Các nhà đầu tư vẫn quan tâm đến thị trường Việt Nam

18:42 | 31/05/2021 Print
- Nhận định trên được ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và bà Lê Hoàng Uyên Vy, Giám đốc điều hành Do Ventures cùng đưa ra trong Báo cáo Đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ Việt Nam 2020, công bố sáng 31/5/2021.

Việt Nam vẫn là điểm đến thu hút các dòng tiền đầu tư

Báo cáo cho biết, tổng vốn đầu tư vào các start-up công nghệ Việt Nam năm 2020 giảm 48% so với năm 2019 song NIC và Do Ventures tin rằng, nguồn vốn này sẽ bứt phá vào năm 2021. Cơ sở cho nhận định này, ông Vũ Quốc Huy và bà Hoàng Uyên Vy cho rằng, khủng hoảng luôn là chất xúc tác mạnh mẽ để các mô hình kinh doanh đột phá xuất hiện. “Chúng tôi tin rằng, với những nỗ lực từ phía Chính phủ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh t­ế số và tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, startup Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để bứt phá khi hoạt động đầu tư dần phục hồi”, lãnh đạo NIC và Do Ventures nhận định.

Ông Vũ Quốc Huy và bà Hoàng Uyên Vy cho rằng, khủng hoảng luôn là chất xúc tác mạnh mẽ để các mô hình kinh doanh đột phá xuất hiện

Hai tổ chức trên cho rằng, thị trường đầu tư công nghệ Việt Nam có sự chững lại khó tránh khỏi do tác động của Covid-19, nhưng các nhà sáng lập tại Việt Nam đã và sẽ tận dụng mọi nguồn lực có thể để trụ vững và tiếp tục phát triển.

Báo cáo cho thấy, trong bối cảnh khó khăn chung của các nền kinh tế toàn cầu bởi đại dịch Covid -19, số lượng nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam chỉ giảm nhẹ trong năm 2020 so với nhiều quốc gia khác (xem Bảng 1). Thực tế này chỉ ra rằng, Việt Nam vẫn là điểm đến thu hút các dòng tiền đầu tư. Hoạt động mạnh mẽ nhất đến từ các nhà đầu tư trong nước và các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc và Singapore, trong khi đó số lượng các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản có giảm đáng kể.

Bảng 1: Tổng quan nhà đầu tư vào Việt Nam so với một số thị trường khác

(Nguồn: Báo cáo Đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ Việt Nam 2020)

Do Ventures ghi nhận hơn một nửa trong tổng số lượng thương vụ đầu tư vào startup công nghệ Việt Nam được thực hiện bởi các quỹ đầu tư nội địa. Đây là chỉ dấu cho thấy vai trò quan trọng của các nhà đầu tư trong nước trong việc hỗ trợ startup giai đoạn đầu tiếp tục tiến xa hơn trong giai đoạn nhiều thử thách như hiện nay. Tổng số vốn đầu tư vào các startup công nghệ Việt Nam đạt 451 triệu USD, giảm 48% so với năm 2019, nhưng số lượng các khoản đầu tư giảm không đáng kể ở mức 17%.

Được biết, Do Ventures là quỹ đầu tư mạo hiểm giai đoạn đầu có giá trị 50 triệu USD, đóng vai trò như một đối tác chiến lược cho các công ty startup. Do Ventures được đồng sáng lập bởi Nguyễn Mạnh Dũng (Shark Dzung) và Lê Hoàng Uyên Vy, với mong muốn tạo ra những ảnh hưởng tích cực đối với hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam. Báo cáo giữa Do Venture và NIC được thực hiện với sự cộng tác nguồn dữ liệu từ Cento Ventures. Đây là công ty đầu tư mạo hiểm, có trụ sở tại Singapore, điều hành 3 quỹ đầu tư tập trung vào các công ty khởi nghiệp công nghệ tại các thị trường đang tăng trưởng, đặc biệt là Đông Nam Á.

Trong bức tranh tổng quan của nền kinh tế, điều đáng mừng là, diễn biến tích cực về dòng vốn đầu tư tại Việt Nam tiếp tục duy trì trong những tháng đầu năm 2021. Tổng cục Thống kê vừa cho biết, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam từ đầu năm đến ngày 20/5/2021 (bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần) đạt 14 tỷ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có 613 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 8,83 tỷ USD, tăng 18,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 5 tháng đầu năm 2021 ước tính đạt 7,15 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước.

Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thu hút các nguồn vốn vào Việt Nam

Tại Việt Nam, đổi mới, sáng tạo được coi là một bước đột phá để đạt mục tiêu tăng trưởng cao và bền vững. Chính phủ đã xây dựng những mục tiêu chiến lược cho công tác này đến năm 2030, trong đó có việc nâng cao đóng góp của nền kinh tế kỹ thuật số vào GDP lên 30%; tăng năng suất lao động 7,5% hàng năm và Việt Nam trở thành một trong 40 quốc gia hàng đầu trong chỉ số đổi mới toàn cầu.

Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia Việt Nam (NIC) là đơn vị trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư với chức năng hỗ trợ và phát triển các công ty khởi nghiệp Việt Nam và hệ sinh thái đổi mới, góp phần vào sự đổi mới của mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học và công nghệ. NIC đóng vai trò là trung tâm đổi mới, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo theo ba cách. Thứ nhất, tạo ra một môi trường kinh doanh vượt trội, thu hút các công ty địa phương và toàn cầu đầu tư vào Việt Nam. Thứ hai, thúc đẩy việc tạo ra một hệ sinh thái cho các công ty khởi nghiệp và các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu và thứ ba, nhân rộng các nỗ lực đổi mới, sáng tạo ra các địa điểm khác trong cả nước.

Với vai trò là cơ quan hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC cho biết, NIC đang nghiên cứu và đề xuất xây dựng môi trường pháp lý cho đổi mới sáng tạo Việt Nam, trong đó có các chương trình, chính sách đặc thù, cơ chế thử nghiệm hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. “Việc cung cấp thông tin tổng thể cho các nhà đầu tư về hoạt động đầu tư đổi mới sáng tạo tại Việt Nam sẽ góp phần tăng cường thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước cho đổi mới sáng tạo”, ông Huy nói.

Bảng 2: Các nhà đầu tư tích cực trong lĩnh vực công nghệ năm 2020

(Nguồn: Báo cáo Đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ Việt Nam 2020)

Tường Vi

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư