỗ lực kinh doanh, năm 2021, Chủ tịch ACB, Trần Hùng Huy cho biết, Ngân hàng sẽ tập trung đầu tư vào nguồn nhân lực cho giai đoạn bứt phá mới. Đầu tư nhân lực tại ACB sẽ thực hiện theo hướng vừa phát triển đội ngũ bên trong, vừa thu hút nguồn nhân lực tốt bên ngoài. Ông Trần Hùng Huy cho rằng, con người của ACB phải đổi mới, để nâng tầm cho phù hợp với môi trường hoạt động mới, trong đó thách thức nhiều hơn cơ hội và ngày càng có nhiều công nghệ mới xuất hiện, tác động đến lối sống và phương thức kinh doanh. Liên quan đến triển vọng kinh doanh ACB năm 2021, Khối phân tích và tư vấn đầu tư của Công ty Chứng khoán Bảo Việt mới đây đã tham dự   Analyst Meeting của Ngân hàng này và đưa ra những đánh giá khá tích cực. BVSC đánh giá tăng trưởng tín dụng quý I của ACB vững chắc, khi cho vay khách hàng của ACB tăng trưởng 4,1%, lên 324 nghìn tỷ đồng chủ yếu thúc đẩy bởi tăng trưởng cho vay khách hàng cá nhân tốt là 4,9% YoY, trong khi cho vay doanh nghiệp lớn có mức tăng trưởng thấp hơn. Trong dư nợ cho vay cá nhân quý I/2021, cho vay mục đích kinh doanh chiếm khoảng 48%, cho vay mua nhà chiếm khoảng 33%, trong khi phần còn lại đến từ các khoản vay mục đích tiêu dùng, với một ít tỷ trọng đối với phân khúc tín chấp. Do đó, tỷ trọng cho vay cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng nhẹ lên 93% so với 92% trong quý I/2020. Điều này tái khẳng định trọng tâm chiến lược của ACB vào ngân hàng bán lẻ nhằm tối ưu hóa lợi nhuận (có suất sinh lời cao hơn), đồng thời đa dạng hóa rủi ro. Đặc biệt, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn tại ACB tiếp tục đà tăng nhờ các sáng kiến tiếp tục mang lại hiệu quả. Các sáng kiến Employee Banking và Transaction Banking của ACB đang mang lại nhiều thành quả hơn nữa, mở rộng cơ sở khách hàng của ACB lên 3,3 triệu vào cuối quý I/2021, trong đó khách hàng cá nhân là 3,1 triệu, chiếm 82% tiền gửi của khách hàng; trong khi 0,2 triệu còn lại là khách hàng doanh nghiệp. Điểm đáng lo là nợ xấu của ACB tăng lên 0,91% trong quý I/2021, nhưng theo giải thích từ Ngân hàng, đó là do Ngân hàng chủ động phân loại lại các khoản vay sớm hơn yêu cầu, vì ACB đang nhận thấy dấu hiệu xấu đi từ một số khách hàng. Chia sẻ với các chuyên gia phân tích, Ban lãnh đạo ACB nhận định, nợ xấu có xu hướng giảm trong những quý sắp tới. ACB ước tính sẽ trích lập khoảng 300 tỷ đồng cho các khoản vay được cơ cấu lại COVID-19 trong năm 2021, theo Thông tư 03/2021/TT-NHNN. Quý I/2021, ACB đạt lợi nhuận trước thuế đạt 3.104 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ năm ngoái. Nợ xấu của Ngân hàng ở mức 2.954 tỷ đồng, tăng hơn 60% so với cuối năm 2020.   BVSC nâng dự báo lợi nhuận trước thuế năm 2021 của ACB thêm 15,6% lên 12.548 tỷ đồng (tăng 30,8% so với năm 2020. Cùng với đó, BVSC dự báo lợi nhuận trước thuế năm 2022 của ACB là 14.783 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2021. Với giá cổ phiếu hiện tại, ACB đang giao dịch ở mức P/B năm 2021-2022 tương ứng là 1,72 lần và 1,37 lần với ROE dự báo năm 2020-2021 trên 20%.

Hồng Lĩnh

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư