e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện

Vĩnh Phúc dồn toàn lực chống dịch, đảm bảo giữ vững ổn định sản xuất, kinh doanh

16:15 | 19/05/2021 Print
- Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành cho biết, với quan điểm “Bảo vệ tính mạng người dân là số 1” và “Chống dịch như chống giặc”, ngay khi phát hiện ca nhiễm mới trong cộng đồng, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã tập trung dồn toàn lực chống dịch.

Cụ thể, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chuyển hướng phòng, chống dịch Covid-19 từ “điều tra, truy vết, xét nghiệm” sang “thần tốc truy vết, bao vây khoanh vùng, đón đầu và đánh chặn”.

Tập trung truy vết khoanh vùng dập dịch

Chủ tịch Vĩnh Phúc Lê Duy Thành cho biết, ngay khi có ca nhiễm mới xuất hiện, bên cạnh đảm bảo đưa thông tin thật nhanh đến các đơn vị liên quan để khoanh vùng, các sở, ngành địa phương còn phối hợp chặt chẽ với nhau, tập trung nhân lực làm việc 24/24 giờ để truy vết các F1, F2. F3, đưa đến khu cách ly tập trung theo tinh thần khoanh vùng gọn, nhanh, nhưng không bỏ sót, không ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân.

“Với chủ trương đó, chỉ sau khi phát hiện F0 2 tiếng đồng hồ là phải khoanh vùng xong, sau 10 tiếng đồng hồ kể từ khi xác định F1 là phải có kết quả xét nghiệm, đồng thời mở rộng đối tượng xét nghiệm cho các F2, các đối tượng có nguy cơ cao, không để dịch lan rộng ra cộng đồng…”, ông Thành nhấn mạnh,

Để tranh thủ từng giờ, từng phút phòng, chống dịch bệnh, lãnh đạo địa phương đã liên tục triển khai các cuộc họp khẩn vào ban đêm, yêu cầu cả hệ thống chính trị tham gia vào vào công cuộc chống Covid-19. Thậm chí, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc còn yêu cầu các sở, ngành, địa phương gác lại các công việc không cần thiết, tập trung toàn lực phòng, chống dịch Covid-19 để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân. Không để có bất cứ một sai sót nào, những trường hợp lơ là, mất cảnh giác, thiếu tập trung trong phòng, chống dịch đều phải chịu trách nhiệm và bị xử lý nghiêm.

Tính đến ngày 16/4, Vĩnh Phúc đã xử lý, đình chỉ 8 cán bộ lơ là trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, có 1 chủ tịch UBND huyện; 1 Phó giám đốc sở; 2 chủ tịch phường, thị trấn và 4 lãnh đạo, cán bộ công an phường.

Tăng tối đa công suất xét nghiệm

Để đáp ứng nhu cầu lấy mẫu xét nghiệm Covid-19, tỉnh đã chủ động tăng công suất xét nghiệm. Hiện trên địa bàn tỉnh có 4 đơn vị đủ năng lực xét nghiệm, đã tăng khả năng xét nghiệm từ 650 mẫu đơn/ngày lên 2.680 mẫu đơn/ngày và 12.000- 24.000 mẫu gộp/ngày (tăng hơn 10 lần); tiếp tục nâng công suất lên 30.000 người/ngày. Ngày 17/5/2021, địa phương tiếp tục huy động thêm 2 đơn vị cùng thực hiện xét nghiệm với công suất 5.000 mẫu đơn/ngày, tăng công suất lên 50.000 người/ngày.

Cùng với việc bảo vệ tính mạng người dân, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc thống nhất quan điểm, không để dịch Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của địa phương và tâm lý của người lao động. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc không để lây nhiễm Covid-19 trong các khu công nghiệp (KCN), ngày 13/5, tỉnh Vĩnh Phúc đã có văn bản hỏa tốc về việc triển khai xét nghiệm Covid-19 cho 100% công nhân tại các KCN trên địa bàn. Theo đó, yêu cầu các doanh nghiệp chủ động lên kế hoạch, phương án tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho công nhân mà không ảnh hưởng đến sản xuất tại doanh nghiệp, thời gian lấy mẫu xét nghiệm hoàn thành trước 24h ngày 15/5/2021.

Khẩn trương ban hành hàng loạt chính sách phòng chống dịch

Nhận thức “cuộc chiến” với dich Covid-19 còn rất cam go và lâu dài, ngày 16/5 vừa qua, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc khóa XVI đã tổ chức kỳ họp thứ 23 (kỳ họp bất thường) và thông qua 3 nghị quyết quan trọng, nhằm kịp thời hỗ trợ, đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. 3 Nghị quyết bao gồm Nghị quyết về một số cơ chế hỗ trợ đặc thù phục vụ công tác phòng, chống dịch; Nghị quyết về mức giá dịch vụ xét nghiệm COVID-19 theo phương pháp gộp mẫu; Nghị quyết về chính sách hỗ trợ kinh phí tiêm vắc xin phòng, chống dịch.

Trong đó, đặc biệt là Nghị quyết 04/2021/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ tiêm vắc-xin phòng dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2022. Với Nghị quyết này, tỉnh sẽ miễn phí 100% kinh phí tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú trên 6 tháng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Với Nghị quyết về một số cơ chế hỗ trợ đặc thù phục vụ công tác phòng, chống dịch, toàn bộ tiền ăn 80.000 đồng/người/ngày cho người dân bị cách ly y tế bắt buộc tại các cơ sở y tế, cơ sở cách ly y tế tập trung do UBND tỉnh, UBND cấp huyện chọn làm nơi cách ly tập trung để phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh (không bao gồm người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo).

Ngoài ra, địa phương này cũng hỗ trợ 100% chi phí xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 cho các trường hợp nghi ngờ, nguy cơ lây nhiễm, tầm soát theo diện rộng trên địa bàn tỉnh (không bao gồm các đối tượng đã được quy định tại Nghị quyết 16/NĐ-CP) theo danh sách được UBND tỉnh, UBND cấp huyện phê duyệt).

Với Nghị quyết về mức giá dịch vụ xét nghiệm COVID-19 theo phương pháp gộp mẫu áp dụng cho đơn vị sự nghiệp y tế công lập để làm cơ sở cho các cơ sở y tế, các doanh nghiệp và người dân thực hiện xét nghiệm tự nguyện, chung tay trong phòng chống dịch.

Trước đó, nhận định tính chất phức tạp của diễn biến dịch Covid-19 trong làn sóng lần này, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành công văn 3330 về việc tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 tại các khu công nghiệp (KCN), cơ sở sản xuất kinh doanh (SXKD) trên địa bàn tỉnh.

Công văn của tỉnh nêu rõ để tăng cường phòng, chống dịch tại các KCN, cơ sở SXKD theo đúng quy định và chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 tại Công văn số 3836, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, các cơ sở sản xuất kinh doanh tập trung cao độ trong phòng, chống dịch Covid-19.

UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện,thành phố theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở lao động nghiêm túc thực hiện phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm Covid-19 tại nơi làm việc và ky túc xá cho người lao động theo quy định.

Các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, các KCN và cơ sở SXKD cần chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống Covid-19 để kịp thời ứng phó với các tình huống xảy ra.

Xây dựng phương án cách ly khi có trường hợp mắc Covid-19 trong các KCN, cơ sở SXKD; tổ chức diễn tập phương án phòng, chống dịch Covid-19 tại KCN, cơ sở SXKD; đánh giá nguy cơ lây nhiễm…

UBND tỉnh cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành triển khai thực hiện tốt công tác phòng,chống dịch Covid-19 tại các KCN, cơ sở SXKD. Đơn vị, cá nhân nào không tuân thủ các quy định phòng, chống dịch sẽ bị xử lý trách nhiệm theo quy định.

Hiếu Phương

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư