e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện

Tổng cục Thống kê đề xuất giải pháp thúc đẩy thương mại, dịch vụ năm 2021-2025

10:04 | 26/05/2021 Print
- Tổng cục Thống kê cho rằng, cần đẩy mạnh thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa và khuyến khích tiêu dùng nội địa. Đồng thời, tăng cường gắn kết lưu thông với sản xuất, đẩy mạnh liên kết chuỗi nhằm kết nối cung cầu, đảm bảo ổn định đầu vào đầu ra…

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 21.765 nghìn tỷ đồng giai đoạn 2016-2020

Trong những năm qua hoạt động thương mại, dịch vụ của cả nước phát triển nhanh, liên tục tăng dần qua các năm. Tuy nhiên trong năm 2020, tình hình dịch Covid-19 bùng phát mạnh và diễn biến khó lường cùng với hạn hán, xâm nhập mặn, mưa, lũ làm ảnh hưởng đến hoạt động thương mại, dịch vụ.

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hoạt động thương mại và dịch vụ không sôi động như những năm trước, người tiêu dùng hạn chế mua sắm nơi công cộng, đi du lịch và ăn uống ngoài gia đình nên tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng không duy trì được mức tăng như những năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2020 ước tính đạt 4.976,5 nghìn tỷ đồng, tăng 1,7% so với năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 13,3%).

Xét theo ngành hoạt động, năm 2020, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 3.944,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 79,3% tổng mức và tăng 6,8% so với năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 11,7%); doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước tính đạt 493,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 9,9% và giảm 17,2%; dịch vụ và du lịch đạt 538,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,8% và giảm 10,5%.

Số trung tâm thương mại năm 2020 là 250 trung tâm

Tính chung 5 năm 2016-2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 21.765 nghìn tỷ đồng, bình quân mỗi năm tăng 9,1%/năm, bao gồm: Bán lẻ hàng hóa đạt 16.563,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 76,1% tổng mức và tăng 10,4%/năm; dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 2.551,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,7% và tăng 4,3%/năm; dịch vụ và du lịch đạt 2.649,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,2% và tăng 5,1%/năm.

Trong nhiều năm qua, mạng lưới bán hàng ngày càng phát triển, hệ thống hạ tầng thương mại có sự biến chuyển phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội, phục vụ tốt cho nhu cầu sản xuất và đời sống của người dân.

Các hình thức hạ tầng bán buôn, bán lẻ hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại tăng nhanh chóng, hàng hóa lưu thông trên thị trường trong nước ngày càng đa dạng, phong phú cả về chủng loại và cấp độ sản phẩm, giá cả hàng hóa ổn định, chất lượng đảm bảo.

Tổng cục Thống kê cũng cho biết, số trung tâm thương mại năm 2020 là 250 trung tâm, tăng 48,8% so với năm 2016; số siêu thị là 1.163 siêu thị, tăng 34,5%. Mạng lưới chợ dân sinh tính đến thời điểm 31/12/2020, tên địa bàn cả nước có 8.581 chợ dân sinh, tuy có dấu hiệu giảm 0,1% so với năm 2016, nhưng vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc cung ứng và tiêu thụ hàng hóa. Công tác kết nối cung cầu được thực hiện tốt, góp phần bình ổn giá cả trên thị trường, đảm bảo đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát thông qua việc gắn kết tạo nguồn hàng ổn định giữa các nhà sản xuất trong nước với các hệ thống phân phối lớn trên toàn quốc.

Tỷ lệ hàng Việt Nam tại các hệ thống phân phối bán lẻ luôn chiếm tỷ trọng cao, chiếm tỷ trọng trên 90% đối với hệ thống phân phối do doanh nghiệp trong nước làm chủ (Co.opmart: 90%-93%, Satra: 90%-95%, Vinmart: 96%…) và trên 70% tại các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại nước ngoài tại Việt Nam (Lotte, Big C: 90%, AEON, Citimart: 82%-85%…).

Giải pháp thúc đẩy hoạt động thương mại, dịch vụ giai đoạn 2021-2025

Để đẩy mạnh phát triển hoạt động thương mại, dịch vụ năm 2021 cũng như giai đoạn 2021-2025, Tổng cục Thống kê đề xuất, đẩy mạnh thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa và khuyến khích tiêu dùng nội địa. Đẩy mạnh thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành và chuỗi giá trị.

Đồng thời, tăng cường gắn kết lưu thông với sản xuất, đẩy mạnh liên kết chuỗi nhằm kết nối cung cầu, đảm bảo ổn định đầu vào đầu ra. Tăng cường liên kết trong chuỗi cung ứng hàng hóa của các doanh nghiệp phân phối gắn với quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm; liên kết giữa doanh nghiệp bán lẻ với các nhà sản xuất trong việc tạo nguồn hàng sản xuất trong nước với giá cả cạnh tranh, bảo đảm đủ tiêu chuẩn chất lượng có thể thỏa mãn nhu cầu mua sắm tiêu dùng đa dạng và ngày càng cao ở Việt Nam để cung ứng cho các cơ sở bán lẻ nhằm giảm sự phụ thuộc vào hàng cùng loại nhập khẩu.

Tập trung vào hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa, tập trung trước hết vào các chuỗi cung ứng hàng nông sản thực phẩm thiết yếu của thị trường nội địa. Kết hợp với nghiên cứu cơ cấu lại kinh tế vùng và liên vùng để xây dựng và triển khai thực hiện các đề án phát triển một số chuỗi cung ứng hàng hoá; thu hút và kết nối các cơ sở sản xuất cùng tham gia vào chuỗi, trở thành thành viên của chuỗi.

Bên cạnh đó, phát triển các phương thức và hình thức tổ chức kinh doanh thương mại trong nước đa dạng, phù hợp với quá trình phát triển sản xuất và hội nhập của Việt Nam; góp phần gia tăng giá trị thương mại cho sản phẩm, có khả năng gắn kết và thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước, chú trọng phát triển thương mại điện tử và sự gắn kết giữa thương mại điện tử với các loại hình hoạt động thương mại truyền thống.

Ngoài ra, tiếp tục phát triển đa dạng các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại, kết hợp hài hoà giữa thương mại truyền thống với thương mại hiện đại, phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của thị trường trên từng địa bàn (khu vực, vùng, miền và cả nước); hoàn thiện hệ thống chợ truyền thống trên cơ sở nâng cấp các chợ ở khu vực nông thôn, miền núi; khuyến khích phát triển các mô hình chợ bảo đảm an toàn thực phẩm.

Xây dựng, triển khai các chương trình kích cầu tiêu dùng; phát triển các kênh phân phối, thúc đẩy phát triển mạnh thị trường trong nước. Bảo đảm cân đối cung cầu những mặt hàng thiết yếu.

Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa./.

Lê Vân

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư