Gelex tăng huy động vốn cho chiến lược mở rộng đầu tư kinh doanh

15:42 | 18/05/2021 Print
- Động thái mới đây của HĐQT Tổng công ty cổ phần Thiết bị Điện Việt Nam (GEX) thông qua phương án phát hành trái phiếu đợt đầu tiên năm 2021 không nằm ngoài dự đoán của giới đầu tư trong bối cảnh ông lớn này đang tập trung huy động các nguồn lực, thực hiện chiến lược mở rộng kinh doanh sau khi hoàn tất hợp nhất Viglacera.

Tiếp tục huy động 300 tỷ đồng vốn vay từ trái phiếu

Cụ thể, theo quyết nghị của HĐQT Gelex, tổng mệnh giá trái phiếu dự kiến phát hành trị giá hành 300 tỷ đồng, là trái phiếu riêng lẻ, không chuyển đổi, phát hành trong năm 2021. Căn cứ phương án phát hành trái phiếu, HĐQT giao và uỷ quyền cho ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng giám đốc quyết định và thực hiện các công việc, thủ tục liên quan đến việc chào bán, phát hành, lưu hành, chuyển nhượng, đồng thời quyết định các vấn đề phát sinh khác có liên quan đến phương án phát hành trái phiếu.

Trước đợt huy động trái phiếu này, trong năm 2020, Gelex đã huy động 2.600 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, trong đó 2.200 tỷ đồng được dùng cho các hoạt động sản xuất kinh doanh thông thường, 400 tỷ đồng còn lại dùng để góp vốn vào công ty con.

Việc Gelex thực hiện đợt phát hành trái phiếu đầu tiên này năm 2021 được đánh giá là động thái nhằm tiếp tục huy động thêm nguồn vốn bổ sung cho dòng tiền đầu tư kinh doanh, đặc biệt là đầu tư các dự án theo kế hoạch mục tiêu đã được ĐHCD Gelex phê duyệt.

Báo cáo tài chính quý I/2021 vừa được Gelex công bố ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh sau khi doanh nghiệp này thực hiện thành công việc sáp nhập Viglacera.

Cụ thể, quý I/2021, Gelex có doanh thu đạt 4.413,1 tỷ đồng, tăng 26,1% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế đạt 291,3 tỷ đồng, tăng tới 211,6% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp giảm còn 11,7%. Lợi nhuận quý I của Gelex tăng mạnh theo thuyết minh của doanh nghiệp là nhờ nâng tỷ lệ sở hữu tại Viglacera từ 24,96% lên 46,07% vốn điều lệ và đầu tư chứng khoán.

Trong đó, lợi nhuận từ kinh doanh chứng khoán là 114,2 tỷ đồng so với cùng kỳ là 9,7 tỷ đồng, tăng 11,4 lần; lãi tiền gửi, lãi cho vay, hợp tác đầu tư tăng 1,75 lần lên 67,2 tỷ đồng. Lợi nhuận từ công ty liên doanh, liên kết tăng 102 tỷ đồng từ việc tăng tỷ lệ sở hữu tại Viglacera (VGC) từ 24,96% lên 46,07% vốn điều lệ. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ của VGC quý I/2021 ghi nhận tăng mạnh so với cùng kỳ từ 98,1 tỷ đồng lên 277,2 tỷ đồng, giúp Gelex báo lãi tăng đột biến trong quý I.

Đáng chú ý, trong khi kết quả kinh doanh được cải thiện rõ nét với doanh thu và lợi nhuận quý 1 tăng mạnh, dòng tiền kinh doanh của doanh nghiệp trong quý I vẫn ghi nhận âm hơn 2103 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với mức âm 1026 tỷ đồng cùng kỳ năm 2020, dòng tiền đầu tư cũng âm 725 tỷ đồng. Điều này cho thấy Gelex đang tập trung mạnh các nguồn lực để tăng tốc đầu tư và thực hiện các kế hoạch kinh doanh theo chiến lược đã đặt ra. Trong đó, riêng khoản đầu tư vào VGC của đại gia thiết bị điện tính tới 31/3/2021 đã lên tới gần 5.267 tỷ đồng.

Do đó, việc liên tục thực hiện các đợt phát hành trái phiếu của Gelex gần đây cho thấy doanh nghiệp đang tập trung đẩy mạnh huy động dòng tiền tài chính bên cạnh các khoản vay ròng khác để bù đắp thâm hụt dòng tiền cho hoạt động kinh doanh và mở rộng đầu tư theo chiến lược tăng trưởng tham vọng.

Hậu sáp nhập VGC sẽ giúp huy động các nguồn vốn dài hạn

Kết quả lợi nhuận ghi nhận tăng đột biến trong quý I sau khi Gelex hoàn thành sáp nhập VGC là một chỉ dấu khởi đầu tích cực cho mối lương duyên Gelex - VGC. Việc thực hiện thành công hợp nhất Viglacera đầu năm nay được đánh giá là bệ đỡ vững chắc để Gelex chuyển hướng thực hiện chiến lược mở rộng đầu tư phát triển mạnh lĩnh vực hạ tầng vốn được lãnh đạo Gelex nhận định là có rất nhiều dư địa tăng trưởng.

Ngay chính Ban lãnh đạo Gelex cũng khẳng định đây là thương vụ mà Gelex đã theo đuổi trong một thời gian dài bởi Viglacera được kỳ vọng sẽ là sự bổ trợ đáng kể cho hoạt động kinh doanh cũng như tác động tích cực đến các chỉ số tài chính của Gelex. Với biên lợi nhuận gộp của VGC ở mức cao là 25%, còn Gelex dao động trong khoảng từ 15 - 17%, ngay từ đầu, việc hợp nhất VGC đã được Ban lãnh đạo Gelex dự kiến sẽ làm tăng biên lợi nhuận gộp chung của Gelex, và kết quả lợi nhuận của quý 1/2021 đã thể hiện rõ điều này.

Bên cạnh đó, một yếu tố then chốt được Gelex hết sức trông đợi khác là sự bảo đảm toàn cho sức khoẻ tài chính của doanh nghiệp. Với chiến lược đẩy mạnh các hoạt động M&A và chuyển hướng mở rộng đầu tư các dự án hạ tầng, Gelex đã gia tăng nợ vay trong các năm qua. Do đó, hoàn tất thương vụ hợp nhất với VGC vốn được đánh giá là doanh nghiệp có hệ số tài chính rất lành mạnh chính là yếu tố sẽ giúp các chỉ số an toàn tài chính của Gelex được cải thiện tích cực trong thời gian tới. Đây là điều kiện quan trọng giúp Gelex tiếp tục huy động các nguồn vốn dài hạn với chi phí hợp lý, mở ra các cơ hội đầu tư mới trong tương lai./.

Hiếu Phương

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư