e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Tài chính - Ngân hàng

Bảo đảm an toàn COVID-19 trong các khu công nghiệp

09:43 | 25/05/2021 Print
- Như kinhtevadubao.vn đã đưa tin, hiện nay, diễn biến dịch COVID-19 tại các khu công nghiệp đang diễn biến phức tạp và trở thành ổ dịch có độ lây lan nhanh. Trước tình hình này, Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện 680/CĐ-TTg về việc bảo đảm an toàn COVID-19 trong các khu công nghiệp.

Ba nhiệm vụ lớn trong chống dịch tại các khu công nghiệp

Công điện gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, nêu rõ: Tình hình đại dịch COVID-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, nhất là ở khu vực Đông Nam Á. Trong nước, từ ngày 27/4/2021 đã xuất hiện trở lại đợt dịch lây lan nguy hiểm hơn trong cộng đồng. Đặc biệt, dịch đã lây lan trong các khu công nghiệp ở Bắc Giang, Bắc Ninh, nơi tập trung hàng trăm ngàn công nhân, có nguy cơ gây đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất quy mô lớn. Cả nước hiện có khoảng 70.000 nhà máy và trên 300 khu công nghiệp tập trung đang hoạt động, nguy cơ dịch bùng phát ở các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp là rất lớn.

Thông tin từ Bắc Giang cho biết, tính đến 24/5, các ca nhiễm mới liên quan đến khu công nghiệp (KCN) vẫn tăng ở mức cao, chủ yếu trong khu cách ly, phần lớn của Công ty Hosiden Việt Nam (KCN Quang Châu) và với khoảng 4.000 công nhân của công ty này đang cách ly.

Đáng chú ý, gần đây, mỗi ngày Bắc Giang ghi nhận từ 4 đến 8 ca nhiễm trong cộng đồng, chủ yếu do tiếp xúc gần với ca nhiễm trong KCN, vì vậy, tỉnh đang tập trung phòng, chống lây nhiễm trong cộng đồng, khu vực nhà trọ công nhân.

Để tập trung phòng chống, dập dịch hiệu quả, có phương án đảm bảo hoạt động tránh đứt gãy chuỗi sản xuất tại các khu công nghiệp, nhất là của các tập đoàn lớn, đa quốc gia, ảnh hưởng đến kinh tế địa phương và cả nước, đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện 3 nhiệm vụ lớn.

Thứ nhất, các bộ, ngành, địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, cảnh giác, tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm, quyết liệt chỉ đạo của Ban Bí thư, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.

Thứ hai, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo tất cả các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp phải thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch, tự đánh giá mức độ an toàn, cập nhật lên bản đồ an toàn COVID-19. Kiên quyết dừng hoạt động khi không đảm bảo an toàn và không cập nhật mức độ an toàn lên hệ thống.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện khai báo y tế bắt buộc đối với tất cả người lao động trong các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp và những người liên quan (người cung cấp, vận chuyển vật tư, hàng hóa, suất ăn…); xử phạt nghiêm các trường hợp không khai báo, khai báo không trung thực.

Thứ ba, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn việc cách ly, xét nghiệm đối với người lao động trong các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp phù hợp với đặc điểm của từng khu vực và diễn biến tình hình dịch bệnh để nếu có tình huống dịch xâm nhập, có thể duy trì hoặc sớm khôi phục sản xuất kinh doanh, thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Thành lập “Tổ thông tin đáp ứng nhanh” để ứng phó dịch COVID-19 tại các khu công nghiệp

Cùng ngày, văn phòng Chính phủ vừa có văn bản 120/TB-VPCP ngày 24/5/2021 thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo trực tuyến với các tỉnh: Bắc Ninh, Bắc Giang.

Thông báo nêu rõ, ngày 24/5/2021, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia và trực tuyến với Lãnh đạo UBND hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang. Sau khi nghe ý kiến phát biểu của các tỉnh, các Thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia, các chuyên gia và các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã kết luận như sau:

Hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang căn cứ theo chỉ đạo của Ban Bí thư, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19; của các bộ, ngành Trung ương đã chủ động, linh hoạt, sáng tạo kịp thời chỉ đạo thực hiện các phương án, biện pháp phòng, chống dịch phù hợp nên đã cơ bản kiểm soát được ổ dịch. Tổ chức thành công Bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân các cấp trên địa bàn trong điều kiện có dịch bệnh.

Tại Bắc Ninh, tính đến 6h sáng 24/5, Bắc Ninh phát hiện 499 ca dương tính, trong đó, điều trị trên địa bàn tỉnh 480 ca, với 34 bệnh nhân nặng. Tỉnh đã rà soát được gần 37.000 trường hợp F1 và F2. Trong đó, cách ly y tế 31.000 trường hợp. Tổng số mẫu xét nghiệm 338.786 mẫu, trong đó hơn 335.000 mẫu có kết quả.

Ổ dịch trong công ty Canon đã kiểm soát được và ngày 24/5 Canon sẽ đưa 200 công nhân đến vệ sinh nhà máy và dự kiến ngày 25/5 trở lại hoạt động.

Bắc Ninh đang xây dựng kế hoạch ứng phó với tình huống có trên 1.000 người mắc, trong đó, dự kiến 25-30% ca nặng và 10% ca rất nặng. Đồng thời, sẵn sàng cho kịch bản 30.000 ca mắc.

Trước diễn biến dịch COVID-19 còn phức tạp tại hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, nhất là các khu công nghiệp và làm lây lan ra cộng đồng, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch, đặc biệt chú ý:

UBND hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang chủ động, sáng tạo trong tổ chức, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp, đúc kết thành bài học kinh nghiệm để phổ biến cho các địa phương có khu công nghiệp trên cả nước vận dụng vào thực tiễn khi có dịch xảy ra.

Phân loại các trường hợp F1 để thực hiện cách ly, xét nghiệm phù hợp, có kế hoạch đưa từng phần, từng bộ phận của nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp trở lại hoạt động an toàn, sớm nhất; đặc biệt là các doanh nghiệp trong các chuỗi sản xuất của các tập đoàn lớn.

Chỉ đạo các nhà máy, xí nghiệp xây dựng phương án tổ chức sản xuất trong tình hình dịch còn kéo dài; xây dựng hệ thống quản lý đến từng cá nhân trong khu công nghiệp; thực hiện phân chia, ưu tiên các nhóm doanh nghiệp trong khu công nghiệp, đồng thời áp dụng giãn cách theo từng thời điểm.

Bộ Y tế chỉ đạo phương án tổ chức điều trị bệnh nhân nặng, bệnh nhân mới không có triệu chứng bệnh nhẹ, đã xét nghiệm âm tính lần 1, lần 2 không để các bệnh viện tại trung tâm tỉnh lỵ Bắc Ninh, Bắc Giang quá tải; giải phóng bớt bệnh nhân tại các bệnh viện tuyến tỉnh để dành chỗ cho việc điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng.

Phó Thủ tướng chỉ đạo các địa phương tăng cường quản lý người lao động về địa phương, nhất là từ các tỉnh đang có dịch; chủ động nâng cao năng lực xét nghiệm, không bị động khi dịch phát sinh theo phương châm 4 tại chỗ.

Bộ Y tế khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn việc cách ly y tế linh hoạt, thực hiện xét nghiệm đối với các trường hợp F1, trước mắt là đối với hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang để hai tỉnh thí điểm việc tổ chức đi làm trở lại theo từng vùng, từng ca, từng phân xưởng, dây chuyền sản xuất.

Khẩn trương hướng dẫn các địa phương chủ động bổ sung trang thiết bị, phương tiện, sinh phẩm, hóa chất, nhất là test xét nghiệm nhanh với phương châm 4 tại chỗ theo kịch bản có 30.000 ca mắc.

Ban hành ngay văn bản tháo gỡ vướng mắc liên quan tới thu hoạch nông sản trong vùng, khu cách ly, phong tỏa.

Hoàn thiện quy định xác định mức độ nguy cơ và các biện pháp phòng, chống dịch tương ứng, ban hành trước ngày 27/5/2021.

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Chỉ thị Phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5/2021.

Chỉ đạo các địa phương thành lập “Tổ thông tin đáp ứng nhanh” để tiến hành tổng hợp các cách thức ứng phó dịch COVID-19 tại các khu công nghiệp, xây dựng nền tảng chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về phòng, chống dịch COVID-19 tại các khu công nghiệp trên cả nước.

Phó Thủ tướng yêu cầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương khẩn trương chỉ đạo các nhà máy, xí nghiệp, đặc biệt các khu công nghiệp, thực hiện các giải pháp bảo đảm phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo sản xuất an toàn không để ngưng trệ, gãy chuỗi sản xuất.

Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổ phân tích thông tin của Ban Chỉ đạo Quốc gia khẩn trương hoàn thiện phương án hỗ trợ thực hiện khai báo y tế, theo dõi sức khỏe đối với công nhân các khu công nghiệp./.

An Nhi

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư