e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện

Đại học Bách Khoa thí điểm ươm tạo, đưa sáng chế ra thị trường

09:51 | 01/06/2021 Print
- Tháng 7/2021, Chương trình Ươm tạo đưa sáng chế ra thị trường - Lab2Market - đầu tiên sẽ được Trường đại học Bách Khoa thực hiện với đối tượng tham gia là nhà khoa học trong trường đại học, bằng các nghiên cứu đã có sản phẩm mẫu ưu tiên, có bảo hộ sở hữu trí tuệ.

Thí điểm hình thành hệ sinh thái cho các nhà khoa học Việt Nam

Chương trình do Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển công nghệ Bách khoa Hà Nội (BK Holdings), Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Bách khoa Hà Nội (BK FUND) phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia (NSSC), Chương trình Khởi nghiệp Thụy Sỹ (Swiss EP) tổ chức với sứ mệnh ươm tạo, thương mại hóa các sáng chế hàng đầu trong trường đại học.

Không gian sáng tạo BKHUP

Sáng chế thuộc 4 lĩnh vực ưu tiên mà chương trình Lab2Market cam kết đồng hành nằm trong đinh hướng chiến lược phát triển khoa học công nghệ giai đoạn 2018-2025 của Việt Nam, đó là công nghệ dữ liệu và hệ thống thông minh; năng lực và môi trường bền vững; vật liệu mới; khoa học và công nghệ chăm sóc sức khỏe.

Theo yêu cầu của Ban Tổ chức, trong mỗi nhóm tham gia cần có ít nhất 1 nhà nghiên cứu làm việc toàn thời gian. Các nhóm nghiên cứu sẽ đồng hành bởi các cố vấn là các chuyên gia, doanh nhân thành đạt và các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Các nhóm nghiên cứu có cơ hội kết nối với vườn ươm ở Hà Nội, TP. HCM Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời có cơ hội nhận vốn đầu tư từ BK FUND, Javis Venture và 5 nhà đầu tư thiên thần.

TS. Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá, chương trình là bước thí điểm, tiên phong trong việc hình thành hệ sinh thái bền vững cho các nhà khoa học ở Việt Nam. Các nhà đầu tư, doanh nghiệp hợp tác với nhóm nghiên cứu để tìm ra con đường phát triển cho các kết quả sáng chế, tạo ra các sản phẩm Việt ứng dụng vào thực tế.

TS. Nguyễn Trung Dũng, Giám đốc BK Holdings chia sẻ, khi được hỏi về tại sao các trường đại học Việt Nam trong hoạt động đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ, lại chưa tạo được các công ty spin-off thành công như tại các nước tiên tiến, đa phần người được hỏi sẽ trả lời là vấn đề tài chính, nguồn vốn. Tuy nhiên, trở ngại đầu tiên và lớn nhất tại Việt Nam là về tư duy, nhận thức về tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ và sở hữu trí tuệ của trường đại học, cũng như là sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên trong các hoạt động này. “Chương trình Lab2market là sự hội tụ nguồn lực của các thành phần trong hệ sinh thái - của chính phủ, doanh nghiệp và nhà trường để thương mại hóa các sáng chế trong trường đại học góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế khoa học công nghệ của Việt Nam”, ông Dũng nói.

Nghiên cứu khoa học phải gắn với doanh nghiệp và thị trường

Với mô hình vườn ươm, các ý tưởng mới sẽ được cộng hưởng kinh nghiệm của những người từng trải và có thể được trợ giúp vốn đầu tư ban đầu

Trong một chia sẻ vào tháng 5/2021, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, các trường đại học của Việt Nam đã thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ (KH&CN), nhưng chỉ có 5%-10% số đề tài nghiên cứu được ứng dụng vào sản xuất và kinh doanh. Đây là một sự lãng phí lớn.

TS. Đỗ Thị Hải Ninh, Giám đốc Đào tạo - Hợp tác quốc tế (Viện Đổi mới sáng tạo, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh) đánh giá, tại Việt Nam việc thương mại hoá các kết quả nghiên cứu từ các trường đại học, các viện nghiên cứu vẫn còn thiếu hiệu quả, chưa nhận được sự quan tâm thích đáng từ các bên liên quan. Các trường đại học tại Việt Nam vẫn tập trung và coi là mục tiêu sống còn là thực hiện nhiệm vụ đào tạo. Trong khi đó, tại các trường đại học trên thế giới và khu vực, hoạt động nghiên cứu là kim chỉ nam cho các hoạt động đào tạo, và thúc đẩy phát triển kinh tế.

Thực tế, người làm công tác nghiên cứu đều muốn sản phẩm của mình được mang lại lợi ích cho xã hội, nhưng ở Việt Nam gần như thiếu đi sự kết nối để thực hiện mong muốn này. Sự tách rời giữa nghiên cứu cơ bản với nghiên cứu ứng dụng là điều đáng tiếc cho Việt Nam. Nếu kết nối được 2 mảng này, chắc chắn nguồn lực xã hội sẽ không bị lãng phí, thị trường sẽ có nhiều sản phẩm được làm bởi người Việt, trí tuệ Việt.

Theo TS. Bùi Hải Hưng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu VinIA, đổi mới sáng tạo rất quan trọng với sự phát triển của các doanh nghiệp, nhất là các tập đoàn lớn. Để xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo, mô hình vườn ươm ý tưởng rất đáng được khuyến khích. Các vườn ươm không nhất thiết đứng độc lập, mà có thể ở trong tập đoàn, trong các trường đại học lớn, tạo chỗ cho thử nghiệm các ý tưởng sáng tạo.

Với mô hình vườn ươm, các ý tưởng mới sẽ được cộng hưởng kinh nghiệm của những người từng trải và có thể được trợ giúp vốn đầu tư ban đầu. Như vậy, quá trình từ sáng tạo, nghiên cứu, thử nghiệm và đưa ra ứng dụng sẽ được rút ngắn, dễ thành công hơn và cũng tiết kiệm nguồn lực cho xã hội./.

Tường Vi

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư