“Điều lạ” ở Đại hội đồng cổ đông của Vietravel

10:11 | 27/05/2021 Print
- Xuất hiện một chi tiết “lạ” tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021, của Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) vừa diễn ra.

Vì sao có “điều lạ”?

Trước thềm đại hội cổ đông năm nay, một thông tin gây chú ý ngay sau khi được Vietravel, mã chứng khoán VTR đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM, công khai là Vietravel sẽ cổ phần hóa Công ty TNHH Hàng không Lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines), một công ty con do Vietravel sở hữu 100% vốn nằm trong kế hoạch tái cấu trúc Vietravel hoạt động theo mô hình Vietravel Holdings.

Thông tin đó tiếp tục thu hút sự quan tâm tại đại hội cổ đông của Vietravel vừa diễn ra. Tại cuộc họp này, cổ đông đã nghe ông Nguyễn Minh Ngọc, thành viên thường trực Hội đồng quản trị của Vietravel trình bày phương án tái cấu trúc Vietravel theo mô hình Vietravel Holdings. Theo đó, Vietravel Airlines không còn thuộc sở hữu trực tiếp của Vietravel. Vietravel Holdings sẽ trở thành công ty mẹ, sở hữu cổ phần chi phối tại Vietravel và Vietravel Airlines. Để hoàn tất việc tái cấu trúc theo phương án tổng thể này, đại hội cổ đông ủy quyền và giao cho Hội đồng quản trị của Vietravel triển khai thực hiện tất cả các công việc liên quan...

Tái cấu trúc là việc hệ trọng, nhưng Vietravel chỉ trình bày tại đại hội kế hoạch sơ sài như vậy, nên khó làm yên lòng các bên liên quan, ngay cả với “người trong nhà” của Vietravel. Bởi vậy, ngay sau khi ông Ngọc trình bày xong kế hoạch trên, thì diễn biến đáng chú ý tại đại hội là ông Võ Quang Liên Kha, thành viên Hội đồng quản trị của Vietravel phát biểu: về chủ trương tái cấu trúc theo mô hình Vietravel Holdings của Công ty được đề cập trong báo cáo của Hội đồng quản trị Vietravel, để đảm bảo đúng quy định của pháp luật, đề nghị phải bổ sung thêm 1 tờ trình riêng, lấy ý kiến cổ đông về vấn đề này...

Trước diễn biến “lạ” trên, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Vietravel khẳng định, việc tái cấu trúc là cần thiết để phù hợp với chiến lược và kế hoạch kinh doanh của toàn hệ thống, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Hội đồng quản trị sẽ bổ sung tờ trình và lấy ý kiến đại hội cổ đông.

Tiếp đó, chính ông Võ Quang Liên Kha đã trực tiếp trình bày kế hoạch tái cấu trúc Vietravel theo mô hình Vietravel Holdings dựa theo Tờ trình được soạn thảo ngay tại đại hội. Theo đó, Vietravel chuyển quyền sở hữu Vietravel Airlines sang Vietravel Holdings. Khi đó Vietravel Holdings sẽ trở thành công ty mẹ sở hữu cổ phần chi phối tại Vietravel và Vietravel Airlines... Đại hội cổ đông ủy quyền và giao cho Hội đồng quản trị của Vietravel triển khai tất cả các công việc liên quan, bao gồm nhưng không giới hạn việc thành lập Vietravel Holdings, chuyển quyền sở hữu Vietravel Airlines sang Vietravel Holdings theo đúng chủ trương tái cấu trúc.

Rõ ràng, trước một việc hệ trọng là thay đổi cấu trúc hoạt động sang mô hình công ty mẹ- con, lẽ ra việc này đã phải được bàn rất “chín” và chuẩn bị kỹ lưỡng trong Hội đồng quản trị của Vietravel, chứ không thể để ra đến đại hội mà còn có ý kiến không thống nhất trong chính Hội đồng quản trị của Vietravel như trên. Đây là “điều lạ”, vì hiếm gặp trong cuộc họp đại hội cổ đông của các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán như Vietravel.

Kết thúc đại hội, cùng với thông qua kế hoạch cổ phần hóa Vietravel Airlines, cổ đông còn thông qua phương án tái cấu trúc Vietravel hoạt động theo mô hình Vietravel Holdings.

Đại hội cổ đông của Vietravel vừa thông qua kế hoạch cổ phần hóa Vietravel Airlines. Ảnh: VTR

Muốn gọi thêm vốn giữa lúc làm ăn thua lỗ, sức ép trả nợ tăng

Đại hội cũng đã thông qua phương án dự kiến trong năm nay, Vietravel sẽ phát hành 200-500 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ không chuyển đổi, với kỳ hạn 12-36 tháng, dự kiến lãi suất cố định 11-12%/năm. Tuy nhiên, tại biên bản họp đại hội cổ đông năm 2021 lại không nói rõ mục đích sử dụng vốn của đợt phát hành này là gì?

Đại hội còn thông qua kế hoạch dự kiến cũng trong năm nay, Vietravel sẽ phát hành tới 12 triệu cổ phần riêng lẻ, tương đương 120 tỷ đồng theo mệnh giá, nhằm đáp ứng nhu cầu về vốn cho hoạt động kinh doanh.

Kế hoạch gọi vốn dồn dập được Vietravel đưa ra trong bối cảnh do chịu tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, Công ty rơi vào làm ăn thua lỗ, liên tục “ăn mòn” vốn chủ sở hữu. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2021, Công ty lỗ 72,8 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước cũng lỗ 41,5 tỷ đồng. Kinh doanh liên tục thua lỗ khiến vốn chủ sở hữu vốn đã mỏng, nay giảm còn 102 tỷ đồng. Theo cáo tài chính hợp nhất năm 2020 đã kiểm toán, Công ty thua lỗ 98,9 tỷ đồng.

Trong trường hợp các thương vụ huy động vốn vừa được đại hội thông qua mà Vietravel tiến hành thành công, nhưng nếu tình hình dịch Covid-19 còn kéo dài và tác động xấu đến ngành du lịch, hàng không, thì sẽ làm gia tăng rủi ro cho an toàn tài chính với Vietravel. Đây là điều Vietravel không thể xem thường, khi mà món nợ của thương vụ phát hành 700 tỷ đồng trái phiếu (có kỳ hạn 24 tháng) đầu tư cho thành lập Vietravel Airlines chưa mang lại hiệu quả sẽ đáo hạn vào ngày 17/9/2021. Nếu tình trạng kinh doanh thua lỗ vẫn tiếp diễn, việc duy trì hoạt động đã khó, Vietravel lấy gì tích lũy để trả được những khoản nợ đã và sắp hình thành?

Kinh doanh khó khăn đã tác động không tích cực lên diễn biến giá cổ phiếu VTR. Chốt phiên giao dịch ngày 26/5, VTR có giá 33.400 đồng/cổ phiếu, giảm đáng kể từ mức 38.300 đồng/cổ phiếu khi chốt phiên giao dịch đầu tiên của năm nay./.

Tân Văn

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư