Bộ Tài chính: Giảm giá dịch vụ chứng khoán đến hết ngày 31/12/2021

09:30 | 18/05/2021 Print
- Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 30/2021/TT-BTC về việc kéo dài hiệu lực thi hành Thông tư số 14/2020/TT-BTC. Theo đó, việc giảm giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán sẽ được kéo dài đến hết ngày 31/12/2021.

Những giải pháp kịp thời giúp TTCK hoạt động thông suốt, thu hút thêm gần 1 triệu tài khoản mở mới kể từ tháng 3/2020 đến nay

Sau 31/12/2021, giá dịch vụ chứng khoán sẽ trở về bình thường

Thông tư 30 kéo dài hiệu lực thi hành của Thông tư số 14/2020/TT- BTC ngày 18/3/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 127/2018/TT-BTC ngày 27/12/2018; đã được kéo dài hiệu lực thi hành theo Thông tư 70/2020/TT-BTC đến ngày 31/12/2021.

Thông tư nêu rõ, sau ngày 31/12/2021, mức giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại Sở Giao dịch chứng khoán và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 127/2018/TT-BTC ngày 27/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Thông tư 30 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021.

Trước đó, Thông tư 14 đã giảm giá và miễn hoàn toàn không thu đối với 15 loại dịch vụ chứng khoán nhằm hỗ trợ thị trường chứng khoán trước ảnh hưởng của dịch Covid-19. Cụ thể, sẽ giảm 10% đối với 3 dịch vụ (dịch vụ giao dịch trên thị trường cơ sở, thị trường phái sinh; dịch vụ lưu ký chứng khoán); giảm từ 15% - 20% đối với 2 dịch vụ (dịch vụ quản lý vị thế, quản lý tài sản ký quỹ trên thị trường chứng khoán phái sinh); giảm từ 30% - 50% đối với 4 dịch vụ (dịch vụ quản lý niêm yết chứng quyền có bảo đảm; dịch vụ thực hiện quyền; dịch vụ chuyển khoản chứng khoán; dịch vụ đấu giá, chào bán cạnh tranh).

Đồng thời, Thông tư 14 quy định miễn hoàn toàn (không thu) đối với 6 dịch vụ gồm: dịch vụ đăng ký niêm yết; đăng ký chứng khoán; dịch vụ kết nối trực tuyến lần đầu; dịch vụ vay, cho vay chứng khoán qua hệ thống Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam; đăng ký thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh; đăng ký thành viên bù trừ.

Được biết, Thông tư số 14/2020/TT-BTC được Bộ Tài chính ban hành vào tháng 3/2020, khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát tại Việt Nam. Theo ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, giải pháp này cùng một số giải pháp kịp thời cơ quan quản lý thị trường chứng khoán Việt Nam đã có tác dụng hỗ trợ và trấn an tâm lý cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư, giúp thị trường hoạt động thông suốt, liên tục và tăng trưởng mạnh.

Cũng trong nỗ lực giúp các thành viên thị trường vững vàng trước thách thức đại dịch, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã thực hiện nhiều cải cách hành chính như giảm thời gian xem xét hồ sơ mua cổ phiếu quỹ từ 7 ngày xuống còn 24 giờ. Kiến nghị đưa hoạt động chứng khoán vào loại dịch vụ thiết yếu... Những nỗ lực kịp thời đã giúp TTCK Việt Nam đã thu hút thêm gần 1 triệu tài khoản đầu tư chứng khoán, giá trị giao dịch tăng mạnh, nhiều phiên lên đến 1 tỷ USD được chuyển nhượng.

Sở GDCK, VSD: Sắp có cơ chế tài chính đặc thù mới

Dự thảo Nghị định bổ sung nguyên tắc được loại trừ yếu tố khách quan khi đánh giá doanh thu, lợi nhuận của Sở và VSD

Trong một diễn biến khác, Bộ Tài chính đang hoàn thiện dự thảo Nghị định về cơ chế tài chính đặc thù của các Sở Giao dịch chứng khoán (GDCK), Trung tâm Lưu ký chứng khoán, dự kiến trình Chính phủ vào tháng 5 này.

Theo quy định hiện hành (Nghị định số 122/2017/NĐ-CP), Sở GDCK, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam chỉ được đầu tư, góp vốn ra bên ngoài để phát triển cơ sở hạ tầng và công nghệ thông tin của thị trường chứng khoán sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bộ Tài chính cho rằng, quy định này giới hạn lĩnh vực đầu tư, góp vốn ra bên ngoài của Sở GDCK, TTLKCK để tập trung nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng cho thị trường chứng khoán.

Điểm mới khác của dự thảo Nghị định là bổ sung quy định nguyên tắc khi đánh giá hiệu quả hoạt động doanh nghiệp, công ty mẹ được loại trừ yếu tố khách quan của thị trường chứng khoán ảnh hưởng đến doanh thu, lợi nhuận của công ty con và thông quá đó tác động đến doanh thu tài chính của công ty mẹ.

Cùng với đó, dự thảo Nghị định cho phép công ty mẹ ban hành Quy chế quản lý tài chính, Quy chế giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của công ty con. Quy định cụ thể về các khoản doanh thu đặc thù của công ty con gắn với hoạt động nghiệp vụ chứng khoán. Quy định về loại trừ yếu tố khách quan do biến động của thị trường chứng khoán khi đánh giá hiệu quả hoạt động doanh nghiệp...

Về hiệu quả hoạt động của 2 Sở hiện hành, hiện nay, HOSE và HNX vẫn chưa chính thức công bố báo cáo tài chính năm 2021. Theo báo cáo gần nhất, 6 tháng đầu năm 2020, HOSE đạt doanh thu là 380 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 238 tỷ đồng. Tại HNX, 6 tháng đầu năm nay, HNX đạt doanh thu thuần 336 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế gần 231 tỷ đồng./.

Tường Vi

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư