e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện

Xã hội hóa vaccine: Chúng ta không còn thời gian nữa

11:19 | 28/05/2021 Print
- Góp tiền vào Quỹ vaccine phòng COVID-19 của Nhà nước là việc cần, nhưng cần hơn là Chính phủ mở cơ chế cho doanh nghiệp được tự đàm phán mua vaccine để bảo vệ chính mình. Đừng lo doanh nghiệp không thể mua được. Nếu chậm, nhiều doanh nghiệp sẽ chết và nền kinh tế sẽ lỡ chuyến tàu phục hồi tăng trưởng. Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng CIEM chia sẻ.

Chúng ta không còn thời gian nữa

Mỹ và châu Âu đã cơ bản đạt được mục tiêu chiến lực vaccine và đang rục rịch mở cửa nền kinh tế trở lại, bắt đầu tháng 6. Ông Hiếu chia sẻ và cho biết, lần này, họ mở cửa với tâm thế bền vững do dân chúng đã được bảo vệ bởi vaccine. Khác với các lần trước, mở rồi lại phải đóng, phải giãn cách vì dân chưa được tiêm đầy đủ.

Khi các nền kinh tế lớn quay lại trạng thái hoạt động bình thường, đó là cơ hội rất lớn cho Việt Nam phục hồi kinh tế. Để không mất cơ hội, yêu cầu số 1 là Việt Nam phải chống được “giặc” Covid-19, phải có đủ vaccine cho người dân một cách nhanh nhất. “Chúng ta không còn thời gian nữa, nếu để chậm 2-3 tháng thôi, Việt Nam sẽ để lỡ chuyến tàu phục hồi tăng trưởng”, ông Hiếu nói.

Để có đủ vaccine cho mọi người dân, ông Hiếu cho rằng, xã hội hóa vaccine cần được hiểu đúng và thực thi đúng theo bản chất của xã hội hóa. Đó là cần mở mọi cánh cửa, kêu gọi mọi nỗ lực từ xã hội cho công tác tìm kiếm vaccine lúc này. Việc trông chờ vào một chủ thể, một nguồn vaccine từ Bộ Y tế đàm phán và phân phối là quá bó hẹp và không thể thực hiện được chiến lược vaccine một cách thần tốc, quyết liệt như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Cách tốt nhất là Chính phủ mở cơ chế cho mọi doanh nghiệp, người dân có quyền đàm phán mua vaccine để bảo vệ chính mình, bảo vệ người lao động và người thân của họ. Một mục tiêu trúng nhiều đích khi chuỗi sản xuất của doanh nghiệp không bị đứt gãy, vaccine có đủ cho nhiều người hơn, nhiều người được bảo vệ. Nền kinh tế có thêm sức mạnh từ nhân dân để chiến thắng đại dịch, sớm trở lại nhịp sống bình thường và tiếp tục cơ hội tăng trưởng khi các quốc gia khác mở cửa trở lại nền kinh tế.

Đại dịch đang lan nhanh tại Việt Nam

(số liệu Bộ Y tế, đến 10h ngày 28/5/2021)

Nếu cho phép doanh nghiệp và người dân tự mua vaccine, thì cách nào để đảm bảo chất lượng vaccine và sự an toàn trong sử dụng vaccine trên diện rộng, theo ông?

Theo tôi, Bộ Y tế chỉ cần kiểm soát 2 việc. Việc một, đó là chất lượng vaccine. Theo đó, Bộ Y tế ban hành ngay lập tức danh mục các vaccine đủ chất lượng để doanh nghiệp, người dân Việt Nam khi đàm phán mua, thì mua theo danh mục này. Thứ hai, Bộ Y tế lo việc tổ chức tiêm chủng cho nhân dân theo nguồn vaccine mua theo danh mục. Cái cần xã hội hóa, cần mở cửa ở đây là mở cửa cho doanh nghiệp được tự tìm nguồn hàng, tự chi tiền mua vaccine để bảo vệ mình. Nếu chỉ trông chờ vào một Quỹ của Chính phủ (Quỹ vaccine phòng COVID-19) thì rất lâu mới có thể có đủ nguồn 150 triệu liều vaccine tiêm cho tất cả người dân. Các ổ dịch liên tục bùng phát tại doanh nghiệp, tại khu dân cư hàng ngày cho thấy, chúng ta phải hành động gấp, không còn thời gian nữa.

Đừng lo doanh nghiệp không đàm phán được

Hiện nay, đầu mối đàm phán mua vaccine cho nước ta thống nhất ở một chủ thể, đó là Bộ Y tế. Liệu ý tưởng cho doanh nghiệp chủ động tìm nguồn mua vaccine bằng tiền của mình, có khả thi không, thưa ông?

Đừng lo doanh nghiệp không đàm phán được. Hãy tạo cơ chế cho họ được làm và họ sẽ làm được. Tôi tin là doanh nghiệp sẽ làm được việc này.

Nếu Samsung, May 10 hay các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nền kinh tế được chủ động tìm mua vaccine và bảo vệ nhân viên của họ, sẽ tốt cho tất cả. Chuỗi sản xuất của doanh nghiệp được bảo vệ, không bị đứt gãy, dòng sản phẩm kết nối giao thương trong nước, quốc tế được liên thông. Giá trị lớn hơn là cộng đồng doanh nghiệp góp sức cho mục tiêu chống dịch của Chính phủ một cách trực diện nhất, hiệu quả nhất. Khi có nhiều người an toàn hơn, xã hội sẽ an toàn hơn. Chính phủ sẽ tập trung lo cho các đối tượng không thể tự chi trả được, chứ không nhất thiết lo cho tất cả mọi chủ thể, trong khi có rất nhiều chủ thể mong muốn được tự lo.

Nếu cho phép doanh nghiệp, thậm chí cả người dân, tự mua vaccine thì có tạo nên sự bất bình đẳng trong xã hội không, khi nghĩ đến những người không đủ điều kiện tự lo cho mình?

Hoàn toàn không. Ai lo được cần để họ tự lo. Chính phủ dành nguồn lực Nhà nước, nguồn lực ủng hộ từ cộng đồng lo cho những người không tự lo được. Như vậy mới là công bằng vì giải pháp đó tốt cho tất cả mọi người.

Vaccine là cấp bách, phục hồi kinh tế là quan trọng nhất

Trở lại với câu chuyện phục hồi kinh tế, lắng nghe nhiều doanh nghiệp, ông thấy họ đang có mong muốn gì lớn nhất, thưa ông?

Doanh nghiệp luôn mong muốn trụ vững và phát triển. Đó là mong muốn chính đáng và cơ chế, chính sách cần tạo mọi điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp thực thi mong muốn này. Rất nhiều doanh nghiệp, hiệp hội, như Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Gỗ Việt Nam hay mới đây là EuroCham đã lên tiếng đề xuất Chính phủ cho doanh nghiệp được chi tiền, được tự mua vaccine phòng Covid-19 cho người lao động của họ. Tiếng nói đó, Chính phủ cần lắng nghe hơn bao giờ hết và xử lý nhanh chóng hơn bao giờ hết bởi Đất nước đang trong trạng thái “chống dịch như chống giặc”.

“Giặc Covid-19” lan nhanh, ngày càng xâm nhập mọi nơi, mọi lúc, nên cần nhất là đảm bảo an toàn. Không có lý do gì không cho doanh nghiệp được chủ động đàm phán mua vaccine và chủ động bảo vệ chính mình trong bối cảnh này. Với nhiều doanh nghiệp, dừng hoạt động một ngày là chết nhiều ngày, thậm chí chết mãi mãi.

Ở nơi tâm dịch, nhiều bệnh viện gặp khó khăn rất lớn, đó là hết vật tư đặc chủng. Các vật tư phải mua qua đấu thầu, mà bệnh nhân nặng thì không thể chờ lâu nữa. Vậy về luật, có cách nào vượt qua quy cách thủ tục thông thường, cứu giúp bệnh nhân không, thưa ông?

Đây là vấn đề nan giải, tôi sẽ suy nghĩ và chia sẻ sau. Nhưng trước hết, tôi mong mỏi Chính phủ hãy mở cơ chế “vaccine doanh nghiệp” theo đúng cách xã hội hóa vaccine để nhiều người được tự bảo vệ hơn, giảm áp lực cho ngành y, giảm áp lực cho Đất nước./.

Tường Vi

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư