Doanh nghiệp chi tiền mua vaccine, bảo vệ người lao động, được không?

14:04 | 27/05/2021 Print
- Việt Nam có khoảng 13.000 doanh nghiệp lớn (vốn từ 100 tỷ đồng hoặc trên 300 người lao động). Nếu Chính phủ tạo con đường cho phép doanh nghiệp được đăng ký mua vắc-xin bằng tiền của doanh nghiệp để bảo vệ người lao động và người thân, sẽ giúp doanh nghiệp tự bảo vệ mình tốt hơn và nhiều chuỗi sản xuất sẽ không bị đứt gãy bởi các F0, F1.

Những doanh nghiệp tiên phong góp Quỹ

8h tối ngày 26/5/2021, Bộ Tài chính gửi thông tin cho các cơ quan báo chí, thông báo việc Chính phủ vừa ban hành Quyết định 779/QĐ-TTg, thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19. Sáng 27/5/2021, Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBBank) công bố trao số tiền ủng hộ 30 tỷ đồng của Tập đoàn vào Quỹ.

Ngay sau khi Quỹ vaccine được Chính phủ thành lập, MBBank trao số tiền ủng hộ 30 tỷ đồng vào Quỹ

Trước khi Quỹ vaccine phòng COVID-19 chính thức được ra đời, một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã xung phong góp Quỹ. Ngày 21/5/2021, 4 ngân hàng Nhà nước (Vietcombank, Agribank, BIDV, Vietinbank) góp 25 tỷ đồng/ngân hàng, với sự ghi nhận của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thành Long. Ngày 25/5, Bộ Y tế tổ chức Lễ tiếp nhận khoản hỗ trợ từ 8 doanh nghiệp, trong đó Tập đoàn T&T Group hỗ trợ 1 triệu liều vắc xin; Tập đoàn Ecopark hỗ trợ 1 triệu USD; Tập đoàn Hòa Phát hỗ trợ 50 tỷ đồng; Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI hỗ trợ 10 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Tiên Phong - TPBANK hỗ trợ 10 tỷ đồng; Tập đoàn Phenikaa hỗ trợ 20 tỷ đồng; Ngân hàng SHB hỗ trợ 15 tỷ đồng; Tập đoàn An Phát Holdings hỗ trợ 20 tỷ đồng. Trước đó, Bộ Y tế tiếp nhận khoản hỗ trợ từ Vingroup, Sovico Group và HD Bank trao tặng cho công tác này.

Bên cạnh các tên tuổi lớn, hoạt động góp Quỹ đã và đang lan tỏa đến nhiều thành phần xã hội, thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, một số cơ quan truyền thông, trường đại học... Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, để thực hiện chiến lược tiếp cận vaccine phòng COVID-19 nhanh nhất, rộng nhất, yếu tố rất quan trọng là cần nguồn tài chính đảm bảo. Do đó, việc huy động sự đóng góp, ủng hộ của các tập đoàn, doanh nghiệp tham gia đồng hành cùng góp tài chính cho Quỹ là rất cần thiết.

Về vaccine, Bộ trưởng thông tin, Bộ Y tế đã đàm phán thành công với AstraZeneca, với Pfizer/BioNTech, với COVAX Facility - một cơ chế chia sẻ vaccine cho toàn cầu. Ngoài ra, Bộ Y tế đã đăng ký với COVAX để mua thêm vaccine theo cơ chế cùng chia sẻ chi phí. Đến thời điểm ngày 25/5/2021, theo đàm phán của Bộ Y tế, Việt Nam sẽ có khoảng 110 triệu liều vaccine phòng COVID-19 từ nay đến cuối năm 2021. Nhiệm vụ của Bộ Y tế là đàm phán tiếp, làm sao có đủ 150 triệu liều vaccine phòng COVID-19 để tiêm chủng cho 75% dân số Việt Nam theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, của Chính phủ.

Bộ trưởng Nguyễn Thành Long chia sẻ, mục tiêu của chúng ta không những đảm bảo vaccine tiêm chủng trong năm 2021 mà còn những năm tiếp theo. Việc Thủ tướng quyết định thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19 để đảm bảo cơ chế tài chính trong tiếp cận vaccine, để người dân Việt Nam đều được tiếp cận vaccine. Bộ trưởng mong rằng, các đơn vị tiếp tục đồng hành với ngành y tế và cả nước trong cuộc chiến chống dịch COVID-19.

Trong lịch sử tiêm chủng ở nước ta, chưa bao giờ có chiến dịch tiêm vaccine lớn nhất như chiến dịch này, tư lệnh ngành Y cho biết. Theo đó, cùng với nỗ lực tiếp cận, tìm kiếm vaccine từ bên ngoài, Việt Nam cũng tính tới chiến lược phát triển vaccine phòng COVID-19 trong nước, với mục tiêu đến năm 2022 chúng ta sẽ có vaccine “made in” Việt Nam”.

Chính sách thuế mới, khuyến khích việc ủng hộ, tài trợ Quỹ vaccine phòng COVID-19

Trong bối cảnh “chống dịch như chống giặc”, để khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp đóng góp tài vật, ủng hộ Quỹ vaccine phòng COVID-19, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 44/2021/NĐ-CP quy định cụ thể về thuế với khoản đóng góp khẩn cấp này. Theo đó, doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ bằng tiền, hiện vật cho các hoạt động phòng, chống “giặc” Covid-19 tại Việt Nam thông qua các đơn vị nhận ủng hộ, tài trợ.

Doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ bằng tiền, hiện vật cho các hoạt động phòng, chống COVID-19

Tại Nghị định số 44, Chính phủ quy định, đơn vị nhận ủng hộ, tài trợ bao gồm: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp; cơ sở y tế; đơn vị lực lượng vũ trang; đơn vị, tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao nhiệm vụ làm cơ sở cách ly tập trung; cơ sở giáo dục; cơ quan báo chí; các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; tổ chức đảng, đoàn thanh niên, công đoàn các cấp ở trung ương và địa phương; cơ quan, đơn vị chính quyền địa phương các cấp có chức năng huy động tài trợ; Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 các cấp; Cổng thông tin điện tử nhân đạo quốc gia; quỹ từ thiện, nhân đạo và tổ chức có chức năng huy động tài trợ được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật.

Chính phủ yêu cầu các đơn vị nhận ủng hộ, tài trợ có trách nhiệm sử dụng, phân phối đúng mục đích của khoản ủng hộ, tài trợ cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 đã tiếp nhận, đồng thời quy định cụ thể về hồ sơ xác định khoản chi ủng hộ, tài trợ. Theo đó, hồ sơ gồm Biên bản xác nhận ủng hộ, tài trợ theo mẫu hoặc văn bản, tài liệu (hình thức giấy hoặc điện từ) xác nhận khoản chi ủng hộ, tài trợ có chữ ký, đóng dấu của người đại diện doanh nghiệp là bên ủng hộ, tài trợ và đại diện của đơn vị nhận ủng hộ, tài trợ; kèm theo hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật của khoản ủng hộ, tài trợ bằng tiền hoặc hiện vật.

Chia sẻ với Kinh tế và Dự báo, Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính, ông Võ Thành Hưng cho biết, quy định pháp lý đã rõ, các tổ chức, doanh nghiệp không cần phải băn khoăn về câu chuyện thuế liên quan đến khoản tài trợ, ủng hộ cho công tác chống dịch. Ông cũng chia sẻ, Bộ Tài chính được giao quản lý Quỹ, lo về tài chính, còn việc đàm phán mua bao nhiêu vaccine và phân bổ vaccine mua được đến các chủ thể nào, sẽ do Bộ Y tế chủ trì.

Xã hội hóa việc góp tiền mua vacine

Theo tính toán của Bộ Y tế, mua 150 triệu liều vaccine để tiêm phòng cho khoảng 75 triệu người hết khoảng 25,2 nghìn tỷ đồng. Ngân sách trung ương dự kiến bố trí khoảng 16 nghìn tỷ đồng, đảm bảo cho các đối tượng do trung ương quản lý và hỗ trợ ngân sách địa phương khó khăn; ngân sách địa phương chi và huy động đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khoảng 9,2 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, khi dịch kéo dài thì nhu cầu vaccine hàng năm tăng cao, kinh phí sẽ mua vaccine lớn, nếu chỉ dựa vào nguồn Ngân sách sẽ khó đáp ứng mục tiêu phòng dịch cho toàn dân.

Nguồn kinh phí tài trợ, ủng hộ từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân góp vào Quỹ vaccine phòng Covid-19 được thực hiện chi theo một cơ chế chặt chẽ. Quyết định số 779 nêu rõ, Quỹ chịu sự kiểm tra, thanh tra, kiểm toán về các hoạt động tài chính của Quỹ của các cơ quan quản lý nhà nước về tài chính và Kiểm toán Nhà nước; giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cộng đồng. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp nhu cầu mua, nhập khẩu vaccine, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước và sử dụng vaccine phòng COVID-19, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Bộ Tài chính xuất Quỹ để chi theo nội dung Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và căn cứ hồ sơ đề nghị của Bộ Y tế.

Nếu xã hội hóa việc góp tiền mua vaccine, người lao động sẽ nhẹ nỗi lo phải ở nhà vì F0, F1 và trẻ em sẽ sớm được trở lại trường

Như ông Võ Thành Hưng chia sẻ, Bộ Tài chính là đầu mối quản trị tài chính của Quỹ, còn việc mua vaccine và phân phối như thế nào cho nhân dân, sẽ theo cơ chế do Bộ Y tế xây dựng. Liên quan đến vấn đề phân phối vaccine, trong văn bản phân bổ vaccine mới nhất của Bộ Y tế, vaccine được phân về Trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố, lực lượng quân đội, công an; các viện, bệnh viện, trường đại học…, chưa có tên doanh nghiệp.

Về phía doanh nghiệp, chia sẻ với Kinh tế và Dự báo, ông Lê Minh Tâm, Chủ tịch Công ty Chứng khoán Yuanta cho biết, nguồn lực tài chính trong dân rất lớn, nếu Chính phủ tạo điều kiện cho phép doanh nghiệp đăng ký tự mua vaccine bảo vệ cho người lao động, người thân của người lao động thì Ngân sách sẽ giảm nhẹ gánh nặng chi phí và chuỗi sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp cũng được bảo vệ tốt hơn.

Chỉ cần các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI vào cuộc thì Ngân sách sẽ nhẹ được gánh nặng lo tài chính mua vaccine. Nhà nước tập trung tìm nguồn vaccine hiệu quả. “Tất nhiên, vaccine phải do Chính phủ nhập và chỉ định đơn vị tiêm chủng cho mọi người”, ông Tâm kiến nghị.

Đại diện Tập đoàn MB, đơn vị vừa ủng hộ 30 tỷ đồng vào Quỹ vaccine phòng COVID-19, đồng thuận với ý tưởng Chính phủ nên mở con đường cho doanh nghiệp chi tiền mua vaccine, bảo vệ người lao động. Khi nhiều người an toàn hơn, thì cả xã hội sẽ an toàn hơn và đặc biệt, chuỗi sản xuất trong doanh nghiệp sẽ không bị đứt quãng nếu người lao động được bảo vệ. Sự gắn kết giữa người lao động và nhà quản lý doanh nghiệp cũng tốt hơn khi họ cùng bảo vệ nhau trong những biến cố bất thường của môi trường sống.

Do tính chất đặc thù, việc mua vaccine cần tập trung đàm phán ở cấp Chính phủ, nhưng việc chi tiền mua vaccine nên mở rộng phạm vi đóng góp, hay nói cách khác là xã hội hóa. Đại diện MBBank cho rằng, khoản đóng góp bước đầu từ việc tự nguyện của các tổ chức, cá nhân tài trợ cho Quỹ chung của Đất nước; bước hai, nên cho phép doanh nghiệp được đăng ký mua vaccine bằng tiền của chính mình, để bảo vệ tài sản lớn nhất là con người. Bước ba, nên tính phương án Bảo hiểm xã hội chi khoản tiền mua vaccine và bước bốn, cho phép người dân tự chi trả tiền mua vaccine phòng COVID-19.

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng liên tục trong thập niên vừa qua giúp tầng lớp trung lưu tăng mạnh về số lượng, bên cạnh việc có thêm nhiều doanh nghiệp lớn, kinh doanh hiệu quả. Riêng trên TTCK Việt Nam, có trên 50 doanh nghiệp niêm yết ghi nhận lợi nhuận trên 1.000 tỷ đồng năm 2020, trong đó có nhiều doanh nghiệp có hàng vạn lao động như Vinamilk, Hòa Phát, MBBank, Vinhome, GAS… Nếu có cơ chế cho doanh nghiệp đăng ký mua vaccine bảo vệ người lao động của chính mình, chắc chắn sẽ có rất nhiều doanh nghiệp hưởng ứng, góp nguồn tài chính chủ động lo cho mình, lo cho Đất nước.

Nếu các doanh nghiệp được chủ động góp tiền mua vaccine, Nhà nước sẽ nhẹ gánh nặng tài chính trong cuộc chiến chống “giặc” Covid-19. Thêm nhiều người được bảo vệ, dòng mạch sản xuất, kinh doanh trong nền kinh tế sẽ thêm sức chống chịu tốt với đại dịch. Người lao động sẽ không còn mang nỗi lo phải ở nhà và trẻ em sẽ được trở lại trường học sớm hơn, trong môi trường sống an lành./.

Tường Vi

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư